Chủ tịch Hội NDVN Thào Xuân Sùng: "Năm 2021, phải chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang kinh doanh nông nghiệp"

Nhóm PV KTCT Thứ sáu, ngày 25/12/2020 10:08 AM (GMT+7)
Sáng nay (25/12), Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt tổ chức Toạ đàm: "Kinh tế 2021: Kỳ vọng Đại hội Đảng nhiệm kỳ XIII và một Việt Nam hùng cường". Sự kiện được báo tổ chức thường niên vào mỗi dịp cuối năm và đây là lần thứ 4 sự kiện diễn ra.
Bình luận 0
Chủ tịch Hội NDVN Thào Xuân Sùng: - Ảnh 1.

Đồng chí Thào Xuân Sùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát biểu khai mạc Tọa đàm. (Ảnh: Trọng Hiếu)

Đến dự Tọa đàm có đồng chí Thào Xuân Sùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.

Tọa đàm cũng có sự tham dự của đông đảo các chuyên gia kinh tế hàng đầu trong cả nước.

Về phía Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt có Nhà báo Lưu Quang Định, Tổng Biên tập; Nhà báo  Phan Huy Hà, Phó Tổng biên tập thường trực; Nhà báo Nguyễn Văn Hoài, Phó Tổng Biên tập.

Phát biểu khai mạc, đồng chí Thào Xuân Sùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam nhấn mạnh: Chỉ còn ít ngày nữa, dòng chảy thời gian sẽ khép lại năm 2020 và mở ra năm 2021 với sự kiện trọng đại là Đại hội Đảng nhiệm kỳ XIII. Chạy với thời gian, hôm nay, Báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt tổ chức buổi Tọa đàm với chủ đề "KINH TẾ 2021: KỲ VỌNG ĐẠI HỘI ĐẢNG NHIỆM KỲ XIII VÀ MỘT VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG".

Chủ tịch Hội NDVN Thào Xuân Sùng: - Ảnh 2.

Quang cảnh Toạ đàm: "Kinh tế 2021: Kỳ vọng Đại hội Đảng nhiệm kỳ XIII và một Việt Nam hùng cường" do Báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt tổ chức. (Ảnh: Trọng Hiếu)

Thay mặt Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, đồng chí Thào Xuân Sùng nhiệt liệt chào mừng các chuyên gia đã đến tham dự buổi tọa đàm.

Theo Chủ tịch Hội NDVN Thào Xuân Sùng, trong năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 nhưng kinh tế vẫn chuyển biến tích cực, toàn diện trên nhiều lĩnh vực, nhất là công cuộc xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng đạt nhiều kết quả quan trọng, làm thay đổi bộ mặt xã hội nông thôn Việt Nam và tạo nên sức mạnh vật chất lẫn tinh thần để thực hiện thắng lợi bước đầu mục tiêu kép.

Trong năm 2021, thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 05 năm 2021-2025 và chiến lược kinh tế xã hội 10 năm (2021-2030), đất nước vừa có cơ hội phát triển và vừa có thách thức lớn đan xen đang đòi hỏi cơ hội.

"Hội Nông dân Việt Nam phải thực hiện một cách quyết liệt vai trò trung tâm và nòng cốt nhằm tạo ra sự chuyển đổi lớn về nhiều mặt, tôi cho rằng điểm mấu chốt là tư duy về nông nghiệp", đồng chí Thào Xuân Sùng nói và nhấn mạnh: Việt Nam cơ bản vẫn là quốc gia nông nghiệp và nông nghiệp vẫn là trụ đỡ của nền kinh tế, nên "cần tập trung nghiên cứu, triển khai các giải pháp gì để vượt qua thách thức gì và tận dụng được cơ hội, hội nhập theo 14 Hiệp định Thương mại tư do FTA, trong đó có CPTPP và EVETA?".

Trong phát biểu, Chủ tịch Hội NDVD đã chỉ ra 5 điểm đáng chú ý. Thứ nhất, trước thực tế động lực của công cuộc đổi mới nông nghiệp, trước đây từ các chính sách đất đai và vai trò của kinh tế nông hộ được phát huy đã đem lại thành tựu to lớn nhưng nay đang dần mất đi động lực khi nông hộ và nền nông nghiệp nhỏ, lẻ, manh mún đang đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt do hầu hết sản phẩm nông sản của ta đều đang xuất khẩu ở dạng thô và 50% lượng nông sản chưa xây dựng được thương hiệu, tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

"Nhà nước ta cần xây dựng các cơ chế, chính sách và quy định pháp lý thiết thực để tăng cường thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp", đồng chí Thào Xuân Sùng nói.

Thứ hai, Chủ tịch Hội NDVN cho rằng, thông qua đẩy mạnh xây dựng thì Hội nông dân và Tổ hội nông dân nghề nghiệp, các cấp Hội Nông dân Việt Nam phải phối hợp với các cấp chính quyền xây dựng chiến lực thương hiệu quốc gia và đổi mới tư duy từ sản suất nông nghiệp sang tư duy kinh doanh nông nghiệp vì mục tiêu năng suất cao, chất lượng cao, giá trị cao.

Thứ ba, các cáp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể và Hội Nông dân cùng đồng bào nông dân phải thoát ra khỏi tư duy trong địa giới hành chính xã, huyện, tỉnh để thực hiện có hiệu quả mối quan hệ liên kết, hợp tác 6 nhà mà doanh nghiệp là "bà đỡ" và người nông dân vừa là nhà sản xuất vừa là nhà kinh doanh nông nghiệp thì phát huy được tiềm năng và lợi thế… tiến tới với tâm thế "hòa nhập mà không hòa tan".

Thứ tư, Chủ tịch Hội NDVN lưu ý, cần xây dựng một nền nông nghiệp hữu cơ vi sinh, xanh, sạch, an toàn, bền vững vì con người với những giải pháp đồng bộ và phương châm "đối xử với đất nước thật công bằng, thân thiện và biết ơn" là hành động thi đua yêu nước thiết thực nhất bằng cách "công nông trí thức hóa" và "trí thức công nông hóa".

"Nghĩa là công nông cần học tập văn hóa để nâng cao trình độ tri thức của mình, trí thức cần gần giữ công nông và học tập tinh thần, nghị lực, sáng kiến và kinh nghiệm của công nông", đồng chí Thào Xuân Sùng nói.

Cuối cùng, Chủ tịch Hội NDVN cho rằng, cần xây dựng xã hội nông thôn ổn định, văn minh, hiện đại và giàu bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng người nông dân mới giàu lòng yêu nước, đoàn kết trách nhiệm trong nghĩa tình, cầu thị tiến bộ, vừa là nhà sản xuất vừa là nhà kinh doanh nông - lâm - thủy sản, đủ đạo đức công dân và kiến thức, phát huy vai trò chủ thể theo tư tưởng "công nông là người chủ cách mệnh" và công nông là gốc các mệnh" của Bác Hồ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem