Đất nước ngày càng phát triển, đời sống người dân ngày càng khấm khá. Nhưng đâu đó, chúng ta đều bắt gặp một vài hình ảnh những người đang phải gánh chịu những đau khổ cùng cực của cuộc đời.
Ông Liêm làng tôi là một người như vậy. Nhiều lúc tôi nghĩ, có lẽ trên thế giới này, chẳng có ai khổ như ông Liêm làng tôi. Nếu ví cuộc đời ông là một bộ phim thì đây là một bộ phim bi thương nhất, không có cao trào và cũng chẳng có hồi kết.
Nhà tôi cách nhà ông tầm 100m, từ nhỏ đến lớn, hình ảnh ông Liêm ăn mặc rách rưới, quần áo cũ kỹ, đầu đội một chiếc mũ đã chuyển sang màu cháo lòng, lững thững bước đi trên khắp con đường làng đã trở thành một cái gì đó rất chi là quen thuộc.
Trong tiềm thức mỗi lớp trẻ thơ quê hương tôi, hình ảnh ông Liêm còn gợi lên bao nỗi niềm sợ hãi. Tôi vẫn nhớ, mỗi lần không nghe lời hay không chịu ăn uống, bà tôi thường bảo "Cháu không nghe lời là bà bảo ông Liêm vào bắt đi". Câu nói đó không chỉ bà tôi mà rất nhiều người bà khác đã từng nói với các thế hệ con cháu mình.
Theo lời kể các bậc cao niên trong làng, ông Liêm có tuổi thơ vô cùng cơ cực, năm lên 2 thì cha ông bị bệnh hiểm nghèo và qua đời. Mẹ ông vì hoàn cảnh cuộc sống, chỉ nuôi ông lên 4 rồi để cho bà nội nuôi dưỡng, hai bà cháu sống trong căn nhà cũ "rau cháo nuôi nhau" từ đó.
Cuộc đời giường như có chút gì mỉm cười, ông Liêm càng lớn thì càng tỏ ra là người thông minh, ham học hỏi, liên tục được cử đi tham gia các cuộc thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Thành tích học tập càng củng cố niềm tin về một tương lai tươi sáng hơn cho hai bà cháu.
Kết thúc kì thì tốt nghiệp lớp 10 (lớp cuối cùng của hệ phổ thông), ông Liêm đỗ thủ khoa của tỉnh Nam Hà (hiện tại là hai tỉnh Nam Định và Hà Nam) và lựa chọn vào học ở trường Đại học Y Dược.
Rồi hạnh phúc ngắn chẳng tày gang, bà nội ông Liêm mất sau đó một năm.
Đến năm thứ ba đại học, ông được vinh dự cử đi nước ngoài du học. Nhưng sau vài năm, ông phải về nước vì cơ thể bị suy nhược, tâm trí không được tỉnh táo.
Về quê, ông không giao tiếp với ai, cả ngày chỉ ngồi một chỗ, lầm lì, ít nói. Bác sĩ kết luận ông bị "tâm thần phân liệt", cuộc đời dường như đã kết thúc với một thanh niên trẻ, có tài năng, mang bao hoài bão, ước mơ, nhưng số phận lại không mỉm cười.
Để rồi từ đó, hình ảnh ông lang thang khắp làng trên xóm dưới trở thành điều gì rất bình thường. Nhiều lúc tôi gặp, cứ thấy ông vừa đi vừa lẩm bẩm điều gì đó mà tôi không nghe rõ, ông thường nhặt nhạnh những thứ vụn vặt cho vào túi áo, nào là những mẩu thuốc đã hút dở, những vỏ bao thuốc, vỏ bim bim, túi ni lông, chai lọ cũ… Tôi nghĩ có thể đó là "niềm vui" của ông.
Ngoài niềm vui nhặt nhạnh những thứ vụn vặt trên đường, ông Liêm rất thích hút thuốc. Nhà nào có điếu bát hay điếu cày, ông đều ít nhiều hay ghé thăm. Tôi nghĩ có lẽ đây là sợi dây cuối cùng, để liên kết giữa ông và bà con quê hương, làng xóm.
Tôi có cảm giác, ông bước vào không phải với tư cách một người khách, có thể chỉ là thuộc về cảm xúc thân thuộc và thoải mái. Lần nào cũng vậy, ông chỉ lầm lũi bước vào, cầm điếu lên hút một hơi, rồi lại lầm lũi bước đi như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Người dân quê tôi quá quen với điều đó, thấy ông bước vào là mọi người biết ý, đưa thuốc cho ông kèm thêm chén nước chè nóng, tất cả chỉ diễn ra trong im lặng, nhưng ai cũng hiểu.
Ông cứ lặng lẽ như là một hạt cát đời!
Nhiều lúc, thấy ông lang thang trên đường, vài người họ thương, cho củ khoai, bắp luộc, ông lại lặng lẽ cầm, cho vào túi rồi lại bước đi. Nhà nào có cỗ bàn, giỗ chạp, thấy ông qua thì kéo lại, đưa cho bát cơm ngồi ăn. Vài lần vô tình bắt gặp, nhìn thấy ông ngồi ăn, tôi vừa mừng, lại vừa thương.
Hiện tại, ngôi nhà cũ ông từng sống bao nhiêu năm được phá dỡ, ông chuyển sang sống cùng người chú họ trong một căn nhà khang trang hơn. Nhưng tôi có cảm giác, với ông Liêm, cơm, áo, gạo, tiền, sống trong căn phòng ấm cúng đều không có bất cứ ý nghĩa gì.
Hồi nhỏ, hình ảnh ông Liêm trong mắt tôi là cái gì đó rất đáng sợ, như là một ông "Ba bị" ngoài đời thực. Tôi rất sợ phải đến gần, tiếp xúc với ông, nhưng nhiều lúc tò mò, cứ đừng từ xa ngước nhìn. Nhưng rồi càng lớn, nghe những câu chuyện về ông, tôi càng cảm thấy thương, đồng cảm và chút gì xót xa cho số phận một con người.
Phật pháp từng nói "cuộc đời là quán trọ, chúng ta là khách bộ hành". Nhìn về cuộc đời ông Liêm, tôi càng ngẫm càng thấy đúng. Ông hiện tại sống trong một căn phòng khang trang hơn căn nhà cũ của bà nội, nhưng hình như là đó cũng chỉ là "quán trọ" trong mắt ông, cả ngày lang thang, với ông "tối đâu là nhà, ngã đâu là giường". Cả cuộc đời ông là chuỗi những ngày lang thang bước đi mà không có điểm đến.
Những ngày gần Tết, tôi thường nghe mọi người bắt đầu ca thán về cuộc đời, về những khó khăn, áp lực trong cuộc sống. Tôi nghĩ nó là điều bình thường, ai trên đời này đều gặp khó khăn, vất vả, ai cũng muốn giải tỏa khó khăn, mong muốn sự giúp đỡ. Nhưng nói đi thì cũng phải ngẫm lại, chúng ta khổ một thì ngoài kia có những người khổ nhiều, có người còn chịu kiếp tận cùng của nỗi đau trong xã hội, nhưng họ vẫn lầm lũi bước đi.
Tôi rất tâm đắc câu nói "chúng ta sinh ra từ cát bụi, chết lại trở về cát bụi", cuộc đời dường như rất chi là vô thường, hãy sống tử tế nhất có thể, rồi lan truyền sự tự tế cho mọi người, làm cho cuộc đời mình trở nên có ý nghĩa.
Tôi không rõ, giờ đây ông Liêm đang lang thang ở chỗ nào quê hương, có nghĩ gì về cuộc đời không, nhưng tôi có thể dám chắc, dù ông lang thang ở bất kỳ đâu, ông vẫn nhận được tình cảm yêu thương của người dân quê tôi.
Nhớ về ông, nhớ về hạt cát đời!