Kể chuyện làng: Thoát nạn dưới thùng trấu

Nguyễn Văn Công Thứ tư, ngày 03/02/2021 07:00 AM (GMT+7)
Năm tôi mười bảy tuổi, tôi bắt đầu quen với việc trốn những trận càn của thực dân Pháp. Đi với chúng luôn có tên mõ chỉ điểm hoặc một vài quan lại người Việt làm tay sai cho chúng.
Bình luận 0
Kể chuyện làng: Thoát nạn dưới thùng trấu - Ảnh 1.

Chân dung bố tôi thời trai trẻ, ông là một thợ may có tiếng.

Khi thực dân Pháp tái chiếm Việt Nam năm 1946, chính quyền cách mạng rút lên căn cứ Việt Bắc kháng chiến. Các làng mạc chưa kịp phục hồi dân số, kinh tế sau nạn đói năm 1945 thì lại tiếp tục bị thực dân Pháp bóc lột, tàn phá. Để có một lực lượng hùng hậu đối trọng với cách mạng, thực dân Pháp và tàn dư phong kiến thường đi càn quyét tuyển quân ở vùng nông thôn, đặc biệt sau năm 1949, khi Pháp đưa Bảo Đại lên làm Quốc trưởng chính thể Quốc gia Việt Nam để hợp pháp hóa xây dựng ngụy quân.

(Ghi theo lời kể của ông Lê Đình Bộ, 90 tuổi, thôn Yên Phú, xã Văn Phú, huyện Thường Tín, TP Hà Nội).

Làng tôi là một làng nhỏ nằm ở vùng cửa ngõ phía nam thủ đô, ngày đó, lứa tuổi "choai choai" như chúng tôi không hiểu biết nhiều về chính trị, thời cuộc chỉ lo làm sao no cái bụng là tốt lắm rồi. Cả làng lúc đó có một chiếc loa phóng thanh, ngày đêm phát nhạc bài "Tiếng gọi công dân" của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, bài này là quốc ca của chính quyền Bảo Đại với lời ca rất hùng hồn, thúc giục thanh niên nhập ngũ.

Kể chuyện làng: Thoát nạn dưới thùng trấu - Ảnh 2.

Chân dung mẹ tôi, người đã nhanh trí giấu tôi xuống thùng trấu.

Với thực dân Pháp, bất luận "choai choai" hay đứng tuổi, miễn có thể cầm súng chiến đấu chúng đều tuyển mộ hết, chỉ trừ phụ nữ, người già hoặc người ốm đau kinh niên.

Ban đầu, thực dân Pháp yêu cầu mọi công dân từ 16 tuổi trở lên phải chủ động lên đăng ký lính mà hồi đó gọi là lính ba-tê-dăng (gọi theo tiếng Pháp) tại đồn Ngọc Hà, Hà Nội. Nếu không tự giác lên đăng ký, chúng sẽ tiến hành cưỡng ép, đánh đập hoặc tịch thu tài sản ruộng đất.

Kể chuyện làng: Thoát nạn dưới thùng trấu - Ảnh 3.

Chân dung tôi khi 35 tuổi, lúc bắt đầu làm chủ tịch xã.

Năm tôi mười bảy tuổi, tôi bắt đầu quen với việc trốn những trận càn của thực dân Pháp. Đi với chúng luôn có tên mõ chỉ điểm hoặc một vài quan lại người Việt làm tay sai cho chúng. Chính quyền Quốc gia Việt Nam thời đó chỉ là hình thức, tuy là "quan làng" nhưng bọn tay sai không nắm chính xác về dân số, quyền hành gì cũng trong tay Pháp, vì thế nếu thoát được những trận càn thì cũng có nhiều nhà giữ được ruộng đất vì "khai man thành công".

Tuy vậy, cũng không ít thanh niên bị thực dân Pháp bắt cầm súng chĩa vào người Việt, có tài liệu ghi chép rằng, thời điểm năm 1953 - 1954, Pháp đã xây dựng được đội quân ngụy hơn 300.000 lính. Phần lớn số quân này bị đưa vào miền Nam sau năm 1954 phục vụ dưới chế độ Việt Nam Cộng hòa, và sau năm 1975, có người về với đất mẹ, người còn sống thì di tản đi nước ngoài.

Kể chuyện làng: Thoát nạn dưới thùng trấu - Ảnh 4.

Hiện tôi đã 90 tuổi và sống một mình trong căn nhà xây năm 1998.

Năm 1948 - 1949, mẹ tôi buôn hàng sáo. Nhà tôi có một thùng trấu khá sâu vào cỡ 2 mét. Bố mẹ tôi đẻ chục anh em, độ chín mười tuổi ai cũng đã phải tự kiếm ăn như mò cua bắt ốc, làm thuê làm mướn để được no cái bụng. Mẹ tôi thường khai với "quan làng" số con ít hơn để tránh bị bắt bớ, trẻ con hồi đó nheo nhóc, lấm lem mặt đứa nào cũng giống đứa nào nên mẹ tôi qua mặt được bọn chúng hoặc nói chúng bỏ đi biền biệt, chẳng biết đi đâu, chẳng rõ sống hay chết, về lúc nào.

Một ngày nọ, giặc Pháp đi càn về làng tôi. Có người từ đầu làng chạy hối hả về hô to "trốn đi, chúng đi càn tới đầu làng rồi",  tôi khi đó đang trong vườn, rất hoảng hốt tìm chỗ trốn. Bà mẹ tôi bảo tôi nhảy ngay vào thùng trấu, đào trấu thật sâu sau đó lấy một tấm vải màn đắp lên mặt tôi rồi vùi trấu vào. Tấm vải màn đó để cho tôi thở mà không bị trấu chui vào mũi, sau này tôi luôn trân trọng những thứ nhỏ bé như tấm vải màn mỏng manh đã cứu tôi ngày nào.

Kể chuyện làng: Thoát nạn dưới thùng trấu - Ảnh 5.

Sân bóng làng tôi hiện nay, trước là nơi thực dân Pháp gom thanh niên trước khi cho nhập lính ngụy.

Một toán lính Pháp ập đến ngay sau đó, cỡ bảy tám thằng. Chúng lục soát khắp mọi nơi trong nhà, ngoài vườn. Chúng hất tung và đạp đổ mọi thứ, lấy lưỡi lê dài đâm vào đống rơm, đâm vào bụi rậm, nóc nhà cốt để tìm ra thanh niên đang ẩn nấp trốn lính.

Một tên lính Pháp nhảy vào thùng trấu, giẫm giày bốt-đờ-sô chắc nịch lên vùng đùi tôi, mẹ tôi nhảy vào cùng và bẩm báo chúng. Mẹ tôi đứng lên vùng mặt tôi để tránh hắn đâm lê vào mặt. Tên lính Pháp đâm mấy nhát lê xuống sát rạt bụng tôi, chỉ chừng hai ba cm nữa là chạm. Nằm dưới trấu, tôi rất khó thở nhưng cố nín, vùng đùi bị giẫm căng cứng như sắp vỡ ra. Mẹ tôi bảo chúng rằng, nhà có mấy đứa nhưng chúng chẳng mấy khi ở nhà, tôi cũng không biết chúng đi đâu, chứ tôi nào có dám giấu các ngài... tên lính Pháp mới chịu nhảy ra.

Chúng ra quát mắng mẹ tôi bằng tiếng Pháp rồi đi, vừa đi vừa ngoái cổ lại xem có động tĩnh gì không. Tôi nằm im một lúc nữa đợi chúng đi hẳn mới dám ra. Rất may tôi đã thoát trận càn đó. Tuy vậy, không ít người bạn nối khố của tôi hôm đó đã bị giải đi, người nấp trong đống rơm, người lặn xuống ao, người chui vào đống gio bếp, leo lên mái nhà... vô vàn kiểu lẩn trốn.

Kể chuyện làng: Thoát nạn dưới thùng trấu - Ảnh 6.

Đình làng tôi trải qua chiến tranh vẫn còn giữ nguyên được kiến trúc ban đầu.

Sau thất bại ở Điện Biên Phủ năm 1954, nhiều người làng tôi đảo ngũ và thoát được trở về quê hương, tuy vậy cũng có một vài người bị quản thúc chặt mà không về được, phải theo thực dân Pháp vào miền Nam. Trong đó, có một người anh em với tôi tên là Vang bị bắt lính sau một trận càn, sau này phục vụ trong Quân lực Việt Nam cộng hòa, nghe đâu đó lên đến cấp bậc trung tá. Sau năm 1975, anh Vang di tản sang Canada cùng gia đình rồi mất tại nước bạn.

Tôi may mắn thoát lính "ba-tê-dăng", và nhờ có chút học hành, rồi tham gia quân đội nên được bầu làm Bí thư xã, rồi chủ tịch xã mấy nhiệm kỳ. Nay về hưu đã gần 30 năm, đi sắp hết cuộc đời nhưng vẫn còn nhớ như in về trận càn năm đó, những trận càn làm thay đổi ngã rẽ cuộc đời, biến những người anh em cùng quê hương, cùng thời nối khố chiến đấu trên hai chiến tuyến.

Kể chuyện làng: Thoát nạn dưới thùng trấu - Ảnh 7.

Ông Bộ năm nay đã 90 tuổi vẫn nhớ như in trận càn của giặc Pháp năm nào.

Nay chiến tranh đã lùi xa, trên tinh thần hòa hợp dân tộc, nhớ về nơi chôn rau cắt rốn, tôi tin rằng những người con của anh Vang sẽ sớm tìm về quê hương của cha, thắp nén nhang thơm lên bàn thờ tổ tiên để quên đi một thời đã xa.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem