N.T.V, 14 tuổi (Quảng Xương, Thanh Hóa) ngồi co ro một góc bên vệ đường dưới gầm cầu đoạn giao cắt của ngã 3 Lê Văn Lương. Chân đi dép, trên người mặc mỗi manh áo mỏng. V tay đút túi quần, trên đùi đặt khay tăm bông, chân run run vì rét buốt.
V cho biết, bố mẹ đi làm Trung Quốc. Tranh thủ đợt dịch bệnh, được nghỉ học sớm, em theo chân anh trai ra Hà Nội đi làm thêm.
Nói là đi làm thêm nhưng thực tế nhiều trẻ em như V đang làm việc cho một ông chủ chuyên chăn dắt trẻ ăn xin và bán hàng rong.
Mỗi ngày những đứa trẻ như V được trả từ 80-90 nghìn đồng và bao ăn ở nếu bán đủ số lượng hàng.
Lo sợ bị chủ phát hiện, V vừa nói chuyện, mắt vừa nhìn ngó nghiêng xem có bị chủ phát hiện theo dõi không. V tâm sự: "Thôi chị đi đi, em nói chuyện với người lạ lát mà bị phát hiện là sẽ bị phạt. Tối còn bị bỏ đói nữa".
Trong câu chuyện ngắn ngủi, V chia sẻ năm nay, 2 anh em V ở lại Hà Nội đi làm thêm ăn Tết. Hết Tết, lúc nào đi học em lại về quê, còn anh trai ở lại làm thêm.
Chỉ trên ngã ba Lê Văn Lương đoạn Tố Hữu đã có tới 4 em nhỏ ngồi co ro bên các làn đường bán tăm bông và kẹo cao su. Trời lạnh làm các em không muốn đứng lên mời chào khách.
Nguyễn T.C (12 tuổi) là người cùng quê với V cũng tham gia bán hàng rong. C cho biết, em đi làm được 5 tháng rồi. Thường các em phải bán từ 7 giờ sáng tới 8 giờ tối mới được cho về ăn cơm. Có một cai thầu sẽ đi theo và quản lý từng nhóm. Nếu ai không chịu bán hàng, không chịu nộp đủ số tiền thì sẽ bị phạt, thậm chí bỏ đói.
"Trước đây có người đi bán hàng rong được người qua đường cho tiền nhưng không nộp tiền, thế là tối về bị ông chủ bỏ đói, đánh đập lột hết tiền có trong người và cả tuần đó mất tiền công", C kể lại.
C cho biết, em mong được sớm về quê ăn Tết, nhưng ông chủ hứa là nếu ở lại làm tới 29 Tết thì sẽ được thưởng thêm 2 triệu đồng. Với C đó là số tiền lớn, gần 1 tháng lương nên C cũng đồng thuận.
C tâm sự: "Nhà em nghèo lắm. Mẹ ốm liệt giường, bố thì đi làm thợ xây không đủ tiền cho mẹ điều trị bệnh, thế nên em xin nghỉ học sớm đi làm thuê. Giữa năm, em được bạn giới thiệu đi bán rong. Lương cao hơn đi rửa bát thuê cho nhà hàng mà còn có chỗ ăn, chỗ ở".
C kể, làm hết 29 Tết thì em sẽ bắt xe khách về quê ăn Tết. Em dự định sẽ lấy một khoản tiền nhỏ mua áo đẹp cho cậu em trai 3 tuổi ở nhà và mua cho mẹ một chiếc áo ấm thật đẹp...!
Theo báo cáo mới được công bố của Cục trẻ em (Bộ LĐTBXH), Việt Nam hiện có khoảng 1,75 triệu lao động trẻ em (chiếm 9,6% tổng số trẻ em) và chiếm khoảng 62% tổng số trẻ em hoạt động kinh tế. Có 32% tổng số lao động trẻ em phải làm việc nhiều hơn 42 giờ/1 tuần. Điều này ảnh hưởng xấu tới việc học hành, sinh hoạt của các em.