Sử dụng lao động trẻ em: Cần xem xét xử lý trách nhiệm của địa phương
Sử dụng lao động trẻ em: Cần xem xét xử lý trách nhiệm của địa phương
Nguyệt Tạ (thực hiện)
Thứ tư, ngày 25/11/2020 06:00 AM (GMT+7)
Liên quan tới nguyên nhân và giải pháp, phòng ngừa lao động trẻ em phóng viên Báo NTNN/Dân Việt đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Trọng An - chuyên gia trẻ em.
Ông đánh giá gì về thực trạng sử dụng lao động trẻ em hiện nay?
- Dù không có báo cáo, nghiên cứu chính thức nhưng tình trạng lao động, sử dụng trẻ em đang diễn ra rất nhiều trong các khu vực phi chính thức. Trẻ em đang phải làm bưng bê lau dọn trong các nhà hàng, làng nghề... thiếu sự quản lý của các ban ngành chức năng.
Hiện nay Việt Nam chưa có khái niệm, hay quy định rõ ràng nào về lao động trẻ em. Mặc dù chúng ta đã ký công ước quốc tế, nhưng Việt Nam chưa đưa ra được định nghĩa cụ thể về vấn đề này. Vì vậy, mặc dù thực trạng lao động Việt Nam vẫn còn tồn tại phức tạp nhưng chúng ta mới chỉ có một dự án bảo vệ ngăn chặn lao động trẻ em trong điều kiện nặng nhọc độc hại. Hiện nay vẫn có sự nhập nhằng không thể tách bạch trong việc trẻ em lao động, làm kinh tế và lao động trẻ em theo đúng định nghĩa.
Vậy theo ông, nguyên nhân là vì sao?
- Tôi cho rằng nguyên nhân chính, gốc rễ vẫn là do chúng ta chưa có văn bản quy phạm pháp luật rõ ràng, khái niệm rõ ràng về lao động trẻ em. Bởi vì các quy định chưa rõ ràng nên việc giám sát, của ban ngành chức năng và địa phương về vấn đề này cũng rất kém. Thực tiễn, hơn 50 năm làm công tác trẻ em kể cả khi làm quản lý lẫn giờ làm công tác cộng đồng, tôi thấy vấn đề này xảy ra rất nhiều nhưng thấy không có ai phát hiện hay xử phạt.
Trẻ em khi phải lao động sớm thì đối mặt với những nguy cơ nào thưa ông?
- Trẻ em khi phải lao động sớm sẽ phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ. Trẻ em có thể bị bóc lột sức lao động; bóc lột tình dục; xâm hại cơ thể...Do làm việc trong môi trường khép kín, nên rất nhiều em bé giúp việc bị xâm hại tình dục; bạo lực... vì các em không có hợp đồng lao động.
Riêng với câu chuyện em bé làm việc ở quán bánh xèo bị xâm hại, nếu chiếu theo Bộ luật Lao động có thể là chủ quán không sai. Vì trẻ vị thành niên từ 15 tuổi là có thể được làm việc nếu được sự đồng ý của gia đình và làm các công việc nhẹ nhàng. Luật cũng quy định không được sử dụng lao động trẻ em, vị thành niên trong công việc vất vả, làm nhiều giờ, hay được quyền đánh đập. Tuy nhiên, giữa những khoản này khá nhập nhằng, nên danh giới giữa làm việc và bóc lột rất mong manh.
Theo ông cần phải làm gì để ngăn chặn tình trạng này?
- Để ngăn chặn vấn đề này cần rà soát lại luật lao động, các quy định có liên quan tới lao động. Tất nhiên là quốc tế có đưa ra nhưng Việt Nam cần phải đưa ra cụ thể hơn thế nào là việc độc hại, nguy hiểm. Mặt khác cần xử nghiêm các vụ vi phạm quyền trẻ em. Cụ thể như vụ việc cậu bé bị bạo hành ở quán bánh xèo, cần phải xử nghiêm bà chủ xâm hại đánh đập em nhỏ. Đồng thời cũng cần phải xem xét trách nhiệm của các cơ quan đoàn thể ở địa phương nơi xảy ra vụ việc.
Vấn đề cuối cùng theo tôi để ngăn chặn tình trạng xâm hại, sử dụng lao động trẻ em, giám sát lao động vị thành niên đó là tăng cường đội ngũ phát hiện sớm, phòng ngừa sớm. Cần kiện toàn mạng lưới hỗ trợ trẻ em 3 cấp độ tại địa phương từ đó phát hiện, phòng ngừa phát hiện trẻ em bị xâm hại, bị lao động sớm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.