Sau một năm gián đoạn, chương trình Gặp nhau cuối năm Táo Quân 2021 chính thức trở lại với màn tung hứng độc đáo giữa các Táo, Nam Tào, Bắc Đẩu, trong đó màn "rap" của Táo Kinh tế đã nhắc đến thành tích xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Theo đó, trong màn "rap" kinh điển của Táo Kinh tế nói về những thành tựu phát triển kinh tế của Việt Nam năm 2020 như kinh tế tăng trưởng dương, bình ổn giá vàng...,
Đặc biệt, thành tích xuất khẩu gạo được trân trọng nhắc đến đầu tiên, coi đó là một trong những điểm sáng nổi bật của nền kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Trên thực tế, vượt qua nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, những người trồng lúa đã có một năm được mùa được giá.
Xuất khẩu gạo từ đầu năm 2020 đều có mức tăng trưởng dương, giá gạo xuất khẩu có lúc vượt cả giá gạo của Thái Lan, đạt kỷ lục cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.
Bước sang năm 2021, xuất khẩu gạo tiếp tục đạt được kết quả khả quan. Khối lượng gạo xuất khẩu tháng 1 năm 2021 ước đạt 280.000 tấn với giá trị đạt 154 triệu USD, giảm 29,5% về khối lượng và giảm 20,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.
Philippines đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2020 với 33,9% thị phần.
Xuất khẩu gạo sang thị trường này trong năm 2020 đạt 2,22 triệu tấn và 1,06 tỷ USD, tăng 4% về khối lượng và tăng 19,3% về giá trị so với năm 2019.
Năm 2020, các thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh là: Indonesia (gấp 2,7 lần) và Trung Quốc (tăng 92,6%).
Về chủng loại xuất khẩu, trong năm 2020, giá trị xuất khẩu gạo trắng chiếm 41,5% tổng kim ngạch; gạo jasmine và gạo thơm chiếm 36,0%; gạo nếp chiếm 18,1%; gạo japonica và gạo giống Nhật chiếm 4,2%.
Các thị trường xuất khẩu gạo trắng lớn nhất của Việt Nam là Philippines (chiếm 55,3%), Cuba (chiếm 11,8%) và Malaysia (chiếm 11,3%).
Với gạo jasmine và gạo thơm, thị trường xuất khẩu lớn nhất là Philippines (chiếm 26,8%), Ghana (20,2%) và Bờ Biển Ngà (chiếm 15,1%).
Với gạo nếp, thị trường xuất khẩu lớn là Trung Quốc (chiếm 73,4%), Philippines (chiếm 7,6%) và Indonesia (chiếm 7,1%).
Với gạo japonica và gạo giống Nhật, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là Kiribati (chiếm 14,1%), Đảo quốc Solomon (chiếm 14,4%) và Papua New Guinea (chiếm 8,3%).
Trong tháng 01/2021, giá gạo Việt Nam tăng nhẹ 3 USD/tấn so với cuối tháng 12/2020, lên 503 USD/tấn và duy trì mức này đến hết tháng.
Trên cơ sở những tín hiệu thị trường, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) dự báo, xuất khẩu gạo năm 2021 vẫn duy trì tín hiệu lạc quan cả về sản lượng và giá bán.
Hiện nay, các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Philippines, Châu Phi... tiếp tục ký hợp đồng mua gạo của Việt Nam và giá gạo đang ở mức rất khả quan.
Theo thống kê, tổng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam năm 2020 đạt 41,36 tỷ USD, tăng 2,9% so với năm 2019.
Ước giá trị xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 1/2021 đạt 3,49 tỷ USD, tăng 27,1% so với cùng kỳ năm 2020.