Cục trưởng Cục Trồng trọt lý giải nguyên nhân xuất khẩu gạo thắng lớn dù dịch Covid-19 tác động
Cục trưởng Cục Trồng trọt lý giải nguyên nhân xuất khẩu gạo thắng lớn dù dịch Covid-19 tác động
Anh Thơ (thực hiện)
Thứ sáu, ngày 11/12/2020 06:00 AM (GMT+7)
Theo ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), vụ đông xuân năm 2020 - 2021 được dự báo vẫn gặp nhiều khó khăn do tác động của xâm nhập mặn. Để sản xuất lúa thắng lợi, ngành nông nghiệp sẽ chủ động, linh hoạt trong cơ cấu giống, lịch thời vụ để khắc chế được những biến động của thiên tai.
Năm 2020, trong bối cảnh khó khăn chung do dịch Covid-19, gạo vẫn là mặt hàng có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ổn định, giá gạo Việt ngày càng được cải thiện. Ông đánh giá như thế nào về kết quả này?
Theo báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 11/2020 ước đạt 388.000 tấn với giá trị đạt 207 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 11 tháng đầu năm 2020 đạt 5,74 triệu tấn và 2,85 tỷ USD, giảm 2,2% về khối lượng nhưng tăng 10,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Gạo cũng là một trong 7 nhóm mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD. Đây là một kết quả vô cùng ấn tượng trong bối cảnh nền kinh tế chịu nhiều tác động của dịch Covid-19 và chuỗi cung ứng bị đứt gãy do dịch.
"Chúng ta đã có một thời gian dài chuẩn bị đầu tư về mặt khoa học công nghệ, chọn tạo các giống lúa có năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng, thích ứng với biến đổi khí hậu. Không phải một sớm một chiều chúng ta đạt được điều này".
Năm nay, gạo Việt cũng đón nhiều tin vui khi có 9 giống lúa thơm xuất khẩu sang châu Âu (EU) được hưởng hạn ngạch về thuế quan: Jasmine 85, ST5, ST20, Nàng Hoa 9, VĐ 20, RVT, OM 4900, OM 5451, Tài nguyên Chợ Đào.
EU cũng dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm (gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm).
Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm. Điều này cho thấy, tiềm năng xuất khẩu gạo Việt sang EU còn rất lớn.
Năm 2020 cũng là năm ngành nông nghiệp chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, ngành lúa gạo vẫn thắng lớn. Theo ông, đâu là nguyên nhân đạt được kết quả này?
Đây không phải là kết quả tự nhiên có được mà là kết quả của cả quá trình phấn đấu bền bỉ của các doanh nghiệp, người trồng lúa.
Chúng ta đã có một thời gian dài chuẩn bị đầu tư về mặt khoa học công nghệ, chọn tạo các giống lúa có năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng, thích ứng với biến đổi khí hậu. Không phải một sớm một chiều chúng ta đạt được điều này.
Đặc biệt, năm nay, thời tiết diễn biến bất thường, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt nhưng với sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ NNPTNT, sự tham mưu của Cục Trồng trọt, chúng ta đã chủ động dựa trên thông tin tình hình dự báo hạn mặn để bố trí thời vụ, giảm thiểu được những rủi ro do thiên tai, biến đổi khí hậu gây ra.
Năm nay do tác động của dịch Covid-19, kế hoạch sản xuất của nhiều quốc gia bị ảnh hưởng nên nguồn cung lúa gạo ít nhiều bị ảnh hưởng.
Trong khi đó, Việt Nam kiểm soát rất tốt dịch bệnh, cộng với việc chủ động bố trí thời vụ, cơ cấu giống phù hợp nên sản xuất lúa vẫn đảm bảo.
Dù ảnh hưởng của thiên tai nhưng nguồn cung lúa gạo vẫn dồi dào, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường, đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng làm công tác xúc tiến thị trường một cách bài bản nên xuất khẩu gạo thắng lợi toàn diện về giá trị, số lượng.
Chủ động ứng phó
Trước nhận định xâm nhập mặn trong vụ đông xuân 2020 - 2021 vẫn phức tạp, kế hoạch sản xuất lúa gạo năm 2021, trước mắt là vụ đông xuân 2020 - 2021 ra sao, thưa ông?
Trên cơ sở nhận định sớm tình hình xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, tình hình nguồn nước, Bộ NNPTNT đã có nhiều hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất với phương châm chủ động kế hoạch, bố trí cơ cấu giống, lịch thời vụ phù hợp sao cho tránh được những yếu tố bất lợi về thời tiết.
Theo dự báo, vụ đông xuân năm 2020 - 2021 ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn khi mức độ hạn mặn có thể tương đương năm 2025 - 2016 nhưng nhẹ hơn năm 2019 - 2020.
Trước thực tế này, Bộ NNPTNT đã, đang và sẽ phối hợp với các đơn vị, địa phương tiếp tục đánh giá tình hình, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của từng vùng để cân đối lịch thời vụ, cơ cấu giống hợp lý với phương châm ứng dụng linh hoạt, tùy theo điều kiện cụ thể của từng vùng.
Chúng tôi xác định dù năm 2021 có những bất lợi về thời tiết, khí hậu nhưng ngành trồng trọt vẫn chủ động ứng phó, đảm bảo sản xuất lúa thắng lợi, đảm bảo an ninh lương thực và có đủ số lượng để xuất khẩu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.