Tôi chưa thấy năm nào Tết lại như một hồi trống giục giã đến như thế. Đám bạn ở các trường đại học khác đã rục rịch về nhà từ tuần trước. Tiếng thở phào của tụi nó hiện hữu qua từng dòng tin nhắn. Những đứa bạn cùng lớp đại học của tôi thì sốt sắng đợi tin từ lớp trưởng. Vì lịch học của chúng tôi vẫn còn vài buổi lên giảng đường, và vì chúng tôi là sinh viên trường Y.
Mẹ tôi sợ đợt dịch này lại giống đợt dịch bùng phát hồi đầu năm ngoái, sinh viên trường tôi vẫn đến giảng đường. Nếu nhà nước có lệnh, tôi và nhiều sinh viên khác sẽ phải ở lại Hà Nội ăn Tết. Tôi chưa sẵn sàng đón một cái Tết xa nhà, càng không thể chịu được nỗi buồn khi phải ở lại phòng trọ một mình. Nhưng may thay, chúng tôi được chuyển sang hình thức học online. Ngay chiều hôm đó, tôi hân hoan thu dọn đồ đạc về quê. Tết này sẽ vẫn giống Tết xưa thôi.
Tôi còn nhớ những ngày giáp Tết, thời mà điện thoại bàn vẫn còn là một thứ xa xỉ, cứ tới ngày hăm sáu, hăm bảy là chị gái tôi lại chở tôi xuống huyện đi chợ Tết. Năm nào cũng vậy, việc đầu tiên chúng tôi làm là đi chụp ảnh. Chị dẫn tôi tới một căn nhà nhỏ xíu lọt thỏm trong khu chợ sầm uất nhất huyện lúc bấy giờ. Căn nhà tối om, đầy những đồ đạc lỉnh kỉnh, dây điện cuộn từng bọc to đùng đen ngòm trườn từ dưới sàn lên trần nhà. Máy móc nằm ngổn ngang chồng chéo nơi góc phòng.
Khi chúng tôi đến, một anh trai trẻ đang ngồi bấm máy vi tính ngay lối ra vào quay ra chào mời. Anh đưa cho chúng tôi một tập album dày cộm cơ man nào là những hình hoạt hình, phong cảnh đẹp mê mẩn. Chúng tôi sẽ chọn trong đó những tấm phông nền để người thợ chụp ảnh ghép vào bức hình của mình. Năm ngàn ba tấm, lần lượt từng đứa ngồi vào trước ống kính, hoặc là cả bọn ghé sát nhau cho vừa bức hình nhỏ xíu bằng lòng bàn tay. Người thợ chụp ảnh ra hiệu cho chúng tôi tạo dáng để bấm máy. Chụp xong, chúng tôi đợi vài ba phút là nhận được bức hình của mình. Chúng tôi thậm chí chẳng được xem hình trước khi in ra. Bởi vậy, dù lỡ nhắm tịt cả hai mắt hay bị hình hoạt che mất gương mặt, chúng tôi cũng phải chịu mang về. Dù cho thế, chụp ảnh vẫn là một niềm vui khiến tôi háo hức ngóng đợi mỗi dịp Tết cận kề. Tôi sẽ có những bức hình ngộ nghĩnh để cha dán lên tờ giấy khen cuối năm học.
Chụp ảnh xong, chị dẫn tôi ra chợ ngắm những món đồ lung linh bày biện khắp các gian hàng. Những đôi giày thắt nơ lấp la lấp lánh bày trên kệ, những chiếc váy hồng bồng bềnh treo trên giá khiến đôi mắt tôi long lanh sáng rực. Chúng tôi sẽ chẳng bao giờ đủ tiền mua những món đồ xa xỉ như thế nên chỉ dám lướt qua hay đứng xa xa nhìn ngó. Nếu đứng gần gian hàng, sà vào xem mà chẳng mua món đồ nào, người bán hàng sẽ cau có đốt phong linh hoặc mắng chúng tôi xối xả vì đã ngáng đường những vị khách khác. Nhiều khi tôi ước người cùng mình đi chợ là mẹ. Tôi có thể nài nỉ mẹ mua một món đồ lộng lẫy nào đó. Còn chị gái chỉ cho tôi mua vài chiếc bánh rán bọc đường ngọt lịm. Chợ chưa tan, chúng tôi đã len qua dòng người đông nghẹt đi về, bỏ lại niềm tiếc nuối ngẩn ngơ.
Tới tận chiều ba mươi, mẹ tôi mới tất tả đi chợ sắm đồ. Mấy ngày cận Tết, mẹ tôi hay đi bán dưa hấu giúp dì tôi. Sớm tinh mơ, mẹ đã dậy kéo chiếc xe kéo đầy ắp những quả dưa hấu to tròn ra đường quốc lộ. Ngày Tết ở chỗ tôi, người ta hay mua dưa hấu về bày mâm ngũ quả, có khi mang đi chúc Tết họ hàng. Bởi vậy, những quả dưa bán ngày Tết rất đẹp mã, quả nào quả nấy xanh mướt tròn mẩy, cỡ bốn, năm cân, cuống dây khô quăn tít. Mẹ tôi còn dán thêm một mảnh tem "chúc mừng năm mới" đỏ chót, nom rõ không khí Tết rộn ràng. Năm nào dì tôi lấy nhiều dưa quá, mẹ tôi còn "thiết kế" thêm một xe dưa y hệt cho chị tôi ngồi bán. Tôi cũng mon men làm chân sai vặt cho chị.
Năm nay có lẽ cả nhà sẽ vẫn cùng nhau dọn dẹp, nấu cỗ. Thay vì đi chụp ảnh ở tiệm ảnh, chúng tôi sẽ cầm những chiếc smartphone cùng nhau selfie, nếu như con virus corona không bất ngờ ập đến. Covid lại xuất hiện như một bóng ma, nó băng qua làng trên xóm dưới, len lỏi khắp ba miền. Mới ngày hôm qua còn nghe nó ở đâu đâu xa lắm mà nay đã đến tận quê mình.
Mẹ gọi điện bảo tôi: "Tết năm nay con ở nhà mua đồ, sắp cỗ, đi thăm mộ ông, dọn dẹp nhà cửa thay mẹ. Mẹ phải ở đây ăn Tết rồi". Giọng mẹ cất lên nghẹn ngào sắp khóc. Nơi mẹ tôi làm đang là tâm điểm vùng dịch - tỉnh Hải Dương, vùng đất chỉ cách nhà tôi gần chục cây số. Công ty mẹ làm chưa xuất hiện ca bệnh nào. Ấy vậy mà mẹ vẫn không thể về đón Tết cùng gia đình. Mẹ bảo: "Giờ mẹ về phải đi cách li, ra Tết không kịp sang đây đi làm, công ty sẽ cho thôi việc". Mắt mẹ hoe đỏ khiến tim tôi hẫng một nhịp, sống mũi cay cay.
Mẹ tôi làm công nhân của một xưởng sản xuất, mẹ đã lớn tuổi rồi, nếu bị buộc thôi việc, mẹ sẽ không thể xin vào công ty khác được nữa. Câu nói "Mẹ thất nghiệp thì làm sao nuôi con đi học được?" cứ chờn vờn ám ảnh tâm trí tôi. Tết năm nào cũng vậy, luôn là ngày mẹ làm thêm việc, kiếm tiền tiêu Tết. Lúc trước, tôi chỉ nghĩ mẹ làm giúp dì, để dì không lỗ vốn. Giờ đây, tôi mới hiểu Tết cũng là lúc cơm áo gạo tiền thêm nặng gánh. Tôi đã hai mươi tuổi rồi, vậy mà vẫn để mẹ phải lo đến từng bữa ăn giấc ngủ. Ngay cả bây giờ, tôi cũng không đủ năng lực để nói câu nói mà tôi vẫn luôn đau đáu: "Mẹ nghỉ làm đi, về con nuôi." Nước mắt tôi cứ trào ra những dòng lạnh ngắt. Giá mà tôi giỏi giang hơn, giá mà tôi làm được việc gì giúp mẹ vơi bớt gánh nặng kinh tế, tôi cũng nhẹ lòng.
Năm nay, tôi đi chợ mua đồ một mình. Tự mình sắm sửa một mâm cỗ cúng, tôi dần cảm nhận rõ hơn ngưỡng cửa trưởng thành mình đang bước qua. Tre già măng mọc là quy luật tất yếu của tự nhiên. Rồi đây, tôi cũng phải học cách đồ xôi, làm gà, xếp một mâm ngũ quả ngay ngắn trên bàn thờ gia tiên. Rồi đây, tôi cũng phải thay cha, thay mẹ gánh vác kinh tế, quyết định những việc lớn nhỏ trong gia đình. Rồi tôi cũng sẽ sinh ra những đứa trẻ, sẽ dẫn chúng đi chợ Tết, và dạy chúng cách làm một mâm cỗ cúng đêm giao thừa.
Giao thừa này không được đoàn viên. Tết này vắng bóng mẹ. Tiếng cười chẳng thể giòn tan. Nhưng tôi biết, rất nhiều gia đình khác cũng chưa thể đoàn tụ vì dịch bệnh. Tuy thế, chúng tôi sẵn sàng chấp nhận những tháng ngày này. Mọi người đồng lòng chung sức ngăn chặn dịch, cho dù ngày Tết có thiếu một chút niềm vui, nhưng cả năm khỏe mạnh vui cười, điều ấy đáng đánh đổi lắm chứ! Nhưng mà, chỉ một năm này thôi nhé, Covid-19 ơi!
1 Giải Nhất trị giá 5 triệu đồng và Giấy chứng nhận.
2 Giải Nhì mỗi giải trị giá 3 triệu đồng và Giấy chứng nhận.
3 Giải Ba mỗi giải trị giá 2 triệu đồng và Giấy chứng nhận.
5 Giải Khuyến khích mỗi giải trị giá 1 triệu đồng và Giấy chứng nhận.
Thể thức cuộc thi viết:
- Các bài dự thi viết bằng tiếng Việt, chưa từng đăng trên ấn phẩm báo chí nào. Các bài viết gửi về tòa soạn báo điện tử Dân Việt theo địa chỉ email thoisu@danviet.vn (hoặc số điện thoại: 0903.222411 để hỏi thêm chi tiết) trong thời gian 10 ngày, từ ngày 10/2 (tức 29 Tết) tới hết ngày 20/2 (tức mồng 9 Tết Nguyên đán Tân Sửu). Các bài viết thuộc thể loại báo chí phản ánh, ghi chép, có độ dài tối thiểu 600 chữ, tối đa 1.500 chữ, kèm theo ít nhất 2 - 3 ảnh thực tế phản ánh trong bài viết, có chú thích rõ ràng.
- Các bài dự thi gửi về tòa soạn phải ghi rõ tiêu đề "Bài dự thi "Ăn Tết thời Covid" của báo Dân Việt", trong đó ghi rõ họ tên, tuổi, địa chỉ (rõ ràng để có thể liên hệ), số điện thoại và tài khoản ngân hàng (trong trường hợp tác phẩm được đăng tải, Tòa soạn có thể gửi nhuận bút cho các tác giả ở xa thuận lợi nhất).
- Ban Tổ chức sẽ lựa chọn những bài viết chất lượng nhất để đăng tải trên báo điện tử Dân Việt, sau đó tiến hành chấm giải với những bài được đăng và làm lễ trao giải sau Tết. Các bài đoạt giải sẽ được công bố trên báo điện tử Dân Việt.