Bài dự cuộc thi "Ăn Tết thời Covid": Đường về quê ăn Tết
Bài dự cuộc thi "Ăn Tết thời Covid": Đường về quê ăn Tết
Thi Hoàng Khiêm
Thứ ba, ngày 16/02/2021 08:08 AM (GMT+7)
Tôi sinh ra và lớn lên trên quê hương Long An anh hùng. Tôi chứng kiến quê hương đang thay da đổi thịt phát triển từng ngày theo phong trào Nông thôn mới.
Quá trình đô thị hóa hiện đại hóa đã nâng cơ sở hạ tầng xã nhà Mỹ Hạnh Nam (huyện Đức Hòa) lên tầm cao mới. Trong đó có đường tỉnh lộ 824 – trục đường chính nối huyện Hốc Môn – TP HCM với Long An và các tỉnh ĐBSCL. Và đây cũng là cung đường "về quê ăn Tết" của đông đảo bà con miền Tây xa xứ.
Tôi nhớ như in những hình ảnh quen thuộc mỗi độ 26, 27 Tết đến ngày 30 Tết. Buổi sáng hôm ấy, trong làn gió xuân se lạnh, những giọt sương ban mai còn đọng lại trên những nụ hoa mai trước nhà, Mẹ tôi đã thấy từng dòng xe honda nối đuôi nhau chạy từ hướng Sài Gòn về miền tây. Mẹ bảo tôi: "Con ngủ say nên không hề nghe gì chứ Mẹ nghe tiếng xe người ta (bà con miền tây) đã chạy về quê từ 3 – 4 giờ sáng tới giờ". Trước mắt tôi hiện ra cảnh tượng những chiếc xe honda chạy thành từng đoàn dài liên tục, phía bên phần đường ngược lại xe thưa thớt. Trong cái lạnh giáp Tết ấy, gió như mạnh hơn áp thẳng vào mặt các chú các anh cầm lái, các cô các chị phía sau co ro ôm từng ba lô, túi xách đồ dùng cá nhân. Thoạt nhìn, ta dễ dàng bắt gặp những tấm lịch Tết được treo trước ba-ga xe, hay thùng nước yến, quà bánh được ràng buộc kỹ càng phía sau yên xe người ngồi sau. Có xe, các bé ngồi giữa hai tay ôm chặt người cầm lái; có đoạn, có bé đưa tay chỉ về những tấm băng rôn màu đỏ dường như đang đọc thì thầm dòng chữ "Mừng Đảng mừng xuân" hay những ánh mắt tròn xoe ngắm những bông hoa trang trí cổng chào "Chúc mừng năm mới" ngay cổng trụ sở UBND xã. Ánh nắng buổi trưa cứ lên dần theo từng dòng xe chạy miết đã phần nào xua tan cái lạnh.
Khi những hàng cây trụ sắt treo cờ Tổ Quốc dọc hai bên đường đứng sào cũng là đến buổi trưa, lúc này, ngoài đường thoáng hơn, những người dân địa phương dễ dàng qua đường hơn so với lúc sáng. Có lẽ, những bà con xa quê của chúng ta đang nghỉ trưa ăn uống để lấy sức tiếp tục hành trình; và cũng có những tốp xe chạy không ngớt giữa trưa. Mới đó, bóng ngã về tây, 14h – 15h chiều những âm thanh tiếng xe honda chạy mỗi lúc càng rền rã hơn, dồn dập hơn. Đâu đó ta thấy những hình ảnh các cô chú anh chị dừng xe trước khoảng sân nhỏ ngay cổng trụ sở UBND xã để uống chút nước hay đổi tay lái (có lẽ họ đã chạy quãng đường khá xa). Đâu đó ta thấy những xe honda chạy sau cố với lời nhắc các chị mẹ các chị gài lại bao tay em bé hay tra lại giày dép cho các bé ngủ trên tay các mẹ các chị hay nhắc các chú các anh đá chóng lên; hay những lời thăm hỏi nhau cô chú anh chị ở đâu của tỉnh nhà đặng về chung cho vui của những người chỉ nhìn biển số là biết đồng hương của mình. Có đoạn qua ngay chợ địa phương, không ai bảo ai, tất cả tay lái đều hạ tay ga, rà ra chầm chậm qua khu vực đông dân cư.
Hoàng hôn buông xuống cũng là lúc nhà dân hai bên đường sáng đèn cùng đèn công cộng. Nhiệt độ giảm nhè nhẹ, khí trời dần chuyển sang lành lạnh, ngoài kia những chiếc xe honda vẫn lăn bánh đều đều phản phất trong làng gió xuân ù ù tiếng áo gió và tiếng xe vang dội đặc trưng. Khác hẳn mọi năm, năm nay, để ý ta đều thấy ai ai cũng đều đeo khẩu trang kể cả những em bé nhỏ ngồi trước hay ngồi giữa đều được trang bị thêm khăn lưới trùm kín đầu để kháng khuẩn và chống nắng bụi. Ai ai cũng cố giữ khoảng cách từng xe trong phạm vi có thể và có đôi chỗ đoạn bị ùn tắt đường xe đông thì có bộ phận dân phòng của xã nhà ra để điều tiết cho thông thoáng. Không những thế, ngay trụ sở nhà văn hóa cũa xã nhà cũng đã tổ chức Đoàn thanh niên do các bạn đoàn viên trẻ năng động phát khẩu trang và nước uống miễn phí phục vụ người đi đường về quê ăn Tết... Tất cả những hình ảnh đẹp ấy càng làm ấm lòng những người xa quê đồng thời thể hiện tinh thần quyết liệt của chính quyền trong việc phòng chống dịch bệnh Covid trong cộng đồng.
Trong muôn ngàn chiếc xe honda ấy, ai ai cũng mang niềm vui phấn khởi, nôn nao trong dạ theo từng nhịp thở bước chân hối hả về quê đón Tết. Từng ánh mắt, từng nụ cười thăm hỏi nhau cũng đủ ấm lòng những người xa quê. Đi để trở về - một sự trở về trọn vẹn nghĩa tình. Bởi đâu đó còn thấp thoáng hình ảnh của Tía của Má, của những người thân yêu đang ngày đêm trông đợi ta về. Thứ mà Tía Má cần không phải là quà cáp cao sang gì mà là hình ảnh những đứa con thơ mang hình hài quê hương xứ sở tề tựu đoàn viên bên gia đình những ngày xuân.
Năm nay, dịch bệnh kéo dài và còn diễn biến phức tạp đã phần nào ảnh hưởng đến cuộc sống của mỗi người. Và tình hình dẫu có thế nào thì tình người, tình đất, tình quê vẫn luôn thôi thúc, níu kéo những người con phương xa về quê đón Tết. Hành trình mưu sinh cơm áo gạo tiền dẫu còn có những khó khăn vất vã phải đánh đổi bằng mồ hôi nước mắt và có khi cả máu nhưng tất cả đều chở nặng hành trang là tình yêu thương vô bờ về với người thân sum vầy ba ngày Tết.
Nhà thơ Chế Lan Viên từng viết: "Khi ta ở chỉ là nơi đất ở - khi ta đi đất đã hóa tâm hồn". Phải chăng, với những người con xa quê, khi phải từ biệt nơi chôn nhau cắt rốn để lên Sài Gòn hay nơi khác mưu sinh, mảnh đất quê hương đã lưu giữ phần đời với bao nhiêu kỷ niệm, ân tình. Để rồi, bánh xe thời gian quay đều, năm hết Tết đến, những con người xa quê ấy háo hức, hồ hởi "về quê ăn Tết". Và cứ thế, Tết lại về trên những cung đường chở nặng yêu thương ….
Vui lòng nhập nội dung bình luận.