Dân Việt

Bài dự thi "Ăn Tết Thời Covid": Gieo yêu thương giữa miền đất lạ

Phan Đức Lộc 18/02/2021 15:08 GMT+7
Đã trở thành quy luật muôn thuở của thiên nhiên Tây Bắc, mỗi độ mùa xuân chạm ngõ, hoa đào lại e ấp dệt hồng những triền núi mờ sương, đẹp như tấm khăn thổ cẩm của thiếu nữ Thái phơi nghiêng bên thềm nắng.

Bao giờ cũng vậy, thấy hoa đào là thấy Tết, thấy lòng nôn nao khao khát được về nhà đoàn tụ cùng gia đình bên mâm cơm ấm cúng, rộn ràng tiếng cười, tiếng nói.

Tết xa nhà

Nhưng năm nay, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tôi chọn cách ở lại thị trấn Tuần Giáo (Điện Biên) đón Tết với niềm hoài thương không thể nào tả xiết. Những ai tha phương cầu thực nơi đất khách quê người cả năm trời đằng đẵng mới càng thấu suốt nỗi nhớ nhà dịp Tết đau đáu thế nào, da diết ra sao. Nhìn chiếc ba lô quần áo nằm lặng lẽ bên góc phòng, tôi không tránh khỏi cảm giác mủi lòng.

Hai mươi sáu tuổi, đây là lần đầu tiên tôi đón Tết xa gia đình. Mẹ liên tục gọi điện động viên tôi hằng ngày. Bố lặn lội đến bến xe khách gửi ra cho tôi bao nhiêu là bánh trái, giò chả được gói ghém công phu, tỉ mỉ. Đối với bố mẹ, tôi mãi là thằng con trai dại khờ giữa cuộc sống mưu sinh xô bồ, toan tính. Cắn miếng chả cá đậm đà hương vị thân quen tự tay mẹ làm, bỗng dưng, nước mắt tôi trào ra bỏng rát...

Mẹ gọi video, thấy mắt tôi sưng húp, liền dịu dàng an ủi: "Ra Tết, chừng mô tình hình ổn định thì về cũng được, con nạ. Bố mẹ để phần con bầy gà béo trằm, béo trục đây này. Vui lên đi con. Biết mô trải nghiệm Tết trên nớ, con lại tranh thủ viết được bài hay đăng báo". Gợi ý của mẹ đã thắp lên trong tôi một ý tưởng mà bấy lâu nay tôi chưa thực hiện được.

Chiếc ba lô đựng đầy thương nhớ

Chiếc ba lô đựng đầy thương nhớ

Một mình... ngắm Tết

Đúng mùng Một Tết, gác lại muộn phiền năm cũ, trên chiếc xe Wave RSX, từ quốc lộ 279, tôi rong ruổi dọc con đường bê tông ngoằn ngoèo dẫn vào bản Lập để... ngắm Tết. Đó là một bản nhỏ yên bình của thị trấn Tuần Giáo với những nóc nhà sàn bạc màu năm tháng gối đầu san sát lên nhau, ven thung lũng hình cánh võng nghiêng nghiêng, dưới chân núi Pu Bút nên thơ và hùng vĩ.

Hai bên đường, những nấc ruộng đang chảy tràn sắc xanh mượt mà lúa mới, hệt như áng tóc xuân thì. Lấp ló sau những liếp rào, hoa đào, hoa cải, hoa mùi và những loài hoa dại khác đua nhau khoe sắc. Và đâu đó, trong những lũy tre nhiều năm tuổi, tiếng chim trong trẻo và tiếng gió xạc xào cùng tấu lên khúc nhạc rộn vui giao hòa trời đất.

Vẻ đẹp nên thơ của bản Lập trong một sáng mờ sương

Vẻ đẹp nên thơ của bản Lập trong một sáng mờ sương

Không khí xuân hân hoan tràn ngập khắp bản làng. Cái không khí xuân rất đỗi tinh tế, thuần mộc, tự nhiên, khác hẳn với sự náo nhiệt, màu mè, gượng gạo đến từ những thiết bị công nghệ xập xình inh ỏi nơi phố thị. Mọi thứ chân thật và sống động đến mức ngỡ như có thể chạm tay vào từng mùi hương mà thưởng thức, nâng niu. Không kìm nổi niềm hứng khởi trào dâng trong lồng ngực, tôi liên tục bấm máy ghi lại những khoảnh khắc đẹp nhất.

Ăn Tết giữa bản Lập

Giữa bản Lập, tôi gặp một người quen từng dăm ba lần đến cơ quan tôi hoàn thiện các thủ tục hành chính. Sau những câu chào hỏi xã giao, với tấm lòng hiếu khách, anh niềm nở mời tôi về nhà ăn Tết. Thấy tôi tỏ vẻ ái ngại, anh đặt tay lên vai tôi, giọng chất phác: "Năm mới là không được từ chối đâu, cán bộ nhé. Cán bộ vào chơi cho biết nhà, rồi để còn biết người Thái chúng tôi ăn Tết thế nào, xem có khác dưới xuôi không chứ?".

Trước sự chân thành của anh, tôi vui vẻ đồng ý. Tôi vừa đi hết chín bậc cầu thang thì cũng đúng lúc mẹ anh hoàn thiện xong mâm cỗ Tết. Mâm cỗ Tết của người Thái trông giản dị nhưng cách chế biến thật cầu kỳ, trau chuốt, công phu. Các món chủ đạo thường là lòng nướng, lạp sườn, nậm pịa, gà luộc, canh khôm hịa, thịt treo gác bếp... và chắc chắn không thể thiếu bát chẳm chéo dậy mùi mắc khén thơm nức mũi.

Mâm cơm Tết truyền thống của người Thái.

Mâm cơm Tết truyền thống của người Thái.

Gia vị của các món Thái ở đây hầu như không dùng đường, mì chính mà thiên nhiều về vị mặn, đắng và cay như ngụ ý rằng phải trải qua những thử thách, khó khăn để thêm trân trọng niềm vui và hạnh phúc. Bên mâm cơm Tết, bố mẹ của anh bạn từ tốn kể về cách chế biến các món ăn, trong khi anh nhiệt tình dạy tôi nói một vài câu tiếng Thái đơn giản. Sự thân mật và ấm áp của mọi người khiến tôi phút chốc quên đi mình đang là khách.

Covid... "chắn đường" về Tết

Như một hướng dẫn viên du lịch, sau bữa cơm Tết, anh bạn dẫn tôi đi loanh quanh ngắm bản. Vào sâu trong bản, tôi mới biết nơi đây vẫn còn rất nhiều hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Chợt vỡ ra rằng, bản thân đã quá hạn hẹp và nông cạn khi từng nghĩ đại dịch Covid-19 chỉ tác động nhiều đến những công ty, doanh nghiệp, nhà hàng... chứ người nông dân chăn nuôi, trồng trọt theo kiểu tự cung, tự cấp hầu như không bị ảnh hưởng gì.

Người mẹ già lặng ngóng những đứa con xa

Người mẹ già lặng ngóng những đứa con xa.

Năm nay, không ít hộ gia đình trong bản Lập chỉ có người già và trẻ em đón Tết, vì thanh niên và các cặp vợ chồng đi làm ăn xa không kịp thu xếp trở về trước khi dịch Covid-19 tái phát. Vả lại, năm qua, công việc bấp bênh, thất thường nên có người chẳng dư dả nổi tiền vé xe đi lại chứ chưa kể đến việc mang tiền về sắm sửa một cái Tết đủ đầy, trọn vẹn. Bởi vậy, số đông chọn cách ở lại, tiết kiệm được chút nào hay chút ấy, rồi còn gửi về cho bố mẹ, con cái nơi quê nhà.

Anh bạn tôi ngậm ngùi: "Dân bản khổ thế đấy, cán bộ à. Có người đi cùng chuyến xe với F0 nên phải cách ly tập trung. Sợ rằng cách ly xong thì lại mất việc. Con Covid nó ác quá mà. Nhưng biết làm sao được. Mỗi người phải hi sinh lợi ích cá nhân để đảm bảo an toàn cho gia đình, cộng đồng, cán bộ nhỉ". Cũng may là giữa thời đại 4.0 này, họ có thể đoàn tụ với nhau thông qua những cuộc gọi video Zalo, Facebook.

Tết của người nghèo

Chúng tôi mang mấy cặp bánh chưng gù đến biếu một người họ hàng xa của anh bạn. Trong căn nhà nhờ nhợ sáng, một bà lão và bốn đứa cháu nhỏ đang ngồi ăn cơm. Trên mâm cơm chỉ có đĩa ngồng cải luộc, tô tóp mỡ và bát muối trắng dằm ớt đỏ. Nhìn thấy mấy chiếc bánh chưng gù, những gương mặt lem nhem của lũ trẻ chợt sáng lên ánh cười lấp lánh.

Nụ cười lạc quan trên đôi môi trẻ nhỏ.

Nụ cười lạc quan trên đôi môi trẻ nhỏ.

Bà B.T.P. rưng rưng khóe mắt chằng chịt nếp nhăn, tâm sự bằng tiếng Thái rằng, bố mẹ của mấy đứa nhỏ năm nay không kịp gửi tiền về, đàn gà thì bị dịch cúm chết hết, nên mấy bà cháu chẳng còn gì đón Tết. Tết cũng như ngày bình thường thôi, có gì ăn nấy. Mấy đứa trẻ cũng sớm hiểu chuyện nên không dám đòi hỏi gì cả. Chúng cứ thế lớn lên, vô tư như ngọn gió, hồn nhiên như cây ngô, cây sắn trên đồi.

Tôi mừng tuổi cho mỗi đứa nhỏ một phong bao lì xì. Chúng rụt rè nhận lấy và không quên gửi lời cảm ơn lễ phép. Rồi tôi còn nghe thấy cậu anh cả chừng mười một, mười hai tuổi thì thầm với ba đứa em: "Ngày mai anh sẽ đi mua cho mỗi đứa một chiếc khẩu trang. Đeo vào là không sợ con Covid nữa". Tôi chợt mỉm cười vì câu nói của cậu bé.

Chuyến đi đầy trải nghiệm này đã dạy cho tôi cách gieo yêu thương nơi miền đất lạ. Và tôi thấm thía rằng, giữa bối cảnh Covid-19 hiện nay, mình vẫn còn may mắn hơn rất nhiều người khác. Tối ấy, mẹ gọi điện cho tôi. Tôi liền hí hửng: "Chôm chiềng pì máư!" (Chúc mừng năm mới).