Tình yêu trong "gió, bão"
Thượng úy Lê Đắc Thắng (quê Nghệ An ) và cô vợ đầy nghị lực của mình là Hồ Phương Nga (quê Gia Lai) đã đã có một tổ ấm hạnh phúc được tròn 4 năm nhưng để đến được với nhau họ đã phải trải qua một tình yêu đầy bão gió theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.
Nghe họ kể lại hành trình đã qua, không ít người đã phải thốt lên rằng: Chỉ có thể là tình yêu mới cho họ sức mạnh phi thường như vậy để vượt qua tất cả những khó khăn đến được bên nhau!.
Thắng và quen Nga trong một lần đi đám cưới của bạn mình. Hai người nhắn tin qua lại một thời gian thì "bén duyên" lúc nào không biết. Năm 2015, Nga một mình bắt xe quay lại Cam Ranh để gặp người yêu. Lúc đó, cô đã ra trường và thi đậu vào một ngân hàng lớn của tỉnh Gia Lai, có một công việc ổn định mà nhiều người mong muốn. Nhưng, vì yêu Thắng, cô gái trẻ đã bỏ qua cơ hội có một vị trí công việc tốt ở Gia Lai, quyết tâm kiên trì thi tuyển vào ngân hàng ở Khánh Hoà suốt 2 năm để được gần người yêu. Cũng trong thời gian đó, Thắng phải vượt qua không ít thử thách để nhận được cái gật đầu của gia đình Nga.
Với những "hậu phương" vững chắc, người lính ở Lữ đoàn tàu ngầm 189 luôn thấy như được tiếp thêm sức mạnh để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Năm 2017, họ đã về chung một nhà trong một ngày gió bão. Nghĩ lại ngày cưới, Nga không khỏi xúc động, cô kể: "Đám cưới của bọn em đặc biệt lắm. Đặc biệt như sự dữ dội thường có ở vùng biển mà anh Thắng đóng quân. Đám cưới diễn ra vào đúng lúc cơn bão số 12 đổ bộ vào Nha Trang. Nơi đây vốn là vùng đất bình yên, thế mà đám cưới lại đúng vào ngày bão lớn. 30 năm rồi, đây là lần đầu tiên Nha Trang đón một trận bão lớn như vậy".
Cũng từ đó, Nga có biệt danh là "cô gái bão"… Gọi như vậy, để thêm trân quý quyết định dũng cảm của một cô gái trẻ nguyện chấp nhận hy sinh để đến được với người mình yêu. "Hôm đó, mưa to, gió lớn lắm, hơn nửa số mâm cỗ cưới bị hủy. Em phải thuê máy phát điện để trang điểm. Ngồi trang điểm thế thôi nhưng trong lòng thì chẳng yên vì anh Thắng đang phi xe máy để đón bố mẹ từ quê vào. Đám cưới đang diễn ra, thì cái cây trong nhà hàng bật đổ ngược chiều làm ai nấy hoảng hốt. Nhưng sự may mắn lớn nhất là căn phòng trọ tân hôn của em không bị sao xung quanh tất cả đều bay hết mái"- Nga bồi hồi nhớ lại.
"Bạn bè của cả em và anh Thắng đều bị hủy chuyến bay nên lần lượt ra bến bắt tàu thì tàu cũng không chạy. Vậy là ai nấy gặp xe nào chịu đi là leo lên để đến đám cưới. Thế là một cảnh tượng hết sức đặc biệt đã diễn ra khi đoàn bạn bè xác cả những vali thùng thình đồ đạc ướt rũ rượi ngồi vào tiệc cưới"- Nga cười.
Sau đám cưới, anh lên đường làm nhiệm vụ, chị lại ở nhà một mình tự lo liệu, vun vén gia đình. "Hồi đấy, những tháng lương đầu tiên còn ít ỏi, thế là em nghĩ ra cách chia nhỏ phần lương thành nhiều phong bì. Mỗi phong bì sử dụng cho những mục đích khác nhau"- Nga chia sẻ.
Nga nuôi một con heo đất mà cô gọi tên là "con heo hy vọng". Những lúc có niềm vui, cô bỏ vào heo những tờ tiền. Những lúc buồn bực, nhớ nhung cô lại gửi vào đó một tờ giấy nhớ kèm một lời nhắn nhủ nào đó. Cũng có lúc cô gửi vào chú heo những ước vọng của mình.
Trải qua nhiều những biến cố, cuộc sống của Nga và Thắng giờ đây đã ổn định hơn. Cứ đều đặn hai tuần một lần Thắng lại được đơn vị tạo cơ hội về thăm vợ. Mấy năm nay Nga và Thắng đều ăn tết cùng đơn vị. Nga chia sẻ, mới đây, cô đã bỏ vào con heo hy vọng của mình ước nguyện sẽ có được sinh linh bé bỏng. Tôi tin rằng điều đó sẽ sớm thành sự thật, bởi đó là món quà xứng đáng cho chuyện tình đẹp của Nga và Thắng. Nga nói chọn làm vợ lính là "chọn sống một đời dũng cảm". Còn Thắng đã nói với Nga trong những ngày đầu chung bước: "Đợi một ngày tàu anh về trong kiêu hãnh/Em sẽ là bình minh của lính tàu ngầm".
Luôn là hậu phương vững chắc
Không chỉ có "hậu phương" là vợ, là mẹ, là gia đình, những người lính thuộc Lữ đoàn tàu ngầm 189 còn có một hậu phương đoàn thể vô cùng đặc biệt là… Hội Phụ nữ của Lữ đoàn.
Những ai chưa hiểu về Lữ đoàn 189 thường cho rằng nơi này bộ đội chỉ có… đàn ông vì thủy thủ tàu ngầm có bao giờ là nữ. Nhưng thực chất, phía sau những thủy thủ tàu ngầm, lực lượng nữ quân nhân trong Lữ đoàn luôn là hậu phương, chất xúc tác để những người lính tàu ngầm can trường, dũng cảm hoàn thành nhiệm vụ được giao. Trong đó, trung úy Nguyễn Thị Lan - Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ của Lữ đoàn tàu ngầm 189 là một ví dụ.
Chia sẻ điều này, trung úy Lan, cho biết, bản thân chị vô cùng tự hào vì vừa được làm "hậu phương" gia đình vừa được làm đồng đội cùng công tác trong đơn vị với chồng, để cùng nhau cống hiến xây dựng Lữ đoàn ngày càng chính quy, hiện đại.
Trên cương vị là Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ của Lữ đoàn, bản thân chị luôn ra sức phát huy tính tiên phong, gương mẫu của người đảng viên, thường xuyên quán triệt và tuyên truyền những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước để chị em trong Lữ đoàn thấu hiểu và chấp hành nghiêm túc. Đồng thời chị cũng luôn quan tâm, gần gũi nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của chị em trong Hội, từ đó, đưa ra những giải pháp thấu tình đạt lý, tháo gỡ vướng mắc, giúp chị em an tâm tư tưởng công tác, phấn đấu hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, cùng với Ban Chấp hành Hội, chị Lan đã đưa ra nhiều ý tưởng tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, thăm hỏi, tặng quà các hội viên có hoàn cảnh khó khăn, vận động nguồn vốn xoay vòng giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế gia đình,… từ đó giúp chị em thấu hiểu và có sự đồng cảm, chia sẻ với nhau trong công việc cũng như trong cuộc sống, từng bước củng cố, bồi đắp tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau.
Chị Lan chia sẻ: "Chặng đường công tác phía trước còn rất dài, bản thân tôi chỉ biết hứa sẽ cố gắng làm tốt công tác nhiệm vụ của mình, góp phần xây dựng tập thể đoàn kết, vững mạnh, thực sự là hậu phương vững chắc để các anh yên tâm công tác nơi đầu sóng ngọn gió".