Đôi bàn tay tài hoa
Thương hiệu "nón lá bàng" của ông Võ Ngọc Hùng (64 tuổi, nhà ở hẻm 36/13 Kim Long, phường Kim Long, TP.Huế) trở nên cuốn hút hơn khi ngày càng có nhiều du khách tìm đến xem cách ông làm và đặt mua.
Ông Hùng tâm sự, bản thân là một người thích trải nghiệm. Thời trẻ, ông từng vật lộn với đủ thứ nghề để mưu sinh. Từ làm giấy, làm muối, bốc thuốc bắc, chẻ mây, phụ thợ nề, đi rừng, làm lò gạch, xay lúa cho đến thợ may..., tính ra ông đã làm qua 28 nghề khác nhau…
Vài năm trước, ông từng thấy họa sĩ Nguyễn Thanh Thảo đã làm ra chiếc nón lá truyền thống bằng lá sen được triển lãm tại Festival Huế. Sản phẩm này ngay lập tức tạo được sức lan tỏa. Lúc này, ông Hùng bắt đầu có ý định sẽ tạo ra sản phẩm cách tân từ nón lá truyền thống nhưng khác về chất liệu.
Có lần, vì mải nhìn lá ở trên cây mà ông bị ngã, suýt gãy chân vì rơi từ độ cao hơn 3m xuống. Cũng đã có lần, ông phải chạy xe máy 200 km, đi hai ngày trời mà chỉ hái được vỏn vẹn 12 cái lá, bởi không đến đúng vùng cây mọc.
Nghĩ là làm, đầu năm 2018, ông Hùng bắt đầu thử làm nón lá. Ban đầu, ông chọn lá bồ đề, lá sa kê cùng nhiều loại lá khác và trải qua không dưới 30 lần thất bại nhưng ông tâm sự chưa bao giờ có ý định từ bỏ.
Đỉnh điểm là có những lúc thiếu vốn, ông đã phải bán đi 2 chiếc xe đạp mà mình rất yêu quý với giá 30 triệu đồng để tiếp tục theo đuổi cuộc hành trình.
"Năm ấy, trong một chuyến đi chơi với bạn ở Bình Điền (thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế), tôi tình cờ thấy chiếc lá bàng rừng rất to và dày phù hợp để làm nón lá. Vốn đã có kỹ thuật ngâm xương lá bồ đề từ trước, nhưng vì khổ lá quá nhỏ để làm nên tôi đã hái một vài lá bàng rừng này về thử nghiệm và may mắn thành công"- ông Hùng chia sẻ.
Khó khăn về mặt tài chính đã đành, đến khi tìm được nguyên liệu phù hợp để làm thì ông Hùng lại gặp trở ngại về mặt khoảng cách địa lý bởi địa điểm lấy lá bàng cách nhà ông 20km, thậm chí còn xa hơn. Dù tuổi đã ngoài 60 nhưng ở thời gian đầu, ông Hùng vẫn phải tự mình cầm sào, vác bao, len lỏi vào rừng để "săn" lá bàng.
Theo ông Hùng, thời điểm thuận lợi nhất để hái lá bàng rừng vào tháng 3, tháng 4 hằng năm. Bởi đó là mùa nắng, ít mưa dông, đi lại không sợ trơn trượt, rắn rết và côn trùng.
Hơn nữa, lá cây cũng khỏe, ít bị sâu mọt. Lá được chọn phải dày, gân lá cứng, không thủng, không sâu và phải già bởi lá non khi ngâm nước sẽ bị phân hủy hoàn toàn. Tiêu chuẩn độ dài từ đỉnh nón tới cuối nón phải đạt, còn nhỏ quá không thể làm được.
… Làm nên thương hiệu "nón lá bàng"
Không một ai biết rằng, để có được những chiếc nón độc đáo thế này, ông Hùng phải bỏ ra rất nhiều công sức cũng như trải qua nhiều công đoạn.
Đầu tiên phải làm ra xương lá. Lá tươi được nấu 1 tiếng rưỡi trong baking soda (bột nở) để chuyển thành washing soda, mục đích nhằm loại bỏ mùi hôi. Sau đó, lá được ngâm thêm 1 tháng rưỡi để phân hủy. Phần lá sau khi phân hủy sẽ đem ra chải hết phần mục để lấy xương lá - phần còn màu xanh nguyên thủy.
Tiếp đến là công đoạn tẩy trắng, ghép xương lá lên vành nón, sao cho đẹp, đều và phần cuống chụm lại đồng tâm thành chóp rồi đưa cho thợ chằm nón. Công đoạn chằm nón cũng cần những người thợ chuyên nghiệp thực hiện nhằm bảo đảm tính thẩm mỹ.
Chiếc lá bàng rừng với những đường gân lá được giữ lại, tạo thành nhiều lớp mỏng nhưng chắc chắn, lạ mắt bởi khi mới nhìn cứ ngỡ là trong suốt, xuyên thấu. Với độ dài trung bình 1 lá khoảng 2 gang tay, khi chiếc nón thành hình phải cần từ 13 - 20 lá nguyên liệu, tùy vào độ to nhỏ của nón. Điều độc đáo là số vành trong một chiếc nón thường là 16.
Theo quan niệm xưa nay, số 16 tượng trưng là độ tuổi đẹp nhất, độ tuổi trăng tròn của người con gái. Ngoài ra, theo ông Hùng, tùy vào đối tượng người dùng mà ông sản xuất nón có số vành riêng biệt. Chẳng hạn, các vị sư cô luôn chọn nón lá bàng có 17 vành, các chị em phụ nữ tùy độ tuổi mà sẽ có loại nón 12, 13 vành.
Cuối cùng là công đoạn chống ẩm mốc và chống thấm. Để chiếc nón bền với mưa nắng, thay vì chọn lớp dầu nón (làm nón đổi sang màu vàng xỉn), ông Hùng chọn sơn bóng PU. Loại sơn này vừa giúp giữ màu thật của xương lá, vừa tăng sức chống chịu với thời tiết.
Ông Hùng cho biết, trong tám công đoạn, vất vả nhất là khâu chải xương lá bởi ông phải dùng chiếc bàn chải đánh răng cẩn thận chải trên chiếc lá mỏng tang. Việc này phải chải theo chiều thuận của lá và cần hết sức tỉ mỉ bởi nếu sơ sảy, một đường sống lá bị rách thì bao công sức sẽ bỏ đi.
Hay khi ông đi thuê thợ chằm nón, họ cũng từ chối vì chưa bao giờ dùng loại xương lá này. Thế nhưng, ông Hùng vẫn kiên trì thuyết phục và để người ta thử, cái nào hỏng thì bỏ. "Tôi nghĩ, không thể bỏ cuộc được. Cũng có nhiều người nói tôi là thằng điên, làm cái nón gì mà trong suốt, chỉ che mưa chứ không che được nắng. Nhưng tôi cứ làm theo đam mê của mình thôi"- ông chia sẻ.
Nếu tính tổng thời gian hoàn thành một chiếc nón từ khi ngâm lá cho tới chằm nón mất khoảng 2 tháng. Còn nếu có sẵn xương lá rồi thì một ngày người thợ chằm nón có thể làm được 2 cái. Nếu siêng năng, mỗi tháng có thể làm được 60 cái.
"Cầm chiếc nón lá bàng trên tay mà tôi ứa nước mắt, quá xúc động vì đã thử nghiệm thành công. Thời kỳ đầu, nón lá bàng bị mốc nên tôi cũng khá hoang mang. Sau khoảng 7 - 8 tháng, tôi đã dần nghiên cứu, cải tiến và hoàn thiện cách thức chống ẩm mốc"- ông Hùng nhớ lại.
Thương hiệu "nón lá bàng" của ông Hùng dần được nhiều người biết đến, đón nhận rất nhiệt tình, nhất là du khách ở Hà Nội và TP.HCM. Không chỉ phục vụ cho nhu cầu thời trang, chụp ảnh, nón lá bàng còn có thể làm quà tặng nên nhu cầu khách cần nhiều.
Góp phần phát triển du lịch
Bên cạnh việc bán nón xương lá bàng trơn, bán nguyên liệu thô theo các kích cỡ khác nhau, ông Hùng còn bán nón lá vẽ danh thắng Huế, hoa... hoặc hình theo yêu cầu. Được biết, người vẽ hình lên những chiếc nón này là do bà xã của ông - bà Lê Thị Kỳ Ngộ vẽ.
Với nghề vẽ họa tiết trên áo dài truyền thống, bà Ngộ là người thổi hồn vào chiếc nón lá bàng rừng bằng chính những họa tiết, hình ảnh bắt mắt. Đó là những cánh hoa sen, những đôi chim… để tăng thêm nét thanh thoát, bay bổng cho chiếc nón.
Ông Hùng cho biết, một chiếc nón lá bàng như vậy sẽ được bán với giá 450.000 đồng/nón. Nhưng với ông, việc bán nón phải không để làm giàu, mà để truyền tải văn hóa đến những người xung quanh bởi trong mỗi chiếc nón chứa đựng nhiều tâm huyết của cả ông và của nhiều thợ khác.
"Nếu lấy lá này làm sản phẩm khác, không mang dấu ấn Huế như chiếc nón lá chưa chắc tôi đã thành công. Tôi luôn có mong muốn góp phần đưa du lịch Huế phát triển. Nón lá là điểm nhấn của du lịch Huế, mang tính truyền thống, thân thiện với môi trường và có thiết kế về thủ công mỹ nghệ khá cao"-ông bày tỏ.
Hằng ngày, tại cơ sở sản xuất của mình, vợ chồng ông Hùng có nhận các thợ đến làm việc để có thể tăng lượng sản phẩm cung cấp cho khách hàng. Đó là những người có hoàn cảnh khó khăn mà ông Hùng muốn giúp đỡ họ phần nào trong cuộc sống.
Ấy vậy, khi được hỏi về việc lưu giữ nghề và tiếp nối với mình, ông trầm ngâm, "phải là người có lòng giữ chữ "tín" trong việc làm nghề". Điều mà người đàn ông tuổi ngoại lục tuần này trăn trở nhất chính là tìm ra người có tâm huyết, biết trân trọng sự sáng tạo.
Mặc dù, nón lá bàng đã xuất hiện trên thị trường gần 2 năm nay, nhưng ông Hùng vẫn chưa nghĩ đến việc đăng ký bảo hộ sản phẩm. Sở dĩ, ông quan niệm rằng nếu sản phẩm của mình thực sự tốt, có giá trị thì khách hàng sẽ tin tưởng vào mình. Có lẽ, chữ "tín" mà ông trăn trở khi tìm người tiếp nối cái nghề của mình bắt nguồn từ đây.
Hiện nay, trung bình một tháng, xưởng sản xuất nón lá bàng của ông Hùng làm được khoảng 60 chiếc nón, trừ đi các chi phí một năm ông cũng thu về gần 200 triệu đồng. Tuy nhiên, năm nay, việc sản xuất đã bị chững lại, một phần là vì dịch Covid-19, một phần là vì bão lũ, sạt lở.
Ông Hùng lý giải, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các sự kiện lớn nhỏ đều phải tạm dừng nên những đơn đặt hàng nón lá bàng của ông cũng bị hủy. Chưa kể, ngành du lịch đóng cửa thì làm gì có khách để mà bán nón. Đến khi cuộc sống đang dần ổn định sau dịch bệnh thì bão lũ, sạt lở lại ập đến, mọi kế hoạch một lần nữa bị phá vỡ.
"Trong thời gian tới, tôi sẽ nghiên cứu thêm để có thể cải tiến và nâng cấp sản phẩm của mình. Hình ảnh trên nón phải cần sự mới lạ thì khách hàng họ mới tìm đến với mình được"- ông Hùng chia sẻ.
Đồng thời, ông dự định sẽ thuê một khu nhà xưởng lớn để mở lớp truyền dạy nghề làm nón cho trẻ em lang thang cơ nhỡ. Ông cho biết, mục đích của việc này vừa để tạo công ăn việc làm ổn định cho các em vừa tạo nên một quy trình sản xuất chặt chẽ và mang tính cộng đồng cao hơn.