Trước giờ mở cửa phiên giao dịch sáng nay 18/2, giá SJC tại thị trường TP HCM được niêm yết 56,35-56,90 triệu đồng/lượng, giảm tổng cộng 400 nghìn đồng chiều mua vào và 550 nghìn đồng chiều bán ra so với cùng thời điểm phiên trước.
Tính đến thời điểm hiện tại, giá vàng SJC tại thị trường TP HCM bán ra tiếp tục lùi về ngưỡng 56,85 triệu đồng/lượng, giảm 50 nghìn đồng/lượng so với đầu giờ sáng nay.
Giá vàng Doji tại Hà Nội được niêm yết 56,35- 56,80 triệu đồng/lượng, giảm mạnh 300 nghìn đồng chiều mua vào và giảm 550 nghìn đồng chiều bán ra. Hiện, theo cập nhật 8h30, giá vàng Doji tại Hà Nội chỉ còn mua vào và bán ra tại 56,25- 56,75 triệu đồng/lượng, tương ứng giảm 100 nghìn đồng chiều mua và 50 nghìn đồng chiều bán.
Trong khi đó, giá vàng 24k Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu 54,58-55,18 triệu đồng/lượng, giảm 500 nghìn đồng chiều mua vào và giảm 800 nghìn đồng chiều bán ra.
Không tránh được xu hướng, trên hệ hống Phú Quý, giá vàng miếng SJC sáng nay (tính đến 8h30) có giá 56,25 - 56,75 triệu đồng/lượng; Giá vàng 9999 NPQ là 53,90 -54,90 triệu đồng/lượng, trong khi đó chốt phiên giao dịch chiều qua đứng ở mức 54,30-55,10 triệu đồng/lượng.
Như vậy, giá vàng trong nước đã giảm rất mạnh trong những phiên giao dịch đầu tiên sau Tết Tân Sửu 2021. Mức điều chỉnh không đồng đều của giá vàng trong nước cũng kéo khoảng cách mua vào và bán ra tại các thương hiệu co mạnh về 500-800 nghìn đồng/lượng tùy thương hiệu.
Trước diễn biến hiện tại của giá vàng, nhiều người coi đây là cơ hội đầu tư sinh lời hiệu quả. Chị Vũ Bích Hồng (Hà Nội) chia sẻ, những năm gần đây, ngay sau Tết Nguyên đán gia đình thường dùng khoản thưởng tết để đi mua vàng, đợi đến đúng ngày vía Thần Tài (mùng 10 tháng Giêng âm lịch) để bán ra để hưởng chênh lệch.
"Mấy năm gần đây nhờ "lướt sóng" giá vàng, năm nào cũng kiếm khoảng vài chục triệu trong 5 ngày sau Tết Nguyên đán (từ mùng 6 đến mùng 10 tháng Giêng), năm nào nhiều tiền đầu tư thì có thể kiếm tới hàng trăm triệu mỗi mùa Thần Tài", chị Hồng chia sẻ.
Giống như chị Hồng, anh Nguyễn Anh Tuấn (Hà Nội) cũng không ngần ngại cho biết, theo quy luật những năm gần đây, giá vàng thường tăng cao vào gần ngày Thần Tài và tăng vọt trong ngày vía Thần Tài do quan niệm mua vàng lấy may.
"Năm nay, giá vàng có hơi bất thường vì giảm mạnh ngay trước thềm vía Thần Tài, vì vậy, với nhà đầu tư có kinh nghiệm, đánh giá tốt xu hướng có thể tận dụng thời điểm này để "lướt sóng" kiếm lời trước ngày vía Thần Tài. Bản thân mình cũng "ôm" một ít vào thời điểm giá vàng giảm sau trong phiên ngày hôm qua và đang quan sát thị trường", anh Tuấn nhấn mạnh.
Dưới góc nhìn của mình, chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, thời điểm trước ngày vía Thần Tài thời điểm này có thể là thuận lợi để mua vàng vào. Tuy nhiên, ông lưu ý cần cẩn trọng vì giá vàng biến động khôn lường, không có gì đảm bảo giá vàng tăng cao hơn thời điểm hiện tại.
"Theo quan sát của tôi trong nhiều năm, giá vàng trong ngày vía Thần Tài thường được đẩy lên rất cao một phần do nhờ nhu cầu vàng trong ngày này tăng, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do các tiệm vàng đẩy giá. Vì vậy, không có gì đảm bảo là kinh doanh vàng không thua lỗ vào ngày này vì còn phụ thuộc vào mức độ chênh lệch giá mua - bán vào ngày vía Thần Tài", ông Hiếu nhận định.
Vị chuyên gia này khuyến cáo, mức chênh lệch mua - bán khoảng 500 nghìn đồng/lượng có thể chấp nhận được, 1 triệu là rất cao và trên 3 triệu đồng/lượng thì rất nguy hiểm nhà đầu tư, cần cẩn trọng.
"Thời điểm này rất khó đoán định mức chênh lệch của giá mua - bán trong ngày Thần Tài nhưng theo tôi khả năng 60% "ăn" và 40% "thua". Do đó, không nên mua quá mạnh tay và cần phân bổ rủi ro vào các tài sản khác", ông Hiếu nói.