Cùng với lợi nhuận, tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cũng là một chỉ số đáng bàn của các nhà băng khi cuộc đua này chưa bao giờ có hồi kết. Bởi với các ngân hàng, việc thu hút được tỷ lệ cao tiền gửi không kỳ hạn đóng vai trò quan trọng, vì nó tạo ra một nguồn vốn giá rẻ của các nhà băng.
Thông thường, lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp hơn rất nhiều so với tiền gửi có kỳ hạn, chỉ ở quanh mức 0,2%/năm. Vì vậy, tỷ lệ CASA tức tiền gửi không kỳ hạn/tổng tiền gửi khách hàng càng cao sẽ tạo tiền đề giúp ngân hàng cải thiện biên thu nhập lãi thuần (NIM), có thêm điều kiện cạnh tranh về lãi suất cho vay trên thị trường.
Đồng thời, CASA càng cao càng phản ánh nền tảng phát triển các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng, vì nhiều sản phẩm, dịch vụ giá trị gia tăng khác gắn với tài khoản tiền gửi thanh toán của khách hàng.
Cũng chính vì lý do đó, trong thời gian qua các ngân hàng "chạy đua" tăng tỷ lệ CASA bằng cách phát triển hệ thống thanh toán điện tử có khả năng đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng, nhằm tăng cường số lượng các giao dịch chuyển tiền qua ngân hàng. Mục tiêu đơn giản đó là làm sao để khách hàng gần như không bao giờ cần phải rút tiền ra để thực hiện bất kỳ một giao dịch nào.
Điển hình cho xu hướng này là Techcombank. Để hút khách hàng, Techcombank miễn phí sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử. Đồng thời, Techcombank đã cung ứng và đưa các sản phẩm đa dạng lên ngân hàng số, bao gồm từ các tiện ích thanh toán hàng ngày tới cấp thẻ tín dụng phê duyệt trước, quản lý tài chính và mua bán các sản phẩm đầu tư.
Đây là lý do khối lượng và giá trị giao dịch qua kênh điện tử của khách hàng cá nhân Techcombank trong năm 2020 lần lượt đạt 383 triệu giao dịch (tăng 108,8% so với cùng kỳ năm ngoái) và 5,0 triệu tỷ đồng (tăng 84,2% so với cùng kỳ năm ngoái). Techcombank cũng có thêm khoảng 1,1 triệu khách hàng mới, nâng tổng số khách hàng mà Ngân hàng phục vụ lên gần 8,4 triệu.
Tương tự, xác định ngân hàng số là hạt nhân cho sự phát triển bền vững, lâu dài với tầm nhìn trở thành "Ngân hàng thuận tiện nhất" vào năm 2021, MB đã liên tục ra mắt và cải tiến nhiều sản phẩm số như App MBBank, Biz MBBank, các sản phẩm cho vay trên kênh số, tạo sự thuận tiện cho khách hàng. Việc đẩy mạnh phát triển 2 ứng dụng số này đã góp phần không nhỏ vào việc tăng CASA từ khách hàng.
Các chuyên gia nhận định, cuộc cạnh tranh về CASA sẽ ngày càng "khốc liệt". Điều này đồng nghĩa với việc đầu tư ngân hàng số và chính sách khuyến khích phí một mặt có thể giúp các ngân hàng tăng trưởng CASA, nhưng cũng sẽ làm tăng chi phí hoạt động và chi phí thanh toán. Bởi vậy, để duy trì tính bền vững, các ngân hàng cần có chiến lược đầu tư và cạnh tranh hiệu quả để duy trì tỷ lệ CASA cao và thu được lợi ích trong dài hạn.
Trên thực tế, cuộc đua thu hút tài nguyên CASA giữa các ngân hàng diễn ra trong xu hướng bùng nổ, song không hề là dễ dàng. Tại báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2020, kết quả khảo sát ở các ngân hàng thương mại công bố chi tiết báo cáo tài chính cho thấy có tới 13/23 thành viên có tỉ lệ CASA suy giảm. Cũng có tới 13/23 các ngân hàng ghi nhận tỷ lệ CASA ở mức thấp, dưới 15%.
Top 3 CASA 2020: Techcombank tạo bất ngờ
Hiện bộ ba Vietcombank, Techcombank và MB đang là những thành viên có tỷ lệ CASA dẫn đầu toàn ngành.
Nhìn lại các năm trước, suốt hai năm 2018-2019, Vietcombank, MB và Techcombank thường bám đuổi nhau với tỉ lệ CASA trên dưới 30%. Song đến 2020, Techcombank bất ngờ bứt tốc vượt xa hai thành viên còn lại trong Top 3, với tỉ lệ CASA lên tới 46,1%. Ở vị trí thứ hai, MB tiếp tục thể hiện ưu thế CASA mạnh khi vượt mốc 39%, và Vietcombank đứng thứ ba với khoảng 30%.
Điều đáng nói, trong quá khứ, chưa từng có trường hợp nào, kỳ cập nhật báo cáo kết quả kinh doanh nào ghi nhận tỉ lệ CASA vượt trên mốc 45%. Nhưng đó là bất ngờ hợp lý, khi đại dịch Covid-19 tạo cú hích thay đổi phương thức giao dịch truyền thống sang trực tuyến. Và lợi thế và ưu thế trong cuộc đua này đã nghiêng về những thành viên tiên phong dẫn dắt trên lộ trình chuyển đổi số và quan trọng hơn cả, là chuyển đổi đúng hướng để mang đến trải nghiệm vượt trội cho khách hàng.
Tại chương trình Gặp gỡ các nhà phân tích về kết quả kinh doanh quý 4/2020 vừa qua, ông Phùng Quang Hưng – Phó Tổng Giám đốc Techcombank, chia sẻ: tỷ lệ CASA 46% là thành tựu đạt được từ chiến lược dịch chuyển cơ cấu huy động sang những nguồn vốn có chi phí huy động thấp (huy động không kỳ hạn). "Tỷ lệ CASA 46% hiện nay sẽ là lợi thế cạnh tranh giúp cho Techcombank tiếp tục phát triển một cách bền vững về dài hạn", ông Hưng nhấn mạnh.