Techcombank củng cố sức mạnh bảng cân đối tài sản

Huyền Anh Thứ tư, ngày 27/01/2021 17:30 PM (GMT+7)
Techcombank của tỷ phú Hồ Hùng Anh vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2020 với lợi nhuận trước thuế đạt 15,8 nghìn tỷ đồng. Với kết quả này, Techcombank chỉ đứng sau Vietcombank và VietinBank trong bản xếp hạng lợi nhuận năm.
Bình luận 0

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, mã cổ phiếu: TCB) công bố kết quả kinh doanh năm 2020.

Lãi trước thuế gần 16 nghìn tỷ, lợi nhuận của Techcombank đến từ đâu? - Ảnh 1.

Techcombank của tỷ phú Hồ Hùng Anh vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2020 với lợi nhuận trước thuế đạt 15,8 nghìn tỷ đồng

Lợi nhuận trước thuế của Techcombank gần 16 nghìn tỷ đồng

Theo đó, kết thúc năm 2020, doanh thu (TOI) của Techcombank đạt 27 nghìn tỷ đồng, tăng 28,4% so với doanh thu năm 2019 và vượt mức tăng 18,0% của chi phí hoạt động.

Trong đó, thu nhập lãi thuần (NII) năm 2020 đạt 18,8 nghìn tỷ đồng, tăng 31,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Thu nhập từ hoạt động dịch vụ (NFI) đạt 4,2 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 28,8% so với năm 2019. Thu nhập từ hoạt động tư vấn phát hành trái phiếu tiếp tục đóng góp nhiều nhất vào NFI, đạt 1,0 nghìn tỷ đồng, tăng 7,0% so với cùng kỳ năm ngoái, với khối lượng phát hành trái phiếu là 66,8 nghìn tỷ đồng.

Ngược lại, phí từ dịch vụ bảo hiểm giảm 11,0% so với 2019.

Trong năm 2020, chi phí hoạt động của Techcombank là 8,6 nghìn tỷ đồng, tăng 18,0% so với 2019. Tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) giảm xuống 31,9%, từ mức 34,7% cùng kỳ năm ngoái, bởi ngân hàng đã thực hiện quản lý chi phí rất chặt chẽ trong bối cảnh nhiều biến động do dịch COVID-19.

Lãi trước thuế gần 16 nghìn tỷ, lợi nhuận của Techcombank đến từ đâu? - Ảnh 2.

Báo cáo tài chính Techcombank

Kết quả, Techcombank của tỷ phú Hồ Hùng Anh báo lãi trước thuế 15,8 nghìn tỷ đồng, tăng lần lượt 23,1% so với cùng kỳ năm 2019.

Đóng góp vào kết quả hợp nhất tích cực của Techcombank, Công ty chứng khoán Techcom Securities (TCBS) ghi nhận doanh thu 3,3 nghìn tỷ đồng (tăng 50% so với 2019) và lợi nhuận trước thuế 2,7 nghìn tỷ đồng (tăng 48% so với 2019).

Được biết, TCBS chiếm 68% thị phần môi giới trái phiếu doanh nghiệp và 27% thị phần tài khoản chứng khoán mới mở. Ngoài ra, TCBF, quỹ trái phiếu mở được quản lý bởi TCBS, tiếp tục là quỹ trái phiếu lớn nhất thị trường, với tổng giá trị tài sản là 24,1 nghìn tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2020, tăng 31,7% so với quý trước và 56,9% so với 31/12/2019.

Tỷ lệ nợ xấu giảm 61,5% so với cùng kỳ

Tại thời điểm 31/12/2020, tỷ lệ nợ xấu của Techcombank được giữ ở mức 0,5%, thấp hơn mức 0,6% tại 30/09/2020 và 1,3% tại 31/12/2019. Tỷ lệ nợ xấu giảm do ngân hàng của tỷ phú Hồ Hùng Anh đã chủ động xử lý nợ xấu để củng cố sức mạnh bảng cân đối trước các tác động của đại dịch COVID-19 lên nền kinh tế.

Theo đó, chi phí dự phòng của Techcombank năm 2020 tăng lên mức 2,6 nghìn tỷ đồng so với mức 917 tỷ đồng của năm 2019. Nhờ đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu tại thời điểm 31/12/2020 tăng lên 171,0% so với mức 148,0% tại 30/9/2020 và 94,8% tại 31/12/2019.

Trong năm 2020, Techcombank cũng thực hiện các biện pháp giúp phục hồi nền kinh tế, chia sẻ khó khăn với các khách hàng cá nhân và doanh nghiệp với gói hỗ trợ toàn diện lên tới 41,2 nghìn tỷ đồng, gồm tái cơ cấu, miễn giảm lãi và giãn nợ cho hơn 3.200 khách hàng.

Tổng giám đốc Jens Lottner chia sẻ: "Trong năm 2020 với nhiều thách thức và bất ổn, Techcombank đã thực hiện nhiều biện pháp để hỗ trợ khách hàng và củng cố sức mạnh bảng cân đối để vượt qua khủng hoảng. Các biện pháp gồm có giãn nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, cung cấp mức lãi suất ưu đãi, tăng thanh khoản để đảm bảo ngân hàng có nguồn tín dụng dồi dào phục vụ khách hàng, song song với việc đẩy mạnh xử lý nợ xấu để duy trì chất lượng tài sản. 

Với những kết quả mà Techcombank đạt được trong 2020, chúng tôi tin tưởng rằng các nền tảng kinh tế và động lực tăng trưởng dài hạn của Việt Nam cũng như Techcombank vẫn nguyên vẹn. Trong tương lai, chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung thực thi chiến lược và đầu tư vào số hóa để đáp ứng nhu cầu của lượng khách hàng ngày càng tăng. 

Với đội ngũ lãnh đạo nhiều kinh nghiệm, nguồn vốn và năng lực đã được Techcombank xây dựng trong 5 năm qua, cùng những thành công của Chính phủ trong việc hạn chế tác động của dịch COVID-19, chúng tôi tin rằng Techcombank vẫn ở vị thế tốt để thực hiện chiến lược 5 năm 2021 - 2025 và tầm nhìn trở thành ngân hàng hàng đầu Việt Nam".

Tăng trưởng tín dụng 23,3%

Cuối năm 2020, tổng tài sản của Techcombank đạt 439,6 nghìn tỷ đồng vào thời điểm cuối năm 2020, tăng 14,6% so với thời điểm kết thúc năm 2019.

Tổng dư nợ tín dụng của khách hàng tại 31/12/2020 là 318,0 nghìn tỷ đồng, tăng 23,3% so với cuối năm 2019, và phù hợp với hạn mức tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước cho phép.

Techcombank cho biết, nhu cầu tín dụng đặc biệt tăng mạnh trong quý IV/2020, do các hoạt động kinh tế dần phục hồi sau đại dịch và các doanh nghiệp đẩy nhanh việc đầu tư để tăng trưởng mạnh hơn trong 2021. Sự hồi phục mạnh mẽ của nền kinh tế được phản ánh rõ ràng ở phân khúc khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Cụ thể, dư nợ tín dụng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ cuối quý IV/2020 tăng 24,3% so với quý III/2020, cao hơn mức tăng 13,9% dư nợ tín dụng của doanh nghiệp lớn và 8,9% dư nợ tín dụng cho khách hàng cá nhân.

Tiền gửi khách hàng tại 31/12/2020 là 277,5 nghìn tỷ đồng, tăng 20,0% so với thời điểm 31/12/2019. Tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đạt 128,0 nghìn tỷ đồng, tăng 60,6% so với thời điểm cuối năm 2019. Trong khi đó, tiền gửi có kỳ hạn đạt 149,4 nghìn tỷ, giảm 1,4% so với cuối năm ngoái.

Nhờ đó, tỷ lệ CASA cuối năm 2020 đạt 46,1%, cao hơn mức 34,5% cuối năm 2019, nhờ CASA tăng 65% ở phân khúc khách hàng cá nhân và tăng 54% ở phân khúc khách hàng doanh nghiệp.

Tỷ lệ cho vay trên tổng tiền gửi đạt 78,1% và tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn đạt 33,9%, tăng so với mức 38,4% vào thời điểm cuối năm 2019.

Trong năm vừa qua, Techcombank của tỷ phú Hồ Hùng Anh đã hoàn tất khoản vay hợp vốn trị giá 500 triệu đô la Mỹ nhằm đa dạng hóa nguồn vốn và đảm bảo ngân hàng có nguồn thanh khoản dồi dào để hỗ trợ khách hàng trong khủng hoảng của đại dịch COVID-19.

Ngân hàng cũng duy trì vị thế vốn hàng đầu Việt Nam với tỷ lệ an toàn vốn (CAR) cuối kỳ theo Basel II đạt 16,1%, cao hơn gấp đôi so với yêu cầu tối thiểu của Trụ cột I Basel II (8.0%) và cao hơn mức 15,5% tại thời điểm cuối năm 2019.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem