Dịch Covid-19 bùng phát khiến tỉnh Hải Dương cách ly xã hội từ 0h ngày 16/2. Các biện pháp kiểm soát dịch bệnh khiến quá trình tiêu thụ nông sản của nông dân Hải Dương gặp nhiều khó khăn. Hiện, tình hình tiêu thụ nông sản, đặc biệt là rau vụ đông của tỉnh ra sao, thưa ông?
- Trong bối cảnh Hải Dương thực hiện cách ly xã hội thì việc tiêu thụ nông sản của người dân Hải Dương chắc chắn sẽ gặp khó khăn, một số tỉnh hạn chế xe di chuyển từ Hải Dương.
Trước tình hình đó, Sở NNPTNT Hải Dương đã tham mưu cho UBND tỉnh, Bộ NNPTNT, các cơ quan chức năng có văn bản đề nghị các tỉnh tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho vấn đề lưu thông hàng hóa của Hải Dương.
Sở NNPTNT cũng kịp thời liên hệ với các doanh nghiệp tổ chức thu mua nông sản cho nông dân, với điều kiện phải tuân thủ nghiêm túc việc phòng chống dịch.
Vụ đông là vụ sản xuất quan trọng nhất của nông dân Hải Dương, thời điểm hiện tại, Hải Dương còn khoảng 90.000 tấn rau màu vụ đông cần tiêu thụ, chủ yếu là hành, tỏi, cà rốt, rau ăn lá. Đây chỉ là số nhỏ trong năng lực sản xuất rau màu trong 1 năm của tỉnh với khoảng 700.000 tấn.
Vụ đông năm nay, Hải Dương sản xuất khoảng 22.000ha, đã thu hoạch xong 20.000ha, đạt khoảng 90%, còn lại 2.700ha đang thu hoạch, trong đó có khoảng 2.000 ha hành, sản phẩm này có thể để khô nên không đáng ngại.
Diện tích cà rốt đang thu hoạch khoảng 500ha với sản lượng 30.000 tấn, 90% sản lượng cà rốt đã có đầu mối thu mua phục vụ xuất khẩu.
Đối với diện tích rau ăn lá như sau hào, bắp cải diện tích đang thu hoạch còn khoảng 200ha, sản lượng 7.000 tấn.
Đây là lứa rau ăn lá thứ ba nông dân Hải Dương sản xuất trong vụ đông năm nay, lứa 1 và 2/3 sản lượng của lứa 2 tiêu thụ thuận lợi, giá cao.
Cụ thể, giá cà rốt bán cho thương lái đạt 7000 - 8.500 đồng/kg, gấp đôi năm ngoái; su hào, bắp cải đắt hơn năm ngoái 30%, hành thu khoảng 15 - 16 triệu đồng/sào.
Nếu không có dịch Covid-19 thì chắc chắn vụ đông năm nay Hải Dương thắng lợi toàn diện.
Tuy nhiên, bình thường thời điểm sau Tết Nguyên đán, giá rau màu vẫn giảm hơn một chút do người dân phải tăng tốc thu hoạch để kịp cho đổ ải gieo cấy lúa chiêm xuân. Đây là quy luật trong nhiều năm. Năm nay, do tác động của dịch Covid-11, việc tiêu thụ càng khó khăn hơn.
Cái khó nhất hiện nay là các thương lái không thể vận chuyển nông sản đi tiêu thụ do quy định phòng chống dịch.
Để tháo gỡ khó khăn cho nông dân trong tiêu thụ nông sản, tỉnh Hải Dương có những phương án gì trong bối cảnh thực hiện cách ly xã hội, thưa ông?
- Trước khó khăn trong việc vận chuyển tiêu thụ nông sản, tỉnh Hải Dương đã có văn bản đề nghị các địa phương hỗ trợ để hàng có thể ra cảng.
Theo đó, đội ngũ lái xe được xét nghiệm Covid-19, thực hiện nghiêm túc các quy định phòng chống dịch bệnh, tránh đi qua đường trung tâm thành phố.
Hiện, TP. Hải Phòng cũng đã có văn bản trả lời, cho phép các xe vận tải hàng hóa phục vụ sản xuất, xuất nhập khẩu từ các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tại tỉnh Hải Dương vào TP. Hải Phòng nếu đáp ứng các điều kiện phòng, chống dịch Covid-19.
TP.Chí Linh, tâm dịch Covid-19 của tỉnh Hải Dương cũng là vùng nuôi gà đồi lớn. Hiện nay, việc tiêu thụ gà đồi của người dân có khó khăn không, thưa ông?
- Tỉnh Hải Dương có đàn gà thuộc loại lớn ở miền Bắc, nhất là TP.Chí Linh, phong trào nuôi gà đồi phát triển rất mạnh, thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, Chí Linh có khoảng 1,6 triệu con gà đến thời điểm xuất chuồng, lại đúng dịp cao điểm tiêu thụ phục vụ Tết.
Để tiêu thụ gà cho người dân, Sở NNPTNT tỉnh đã kết nối tiêu thụ gà đồi Chí Linh với nhiều doanh nghiệp, các thương lái cũng về thu mua nên đã tiêu thụ được khoảng 40%. Qua trao đổi với Hiệp hội Chăn nuôi gà đồi Chí Linh thì toàn thành phố còn khoảng 700.000 con gà cần được tiêu thụ.
Rất may, giá gà không giảm quá sâu, hy vọng Rằm tháng Giêng sẽ là dịp đẩy mạnh tiêu thụ.
Đây cũng là thời điểm các địa phương vào vụ sản xuất lúa chiêm xuân, với những vùng bị cách ly, phong tỏa, tỉnh có phương án gì hỗ trợ người dân sản xuất cho kịp thời vụ?
- Ngay khi dịch Covid-19 bùng phát, Sở NNPTNT Hải Dương đã có văn bản, xây dựng phương án sản xuất trong thời điểm Covid-19, trong đó có đề nghị chính quyền địa phương hướng dẫn người dân, đặc biệt trong vùng phong tỏa sản xuất an toàn.
Theo đó, bà con vẫn được ra đồng, đến trang trại. cơ sở sản xuất làm việc nhưng phải giữ khoảng cách an toàn, không tập trung đông người.
Còn các gia đình có các đối tượng F0, F1 phải đi cách ly tập trung thì đề nghị huy động các lực lượng đoàn thể hỗ trợ giúp người dân.
Hiện, sản xuất vẫn diễn ra bình thường, duy chỉ có việc vận chuyển vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất vụ chiêm xuân, vận chuyển tiêu thụ nông sản gặp khó khăn.
Xin cảm ơn ông!
Trước đề nghị của UBND tỉnh Hải Dương, UBND TP. Hải Phòng đã có chỉ đạo cho phép các xe vận tải hàng hóa phục vụ sản xuất, xuất nhập khẩu từ các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tại tỉnh Hải Dương vào TP. Hải Phòng nếu đáp ứng các điều kiện phòng, chống dịch Covid-19.
Cụ thể, xe chở hàng hóa từ vùng dịch được vào Hải Phòng phải bảo đảm đồng thời các điều kiện: có hợp đồng, đơn hàng cụ thể (nơi sản xuất, nơi giao hàng, nơi nhận hàng…) và có các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Lái xe phải có kết quả xét nghiệm âm tính bằng phương pháp PCR và có giấy xác nhận của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương trong thời gian 3 ngày gần nhất; giấy xác nhận của chủ doanh nghiệp vận tải xác nhận lái xe được ăn ở và quản lý tập trung; tuân thủ tuyệt đối các biện pháp 5K về phòng chống dịch của Bộ Y tế; phun khử khuẩn bảo đảm an toàn phòng chống dịch cho toàn bộ hàng hóa và phương tiện...