Dân Việt

Bài dự thi "Ăn tết thời Covid": Thông điệp cứng rắn của mẹ

Trâm Oanh 23/02/2021 13:39 GMT+7
Hai ba, ngày đưa ông Táo về trời, mẹ điện thoại, gọi cho các con chỉ để truyền đi một thông điệp chung: Tết năm nay các con không cần về nhà; dịch bệnh phức tạp, mỗi bước đi cũng cần cân nhắc. Cứ yên tâm ông bà, tổ tiên đã có mẹ và anh Tư lo chu toàn.

Nhà có năm chị em, mỗi người sinh sống, làm việc một nơi; hai người gần nhau nhất cũng cách xa đến 35 km. Vì vậy ngày giỗ cha, ngày lễ hay ngày Tết là ngày gặp mặt, ngày vui. Ai cũng háo hức để gia đình, anh em được tụ họp đông đủ, để cùng nhau kể về Tết ngày xưa, để ôn lại một thời nghèo khó khi con cái còn bé và quây quần quanh cha mẹ. Những câu chuyện đã kể mấy chục năm nay mà dường như vẫn còn tươi mới và chưa bao giờ giảm sức hấp dẫn. Vậy nên dĩ nhiên chưa ai đồng tình ngay với "khuyến cáo" của mẹ. Nhóm chat "GIA ĐÌNH MÌNH" lập tức sáng đèn. 

Má bảo: "Nhớ nhau đã có những tấm hình, mang ra coi tạm".

Má bảo: "Nhớ nhau đã có những tấm hình, mang ra coi tạm".

Ai cũng công nhận, mẹ mình đã 86 tuổi, quanh quẩn ở nhà mà cũng cập nhật tình hình sát quá. Mà có vẻ như mẹ đang "quan trọng hóa tình hình". Một năm, có mấy dịp cả nhà quây quần; vui nhất là dịp Tết, mẹ con, anh chị em, cháu chắt được gặp nhau nên ai cũng háo hức chờ. Phân công phân nhiệm từng người cũng đã xong, giờ mẹ gợi ý không về, hỏi còn gì là Tết. Thôi, cứ chờ thêm vài ngày, việc của ai, người ấy vẫn tiếp tục; mẹ sẽ thay đổi ý định, mình vẫn gặp mặt như mọi năm.

Hai mươi lăm Tết, chưa thấy mẹ có dấu hiệu thay đổi ý định. Chị Hai là người "uy tín" với mẹ nhiều nhất nhận trách nhiệm ướm lời, ngỏ ý đầu tiên xem mẹ có thuận "dỡ lệnh phong tỏa" không: "Khu vực con sống, Covid chưa ghé tới; nhà con lúc nào cũng cảnh giác cao độ với giặc Covid nên mẹ yên tâm. Hai mươi tám Tết, con sẽ đảm nhận gói bánh chưng cho đại gia đình; nếp Tú Lệ, đậu xanh, lạt tre đã tập kết về nhà rồi; lá dong cũng đã đặt xong, mẹ mà hủy hẹn, bánh chưng ế, nhà con ăn hết tháng giêng chưa chắc đã xong!"

Đêm "pháo hoa" tự tạo từ bếp lửa hồng nhà má.

Đêm "pháo hoa" tự tạo từ bếp lửa hồng nhà má.

Nhưng mẹ có lý của mẹ. Mẹ bảo: "Mẹ biết, nhưng dịch bệnh phức tạp như thế này, lỡ có chuyện gì thì người gặp nguy hiểm nhất sẽ là mẹ vì mẹ là người đã rất già. Các con, các cháu đều đi làm, một ngày đi và tiếp xúc với nhiều người, làm sao biết ai là người nguy cơ? Thôi, "Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, ai ở chỗ nào cứ ở yên chỗ ấy cho mẹ". Không về, là bảo vệ cho các con thì ít mà bảo vệ cho mẹ thì nhiều!"

Sau "thất bại" của chị Hai, anh Ba tình nguyện ra tay, vốn là chiến sĩ công an nên khẩu khí dứt khoát, khẳng khái và rõ ràng. Anh Ba không năn nỉ mẹ mà "áp đặt" hẳn một lịch trình: "Sáng mùng một, cúng Tết ở nhà xong cả nhà con sẽ thẳng tiến về mẹ ăn Tết. Mẹ già rồi, một ngày quây quần cùng con cháu cũng là một ngày quý, ngày vui". Nhưng mà, mẹ nói anh Hai có "chiến thuật" nào thì mẹ cũng vẫn là người sinh đẻ ra anh Hai, hiểu anh Hai và biết cách "trị" anh Hai dù anh đã trở thành ông ngoại. Đến độ, anh Hai phải thở hắt ra: "Mẹ ơi, sao mẹ sắt đá với chúng con vậy?". "Không, mẹ chỉ sắt đá với con Covid thôi!"

Anh Tư sống chung với mẹ nhưng dĩ nhiên về phe ham đông, vui. Lý sự của anh Tư có lẽ thuộc hàng nặng ký nhất và khiến mẹ "lung lay" nhất: "Mẹ xem bản tin Covid nhiều quá nên bị tác động thái quá. Công dân được phép làm những việc nhà nước không cấm. Các anh, chị em mình đều sống trong những vùng không thấy dịch bệnh gì. Nhà nước không cấm, tự dưng mẹ lại cấm; tội nghiệp chúng con!"

Tác giả bài viết đi làm trong ngày đầu năm mới.

Tác giả bài viết đi làm trong ngày đầu năm mới.

Chị Năm yếu đuối, tính tình nhẹ nhàng nên hy vọng tràn trề về khả năng thuyết phục mẹ bằng "cái tình", kể cả nước mắt. Năm chục năm trên đời, chưa có cái Tết nào của con lại vắng mẹ. Rồi những tủi thân, buồn, nhớ, bổn phận cũng được chị Năm mang ra để "đấu tranh". Công việc căng thẳng, thành phố ồn ào và bụi bặm, mẹ không hiểu hết chúng con mong được về nhà gặp mẹ, mong về quê đến mức nào đâu! Ừ thì mẹ không hiểu hết nhưng con có lường trước được việc, nếu chỉ có một người trong gia đình ta dương tính, thậm chí chỉ là F1 thì chúng ta cần xử trí và sắp xếp các gia đình như thế nào không con? Không gặp mặt nhưng  mẹ vẫn ở bên, vẫn nghe điện thoại, vẫn xem hình ảnh, còn mùa xuân thì vẫn về đấy thôi!

Chừng như muốn trấn an các con để không phải băn khoăn về bổn phận, trách nhiệm với ông bà, cha mẹ, tổ tiên những ngày Tết, mẹ còn nhắn tin vui cho từng người để khích lệ tinh thần: "Người già ai cũng thích được cho tiền; nhớ gửi tiền mừng tuổi mẹ đầy đủ là mẹ vui rồi".

Chỉ có tôi, Út ít là về "phe" mẹ. Thông điệp hơi cứng rắn được gửi lên nhóm và xác định rõ: Em có bố mẹ chồng đều cao tuổi và cần người chăm sóc; đi lại dịp Tết này lỡ gặp chuyện xui thì nhà em sẽ "vỡ trận" đầu tiên. Vậy nên em xin phép không về, không đi thăm, chúc Tết các anh chị. Mọi thủ tục mừng tuổi, quà Tết của bổn phận làm em được xử lý qua … chuyển khoản và mong mẹ, các anh chị cảm thông!

Dù mừng vì có một "đồng minh" nhưng nhận thấy mình có thể bị các con thuyết phục ngược trở lại, mẹ chuyển sang "chỉ đạo": "Các con nên nghe lời mẹ. Con Covid chỉ cần một khoảng thời gian để phong tỏa và dập nó. Dập xong rồi, cả nhà mình lại gặp nhau. Lúc ấy nói là mình ăn Tết muộn cũng đúng mà nói là ăn Tết lần hai càng vui. Nghe lời mẹ lần này, mẹ già rồi nhưng chưa lẩm cẩm đâu. Mẹ cũng mong được gặp các con; mong nhiều hơn gấp nhiều lần. Nhưng mà tình thế đất nước mình hiện nay nó vậy, gia đình mình phải gương mẫu chung tay".

Đến lúc này thì tất cả anh, chị tôi đều hiểu không thể lay chuyển được mẹ, bởi mẹ đã dùng đến hai chữ "nghe lời"; hai chữ của một từ tuy đơn giản nhưng làm con chúng tôi hiểu, đó là một khẩu lệnh. Mà mẹ, một người chỉ huy uy tín, lâu năm, giàu tình cảm nhưng vô cùng sắt đá đã sử dụng đến thì không gì lay chuyển được.

Và mùa xuân vẫn về với mọi nhà trong đại gia đình chúng tôi ở cả hai địa bàn, thành phố Hồ Chí Minh  và Đồng Nai. Chị Hai đón xuân về tại Thủ Đức. Anh Ba chào năm mới ở quận 11. Anh Tư đón giao thừa có mẹ và "chiêu đãi" cả nhà qua livestream một "đêm pháo hoa" tự tạo từ một đống lửa rực cháy. Chị Tư yên tâm ăn Tết ở Trảng Bom. Còn tôi, cô Út vui xuân trên đất Biên Hòa. Tết không gặp mẹ, không thể cùng mẹ chào tuổi 87, chào và chúc Tân Sửu bình yên nhưng ai cũng thấy mẹ, thấy anh em và con cháu thật gần. Những lời chúc tốt đẹp, những lời yêu thương, những câu chuyện năm mới rôm rả có khi còn hơn cả những Tết đã qua. Bởi mọi người đều ở nhà, nhớ nhau thì lên nhóm; cần trao đổi thì a-lô; nhắc nhau thì để lại lời nhắn.

Tết này, tôi nghe vài người bạn kể về những chuyến xe chở khách về quê vắng tanh, bởi lượng khách chỉ còn bằng một phần ba những năm trước đây. Hiểu rằng mình đã góp phần làm nên sự vắng tanh ý nghĩa và cần thiết ấy. 

Và tất cả gia đình tôi đều mang một niền tin tuyệt đối rằng, quyết tâm chống dich này, cả xã hội đang chung tay. Bởi thế, ngày gặp mặt đủ đầy của các gia đình cũng đang đến, rất gần.