Dân Việt

Vì sao TP.HCM muốn 'xoá sổ' nhà 'siêu mỏng'?

Văn Dũng 23/02/2021 09:29 GMT+7
Sau khi thực hiện giải phóng mặt bằng phục vụ xây dựng các dự án giao thông, nhất là các tuyến metro, trên địa bàn TPHCM lại phát sinh hàng loạt ngôi nhà “siêu mỏng”, “siêu nhỏ” gây ảnh hưởng mỹ quan đô thị.

Nhà "siêu mỏng" xuất hiện sau khi mở rộng đường

Nhiều năm qua, trên địa bàn TP.HCM sau khi cơ quan chức năng thực hiện việc giải phóng mặt bằng để phục vụ xây dựng một số tuyến đường giao thông thì xuất hiện khá nhiều căn nhà "siêu mỏng", "siêu nhỏ",.. gây ảnh hưởng mỹ quan đô thị.

Những căn nhà "siêu mỏng", "siêu nhỏ" này có chiều rộng từ 3 - 4m, chiều dài chỉ tầm 1 - 2m, thậm chí có căn nhà bị "gọt" thành hình tam giác rất kỳ dị.

Vì sao TP.HCM muốn “xoá sổ” nhà siêu mỏng? - Ảnh 1.

Những căn nhà "siêu mỏng" xuất hiện sau khi đường Bùi Đình Tuý (quận Bình Thạnh) được mở rộng. Ảnh: V.D

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) TP.HCM, trên địa bàn thành phố hiện nay có nhiều khu đất có diện tích và hình thể đất nhỏ hẹp, không đủ chuẩn quy hoạch đô thị xây dựng. Nguồn gốc các khu đất này khá đa dạng như đất do Nhà nước quản lý, lối đi chung hoặc khoảng hở giữa 2 nhà do 1 chủ sử dụng hoặc các hộ có nhà liền kề với diện tích sử dụng chung... 

Những khu đất này hiện không còn sử dụng, nên chỉ có thể chuyển nhượng quyền cho chủ sử dụng đất liền kề có nhu cầu hợp khối. Việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất này phải dựa trên cơ sở thỏa thuận hoặc không có tranh chấp, khiếu nại của các hộ có quyền lợi liên quan.

Theo khảo sát của Sở TNMT TP.HCM, tại nhiều quận, huyện như quận 1, 3, 7, Gò Vấp, Bình Thạnh và Phú Nhuận, Tân Bình..., nhu cầu sử dụng đối với các khu đất nói trên để hợp khối với nhà ở hiện hữu của người dân tương đối nhiều. Tuy nhiên, vướng mắc duy nhất nằm ở chỗ không phải người sử dụng đất liền kề nào cũng có đủ khả năng tài chính để đấu giá và hợp khối. 

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, việc xuất hiện những căn nhà "siêu mỏng", "siêu nhỏ" bắt đầu khi thành phố triển khai những dự án mở rộng đường. Xuất phát đầu tiên là một số công trình nhà ở nằm trên đường Trần Hưng Đạo (quận 5), sau đó là đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh), đường Võ Văn Kiệt (quận 5 và quận 6). Gần đây, nhiều đoạn đường được chỉnh trang, số nhà siêu mỏng, siêu nhỏ càng nhiều. 

Vì sao TP.HCM muốn “xoá sổ” nhà siêu mỏng? - Ảnh 2.

Những căn nhà này gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Ảnh: V.D

Đứng đầu là đường Tân Hóa - Lò Gốm (quận 6, quận 11 và quận Tân Phú), Phạm Văn Đồng, đường Bùi Đình Túy, Nguyễn Xí (quận Bình Thạnh)... Thống kê từ Sở Xây dựng cho thấy hiện TP.HCM có trên 1.000 căn nhà diện tích siêu nhỏ do ảnh hưởng bởi các dự án mở rộng mặt đường, đầu tư hạ tầng...

Tình trạng này cũng đang diễn ra ở trục đường Cách Mạng Tháng Tám trên địa bàn quận Tân Bình. Sau nỗ lực giải phóng mặt bằng để mở rộng mặt đường nhằm tiến hành xây dựng tuyến metro số 2, ghi nhận 86 căn nhà có diện tích dưới chuẩn, chiếm 23% tổng số căn nhà bị ảnh hưởng. Vị trí có nhà siêu nhỏ nằm tập trung nhiều nhất đoạn gần ngã tư Bảy Hiền.

Vì sao TP.HCM muốn “xoá sổ” nhà siêu mỏng? - Ảnh 3.

Khu vực ngã tư Bảy Hiền (quận Tân Bình) xuất hiện nhiều căn nhà "siêu mỏng", "siêu nhỏ" có chiều rộng từ 3 - 4m, chiều dài chỉ tầm 1 - 2m, thậm chí có căn nhà bị "gọt" thành hình tam giác rất kỳ dị.. Ảnh: V.D

Lý do xuất hiện những căn nhà "siêu mỏng" là do phần diện tích sau khi giải phóng vẫn còn, chủ nhà sửa chữa theo hiện trạng cũ, không được phép xây dựng mới, tăng diện tích sàn. Nghĩa là căn nhà 2 tầng, bị giải phóng 80% còn 20% phần diện tích được phép sửa lại hoàn thiện phần không bị giải phóng. Nếu chủ nhà muốn hợp khối với các căn lân cận, chính quyền địa phương sẽ tạo điều kiện tối đa để cấp giấy phép xây dựng với các hộ dân lân cận.

TP.HCM quyết "xoá sổ" nhà "siêu mỏng"

Trước thực trạng này, UBND TP.HCM đã duyệt đề xuất thu hồi thêm đất ở hai bên công trình hạ tầng để tái định cư và bán đấu giá.

Theo đề án "Quản lý và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả" vừa được UBND TP.HCM phê duyệt, trong thời gian tới thành phố sẽ thực hiện giải phóng mặt bằng rộng hơn phạm vi dự án để bán đấu giá, người dân trong diện giải tỏa sẽ được tái định cư tại chỗ.

Người có đất bị thu hồi trong dự án hạ tầng và phần đất thu hồi thêm sẽ được tái định cư tại chỗ với diện tích đất nhỏ hơn, tỷ lệ nghịch với giá đất tăng thêm do hạ tầng mang lại. Diện tích đất dôi dư sau khi tái định cư sẽ được quy hoạch lại và bán đấu giá để lấy kinh phí đầu tư cho chính dự án đó.

Phương án thu hồi thêm đất và tái định cư sẽ được đưa ra lấy ý kiến của cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng. Nếu đa số người dân đồng ý (khoảng 2/3) thì phương án sẽ được phê duyệt. Đối với thiểu số người dân không đồng ý phải lựa chọn: hoặc chấp thuận phương án hoặc bị Nhà nước thu hồi đất.

Vì sao TP.HCM muốn “xoá sổ” nhà siêu mỏng? - Ảnh 5.

UBND TP.HCM đã phê duyệt đề án "Quản lý và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả" với mục đích thu hồi thêm đất ở hai bên công trình hạ tầng để tái định cư và bán đấu giá nhằm "xoá sổ" những căn nhà có hình thù kì dị này. Ảnh: V.D

Đánh giá về động thái này của UBND TP.HCM, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) nói rằng, việc thu hồi, đấu giá đất ven đường mới để thu chênh lệch địa tô là điều nên làm từ rất lâu nhằm tạo sự công bằng và kinh doanh minh bạch.

Theo Chủ tịch HoREA, đây là phương án đúng đắn, nên làm từ rất lâu bởi tái định cư tại chỗ sẽ mang lại lợi ích cao nhất cho người bị thu hồi đất khi bù đắp được quyền lợi và có giá trị gia tăng khi dự án được đầu tư. Song, "những kinh nghiệm không đúng của thành phố" đã để lại những bài học rõ ràng trên các tuyến đường lớn.

Vì sao TP.HCM muốn “xoá sổ” nhà siêu mỏng? - Ảnh 6.

Theo các hộ dân có đất bị thu hồi, hiện nay giá bồi thường giải phóng mặt bằng của Nhà nước quá thấp so với giá đất chuyển nhượng trên thị trường. Ảnh: V.D

Nhiều hộ dân có phần đất bị thu hồi tại các dự án mở rộng đường cho hay, hiện nay giá bồi thường giải phóng mặt bằng của Nhà nước quá thấp so với giá đất chuyển nhượng trên thị trường, nhưng diện tích đất còn lại của gia đình có lợi thế giáp mặt tiền đường lớn, giá đất sẽ tăng lên nhiều lần. 

Các hộ dân cho rằng, nếu như thu hồi thêm đất mà giá bồi thường bằng giá đất đã thu hồi làm đường thời gian qua thì chắc chắn người dân sẽ không đồng thuận.

Trả lời báo chí, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, một khi đã thu hồi đất hai bên đường để bán đấu giá thì Nhà nước sẽ có nguồn kinh phí lớn để bồi thường, tái định cư cho người dân với giá cao. Bên cạnh đó, người dân nhận tiền bồi thường với giá ngang bằng, thậm chí cao hơn giá thị trường, đủ để tạo lập cuộc sống mới đàng hoàng, sung túc hơn cuộc sống hiện tại thì họ sẽ ủng hộ.

"Cách làm này đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng thành công. Tôi tin nếu chính quyền TP.HCM quyết tâm làm cũng sẽ thành công" - ông Sơn chia sẻ.