Bình quân mỗi ngày, một người có thể thu được từ 20 - 40 kg đót tươi. Đót năm nay khá đẹp vì thế giá bán nhỉnh hơn mọi năm, dao động từ 6.000 - 8.000 đồng/kg tươi.
Một yếu tố khác khiến đót tăng giá là vì đót tự nhiên ngày càng hiếm do diện tích rừng trồng tăng nhanh, không còn chỗ cho đót mọc nữa. Anh Đinh Văn Krô, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Vinh cho hay, cây đót là một loại cây rừng mọc tự nhiên, dùng làm chổi quét nhà.
Năm nay, thời gian nghỉ Tết dài không lên rừng lên rẫy nên bà con có nhiều thời gian chặt, hái đót. Điểm đáng chú ý là một số hộ ý thức được việc nguồn đót cạn kiệt dần nên đã trồng đót và nhờ sở hữu những rẫy đót trồng nên họ có thêm một nguồn thu tốt. Tuy nhiên những hộ như thế ở An Lão chưa nhiều.
Trồng đót đến năm thứ 3 là có thể thu hoạch với mức khoảng 0,5 tấn/ha, thu nhập hơn 25 triệu đồng. Trong khi đó, 1 ha keo nguyên liệu giấy sau 5 năm trồng mới thu hoạch, lúc được giá thì thu khoảng 50 triệu đồng. Ưu thế của cây đót là chỉ trồng một lần, gần như không cần chăm sóc và thu hoạch lâu dài. Những chân đất trồng đót ít bị xói mòn hơn.
Các thương lái miền xuôi cũng tranh thủ gom đót từ người dân để phơi khô bán lại cho các cơ sở làm chổi, cơ sở xây dựng. Mỗi cơ sở mua gom trung bình mỗi ngày được 100 - 300 kg đót. Nhờ tiết trời nắng ráo thuận lợi, nên chất lượng đót khá tốt.
Bà Võ Thị Dung, chủ cơ sở thu mua đót tại thôn Tân Lập, xã An Tân, chia sẻ: “Tôi đã gắn bó với nghề thu mua đót hơn 10 năm nay. Với đót rừng, nắng chừng nào thì tốt chừng nấy vì thường người ta mua người ta coi cái bông đót, nếu trắng trẻo thì có giá cao còn ngược lại đen, mốc (gặp mưa không khô được) giá thấp. Từ đầu vụ đến nay, tôi mua gom được hơn 1 tấn đót, ít hơn năm ngoái gần 40%”.