Theo ông Đặng Hoa Nam:
Thứ nhất, về đạo đức xã hội, tình mẫu tử, mẹ không bao giờ bỏ rơi, vứt bỏ chính đứa con của mình. Ngày xưa phụ nữ hoặc con gái trót lầm lỡ bụng mang dạ chửa khi bỏ con, họ để trong làn, rổ… lót chăn đệm êm ấm.
Có người mẹ rứt ruột chuẩn bị sẵn hộp sữa nóng rồi để ở những vị trí người khác có thể phát hiện ngay như cổng chùa, cổng chợ, cửa trung tâm cô nhi viện... Họ nán lại rình xem ai đó phát hiện cưu mang con mình rồi mới bỏ đi.
Thế nhưng, hiện tại đã xảy ra không ít vụ cháu bé, thai nhi bị vứt bỏ không thương tiếc, mọi nơi, mọi chỗ… Xét về góc độ đạo đức thì đây là những việc làm khó chấp nhận. Có thể, bây giờ phương tiện truyền thông phát triển nên những vụ việc đau lòng liên quan đến vứt bỏ thai nhi nhiều hơn so với trước đây. Tuy nhiên, tần suất xuất hiện tình trạng vứt thai nhi, vứt con một cách không thương tiếc nhiều như vậy rõ ràng là vấn đề đạo đức xã hội.
Thứ hai, chúng ta phải làm rõ vấn đề về kỹ năng sống, phòng ngừa từ xa. Nhiều người chưa có kiến thức kỹ năng về hôn nhân, tình yêu, quan hệ tình dục, giới tính…
Những kiến thức này các Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên… đã triển khai rất nhiều trong việc giáo dục giới tính mà đối tượng là chị em phụ nữ, nữ sinh viên…
Chúng ta cần phải xem xét lại hiệu quả của chương trình này sao cho phù hợp, để mọi người có nhận thức, phòng ngừa tránh mang thai ngoài ý muốn, hạn chế tình trạng nạo phá thai, dẫn đến những vụ vứt bỏ thai nhi đáng tiếc như vậy.
Thứ ba, phải có dịch vụ xã hội. Ở đâu đó có dịch vụ này nhưng chưa phổ biến, nhiều chị em phụ nữ chưa biết đến. Ví dụ có nơi tiếp nhận những trường hợp chót mang thai, vì hoàn cảnh nào đó không muốn nạo phá thai đến đó để được tư vấn chăm sóc thai nhi, để có thể sinh con, làm thủ tục cho con… một cách đúng pháp luật, nhằm đảm bảo sức khoẻ tính mạng của bà mẹ cũng như những đứa trẻ đó.
Một số tổ chức xã hội đang muốn phát triển như Hội phụ nữ, một số cơ quan truyền thông đang muốn phổ biến dịch vụ này. Nhiều cá nhân có tấm lòng nhân đạo nhưng làm việc một cách tự phát, việc đó cần phải vừa bài bản, kín đáo, bảo vệ những đối tượng sử dụng dịch vụ này.
Việt Nam vẫn bị xếp là quốc gia có tình trạng nạo phá thai thuộc nhóm cao trên thế giới. Không ai khuyến khích các biện pháp nạo phá thai vì rất ảnh hưởng đến sức khoẻ sinh sản, sức khoẻ nói chung của người phụ nữ sau này. Chính vì vậy phải truyền thông vấn đề này một cách quyết liệt hơn nữa, giúp phòng ngừa tốt hơn thay vì nạo phá thai.
Theo Quyết định 4128 ban hành năm 2016 của Bộ Y tế, tất cả hành vi phá thai trên 22 tuần tuổi đều vi phạm pháp luật, trừ một số trường hợp cần cứu phụ nữ khi thai nghén đe dọa tính mạng, do thai nhi bất thường, bị dị tật bẩm sinh có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của đứa trẻ sau này. Thế nhưng thực tế, không ít phòng khám tư nhân vẫn quyết can thiệp phá thai nhiều tháng tuổi. Theo ông vì sao?
Đây là vấn đề liên quan đến việc quản lý các cơ sở, phòng khám chữa bệnh. Trách nhiệm trước hết thuộc về ngành y tế, chính quyền địa phương. Chúng ta phải tăng cường thanh tra kiểm tra, để làm rõ cơ sở khám chữa bệnh có phép hay không phép, có phép rồi hoạt động có đúng phép không, tiêu chuẩn, chuyên môn, thiết bị…. có đảm bảo không... Đừng để mất bò mới lo làm chuồng.
Theo ông, nhiều vụ vứt bỏ thai nhi có đến từ việc do người ta không sợ bị pháp luật xử lý?
Phải nói rõ, trẻ em có quyền được sống. Một cháu bé sinh ra có quyền được khai sinh để trở thành công dân, quyền được chăm sóc để có sức khoẻ, được bảo toàn tính mạng.
Pháp luật cũng đã xử lý những hành vi vứt bỏ thai nhi, xử lý nhiều vụ bà mẹ bỏ con mới sinh.
Những hành vi bỏ rơi các cháu bé trong khe tường, bỏ xuống hố giữa trời nắng, hay vụ vứt bỏ con từ tầng 31 chung cư HH Linh Đàm…, thực sự là quá dã man.
Bởi vậy theo tôi, một mặt cần tăng cường vấn đề đạo đức xã hội, nhưng cũng đồng thời tăng cường thực thi pháp luật để mang tính chất giáo dục, răn đe… không để xảy ra những trường hợp tương tự.
Trên một số trang mạng xã hội, có hai luồng ý kiến tranh luận về việc phụ nữ lỗi lầm vứt bỏ con mình. Có ý kiến cần xử lý thật nghiêm khắc, cũng có ý kiến bênh vực. Ông nghĩ sao?
Đúng vậy, ý kiến bênh vực thì cho rằng, xã hội cần chia sẻ với chị em, giúp họ vượt qua lỗi lầm khi mang thai, sinh nở ngoài ý muốn dẫn đến hiện tượng trầm cảm, sang trấn về tâm lý.
Tuy nhiên về mặt góc độ pháp luật, nếu mẹ mà để con mình sa vào tình trạng nguy hiểm, cướp đi mạng sống của cháu bé thì đó đã vi phạm đạo đức xã hội, vi phạm thuần phong mĩ tục và cả pháp luật nữa.
Chúng ta nên có biện pháp hài hoà, có trách nhiệm giáo dục, tư vấn xã hội, hỗ trợ sinh sản, đồng thời cơ quan pháp luật cũng phải làm nghiêm. Phải điều tra đến nơi đến chốn, truy tìm tận gốc hành vi bỏ rơi con.
Ngoài cơ quan nhà nước, đoàn thể, những năm qua còn có không ít cá nhân hay một nhóm người tự phát thu gom, chôn cất thai nhi, chăm sóc những bà mẹ bầu sinh con. Ông thấy thế nào về việc làm này?
Trước hết, tấm lòng thiện nguyện này rất đáng khen ngợi. Về phía các cơ quan nhà nước, chính trị xã hội, tôi nghĩ phải ủng hộ họ để có thể hỗ trợ cho các đối tượng bao gồm phụ nữ và trẻ em một cách hợp lý bài bản hơn.
Chúng ta cần biểu dương những người đứng ra thu gom thai nhi, hỗ trợ chăm sóc phụ nữ lầm lỡ…, cùng với họ, giúp họ để phát triển thành dịch vụ xã hội hỗ trợ, giúp đỡ tốt nhất có thể. Từ đó, sẽ không còn những sinh linh vô tội bị chối bỏ khỏi cuộc đời này...
Xin cảm ơn ông!