Hành trình nhặt hơn 40.000 xác thai nhi: Nước mắt muộn màng của những người mẹ (bài 2)
Gia Khiêm
Thứ sáu, ngày 19/03/2021 06:00 AM (GMT+7)
Nâng trên tay những hài nhi xấu số, Nguyễn Trọng Đạo nhẹ nhàng lau rửa rồi cùng mọi người tổ chức an táng cho các con. Nơi các con nằm cũng chính là nơi đã chứng kiến bao giọt nước mắt muộn màng lăn xuống từ những người mẹ...
Hành trình nhặt xác thai nhi thực tế mới chỉ là công đoạn đầu cho toàn bộ công việc lo hậu sự các sinh linh. Tiếp câu chuyện của Nguyễn Trọng Đạo (22 tuổi, quê Nam Định), cậu cho biết, những thai nhi sau khi được thu gom về nhà, Đạo lặng lẽ tắm rửa, gói ghém từng bé vào vải xô trắng đựng trong hộp nhựa vào cuối mỗi ngày trước khi bảo quản trong chiếc tủ đông kê ở một góc phòng trọ.
Cậu bảo, trước đây gia đình không biết công việc thầm lặng mình làm. Người thân chỉ muốn Đạo tập trung vào việc học tập, sự nghiệp sau này. Thế nhưng, hằng ngày chứng kiến, lo nghĩ đến số phận những sinh linh tội nghiệp không được thu gom an táng trọn vẹn, Đạo không đành lòng. Sau này, khi biết cậu âm thầm làm rồi cùng mọi người an táng cho các cháu bé xấu số, người thân trong gia đình đã ủng hộ.
"Chiếc tủ lạnh to đặt trong nhà trọ được những tấm lòng thiện nguyện mua tặng để tôi đặt các con. Trước đó, tôi dùng thùng xốp đựng đá để đặt tạm các con. Tôi không nhớ mình đã ngất đi bao nhiêu lần mỗi khi làm công việc này. Có những hôm mùi xác bốc lên nồng nặc do để quá lâu khiến tôi cứ thế lịm đi. Cho đến khi tỉnh dậy, tôi mới biết mình đã bị ngất. Một lúc sau, chờ trấn tĩnh rồi tôi mới có thể tiếp tục tắm cho các con", Đạo kể.
Điều đặc biệt, trong ba lô của Đạo lúc nào cũng mang theo bình oxy với mong muốn gặp những trường hợp còn hi vọng sống sót. Trên hành trình nhiều tháng trời, đã có lần cậu cùng bạn gái đã mừng thầm khi tìm thấy được bé còn cơ hội sống. Khi đó, Đạo cùng các bạn lập tức đưa bé vào bệnh viện để cấp cứu. Tuy nhiên, có bé chỉ sống được một ngày, nhiều nhất cũng chỉ được một tuần.
Gắn bó với công việc này, ban đầu Đạo cũng vô cùng lo sợ. Tuy nhiên, làm lâu dài khiến trái tim cậu trở nên "sắt đá". Đạo nghĩ, nếu mình sợ thì ai làm được công việc này.
Với Đạo, điều cậu cảm thấy sợ, cảm thấy lạnh không còn là việc lo hậu sự cho các thai nhi mà lại là khi nghĩ đến sự vô tâm của những người mẹ nỡ hủy hoại con mình. Những hài nhi đã phát triển nhưng bị tước đoạt sinh mạng.
"Lúc đầu khi bắt đầu công việc này, tối đóng cửa lại một mình trong nhà trọ bên cạnh xác thai nhi, tôi cũng sợ lắm. Nhiều hôm tôi cũng bị mất ngủ. Thế nhưng có người động viên tôi bảo mình làm phúc thì có gì phải sợ. Dần dần gắn bó cũng thành quen", Đạo cho hay.
Càng thương, càng xót xa, Đạo và cùng nhóm các tình nguyện viên của mình càng cố gắng đi đến nhiều địa điểm gom các bé lại, tìm cho các bé một nơi an nghỉ tử tế để các con đỡ tủi hờn. Với những thai nhi chưa thành hình mà chỉ là những giọt máu đỏ hỏn, Đạo đựng trong các chai thủy tinh. Những thai thi đã già ngày bị ép sinh non, nếu các bộ phận không được liền, Đạo khâu lại, tắm nước thơm cho các con trước khi gói lại, đánh số và tự đặt tên cho các con.
Không ít lần chính tay Đạo phải vuốt mắt cho những sinh linh tím ngắt để các con ra đi thanh thản. Những đôi mắt ấy cứ ám ảnh Đạo mãi, như một sự tiếc nuối hành trình làm người dang dở...
Nước mắt xót xa và nỗi ân hận của những người mẹ
Cứ 1, 2 tuần, khi những thi thể thai nhi đã chất đầy tủ đông, nhóm tình nguyện lại có một cuộc hành trình dài hơn 100km đưa các bé về quê Hải Hậu, Nam Định chôn cất. Trung bình, mỗi chuyến chôn cất 400-500 thai nhi.
Những chiếc tiểu sành với những mảnh vải xô, nhành cúc trắng bên ngọn nến là khu mộ chung của hàng nghìn thai nhi được an táng trong lòng đất mẹ.
Những buổi tổ chức chôn cất tập thể cho các thai nhi xấu số được diễn ra trang trọng. Ai nấy đều đau buồn trước tình cảnh ngày nào cũng có số phận tội nghiệp bị từ chối tồn tại trên cõi đời này. Đạo cũng không ít lần chứng kiến cảnh tượng những người mẹ trẻ biết con mình được chôn tại nghĩa trang này đã lặng lẽ đến dâng hương, bật khóc.
Đạo nhớ lần có một người mẹ bất ngờ lao đến, khuỵu xuống, ôm chặt chiếc tiểu sành, giọng lạc đi: "Mẹ xin lỗi con, con an nghỉ nhé, đừng giận mẹ. Mẹ mãi nhớ về con, tha lỗi cho mẹ".
Đạo kể, chỉ vì cãi nhau với người thân trong một phút nóng giận, quẫn trí không kiềm chế được, người phụ nữ này đã đến phòng khám tư bỏ đứa con đang mang trong bụng. Để rồi sau đó, chính họ phải chịu nỗi đau dày vò, uất giận bản thân.
Có lần, Đạo chứng kiến một cặp đôi đã tìm đến tận nghĩa trang thắp hương cho đứa con của mình. Khi tìm hiểu cậu mới biết cả hai đang là sinh viên.
"Khi ấy, cả hai cùng xin lỗi chính đứa con của mình. Trước đó, họ cũng nhờ chúng tôi chôn cất cho cháu bé. Họ chia sẻ vì cả hai còn đi học nên đã không giữ được con mình. Cứ dịp ngày lễ, Tết, họ lại lui về đây thắp hương cho các cháu. Dù thế nào theo tôi cũng nên có biện pháp phòng tránh khi quan hệ thay vì chối bỏ những sinh linh tội nghiệp", Đạo chia sẻ.
Sự sống đâm chồi sau những nỗi đau thai nhi
Đã 4 năm trôi qua trên hành trình nhặt xác thai nhi, Đạo cũng đã cùng mọi người cứu sống được không ít sinh mạng. Bằng những kiến thức và kinh nghiệm thực tế, Đạo và các bạn đã tư vấn, giúp đỡ cho nhiều người mẹ lầm lỡ.
"Nhiều phòng khám khi có người muốn phá thai nhi đã lớn, họ gọi chúng tôi đến thuyết phục những bà mẹ bầu này giữ con lại. Nếu họ có chuyện khó nói hoặc không muốn để ai biết nhằm không ảnh hưởng đến cuộc sống sau này, chúng tôi đưa họ về ngôi nhà chung.
Tại đây họ được yêu thương, che chở, đùm bọc để các cháu được chào đời. Sau này, nếu có cơ hội, những bà mẹ ấy có thể đến đón con của mình. Qua những buổi trò chuyện trực tiếp, chúng tôi tìm cách tác động, khuyên những người mẹ từ bỏ ý định dại dột, hãy yêu và thương những đứa trẻ vô tội trong bụng", Đạo nói.
Rất nhiều bà mẹ có ý định phá thai sau khi được khuyên nhủ đã giữ lại đứa bé và nuôi chúng. Có lần, nhận được cuộc gọi cầu cứu, Đạo vội vã chạy xe đến một địa chỉ ở Hà Nội. Người mẹ với chiếc bụng vượt mặt đang chờ ở đó. Đứa trẻ đã được 35 tuần và chị vừa uống thuốc để sinh non. Cả nhóm vội đưa sản phụ vào bệnh viện, cứu sống được hai mẹ con.
Người mẹ ấy đã có 3 đứa con. Chồng chị mất khi chị mang thai đứa con thứ tư này được 2 tháng và không hề hay biết. Cái thai lớn dần lên, trước áp lực bị nghi ngờ, chị quyết định hủy con đi. May mắn là đứa bé vẫn sống sót. Người mẹ ấy nhờ cậy Câu lạc bộ nuôi con giúp.
Hiện tại, bé gái này đang bình an tại một mái ấm ở Nam Định cùng những đứa trẻ may mắn được nhóm tình nguyện viên cứu sống. Cậu nhớ năm 2018 có một nữ sinh viên chót "bụng mang dạ chửa" nhưng vì giấu không cho gia đình biết. Cô định sau khi sinh con sẽ nhờ mái ấm tình thương nuôi giúp để tiếp tục học hành. Đến ngày sinh cô không biết, nên sau đó sinh con luôn tại nhà trọ rồi người mẹ ngất lịm đi.
Sau khi nhận được thông tin, nhóm của Đạo liền đi xe đến. Lúc này, người mẹ vẫn ôm đứa con trong lòng nhưng khi Đạo kiểm tra thì giật mình vì mọi việc đã quá muộn. Do không được ủ ấm kịp thời sau sinh, bé trai đã qua đời.
"Nhìn cháu bé đã mất trong vòng tay người mẹ nhưng vì người này không có kinh nghiệm tưởng con ngủ khiến chúng tôi thương xót vô cùng. Nhìn con mất mà tội nghiệp lắm", Đạo xúc động.
Hiện mái ấm Nam Phương tại Nam Định đang nuôi dưỡng 8 cháu bé được nhóm thiện nguyện cứu giúp. Mỗi bé là một hoàn cảnh, một câu chuyện, nhưng cùng chung được nhận sự yêu thương, đùm bọc của mọi người.
Đạo cũng thường xuyên ghé về thăm nom, chăm sóc cho các em. Cả nhóm vẫn nỗ lực lo từng hộp sữa, từng bộ quần áo, từng cuốn vở cây bút để các bé đỡ thiệt thòi.
Kết thúc câu chuyện với chúng tôi, Đạo kể, hàng ngày hàng giờ vẫn còn vô số sinh linh tội nghiệp bị chối bỏ khỏi sự sống này. Những sinh linh vô tội không có cơ hội được nhìn thấy ánh mặt trời.
Cậu và mọi người trong nhóm sẽ tiếp tục hành trình ngày qua ngày đi nhặt xác thai nhi chôn cất và cố gắng cứu sống những số phận kém may mắn cho tới khi nào không thể làm nữa mới thôi…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.