Những chiêm nghiệm trong sách đầy giá trị đối với những người đọc cũng đang đi cùng một hành trình với tác giả - dấn thân vào thế giới, những cung đường và câu hỏi về ý nghĩa của sự tồn tại. Tác giả Đinh Hằng viết: "Havana là vậy. Qua bao nhiêu năm, nó vẫn là thành phố mà tôi đã in hằn trong tâm trí. Nó vừa mê hoặc, quyến rũ, vừa suy tàn, đổ nát. Ngay cạnh những khách sạn năm sao xa hoa vừa được trùng tu của phố cổ, là dãy nhà chung cư của dân lao động bản địa đang phai nhạt màu sơn, xuống cấp thảm hại từ ô cửa sổ đến ban công trên tầng.
Ngay cạnh các nhà hàng, quán bar, quán cà phê đắt tiền tấp nập khách du lịch vào ra, là những cửa hàng mậu dịch tem phiếu phát gạo, trứng và thịt cho dân bản địa. Và đối diện ngay bên kia đường thôi, căn nhà đã sụp mất một phần ba vẫn là nơi "an trú" của những hộ gia đình sống ngay bên cạnh phần ban công hay nền nhà đã đổ sập".
Đọc "Người tình Havana", độc giả biết được một số điều ít ai nói tới về Cuba, có được bức tranh gần với thực tế hơn về đất nước này. Và ngay cả khi biết mặt tối của Cuba, người ta vẫn muốn đến đó, vẫn sẵn sàng phải lòng Cuba.
Đinh Hằng chia sẻ, trong hơn 10 năm ngao du, ngang dọc thế giới, cô đã phải lòng nhiều cung đường, nơi chốn, vùng đất. Có những nơi khiến cô phải trở đi trở lại trên dưới chục lần nhưng vẫn không ngừng mê say. Havana là một nơi như thế.
"Tôi đã yêu thành phố này bằng cả tâm hồn mình và thành phố này đã luôn bao dung tôi – một con bé hai mươi sáu tuổi lang bạt bất cần bảy năm trước - trở thành người phụ nữ ba mươi ba tuổi, đã bình thản hơn trước những đến và đi của cuộc đời", cô nhấn mạnh.
"Người tình Havana" là tập sách thứ ba của Đinh Hằng, nối tiếp hai cuốn sách lọt vào top bán chạy nhất: tự truyện - du ký "Quá trẻ để chết: Hành trình nước Mỹ" (2015) và du ký "Chân đi không mỏi: Hành trình Đông Nam Á" (2016).
Đinh Hằng (sinh năm 1987) đã đi nhiều nơi trên thế giới hơn 10 năm. Cô là người thích chụp ảnh, thích lang thang, chuyện trò với người lạ và tò mò ngắm nhìn thế giới.
Tác giả cho biết: "Tôi sống được cuộc đời như mình muốn, tôi hạnh phúc vì sau tất cả, mọi thứ đều ổn theo một nghĩa nào đó. Và quan trọng nhất, tôi vẫn còn sống và thức giấc mỗi ngày để biết ơn vì mình đã được làm người trong kiếp này. Chưa kể còn làm người một cách đường hoàng, hạnh phúc, sống đến tận cùng sự sống của chính mình! Như thế là may mắn quá rồi, phải không? Nên sống đi, sợ gì! Cuộc đời này đáng sống như thể chỉ phí hoài một giây cho thở than, rên rỉ, ganh ghét đố kỵ cũng là quá nhiều!
Tôi đã bước ra khỏi vùng an toàn của đời mình, đầy sợ sệt, mất mát và bất cần. Và ơn trời, dù có những phút giây chênh vênh, tuyệt vọng, nhưng đôi chân tôi đã lì lợm đi hết hành trình đó. Năm ấy vĩnh viễn là cột mốc nơi cuộc đời tôi thay đổi mãi mãi".
"Văn của "Người tình Havana" đẹp, cái đẹp của sự chuẩn xác, chừng mực, giản dị. Đó là giọng văn của một người làm chủ không chỉ ngòi bút của mình, mà quan trọng hơn là làm chủ tâm trí mình. Với cuốn sách này, Đinh Hằng đã tự vượt qua mình cách đây vài năm, về mọi phương diện", nhà văn, dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng nhận xét.