Dân Việt

Hòa Bình: Nông dân vùng này trồng 2 loài cây gì mà các nhà thuốc Đông y tới tấp đặt mua cả lá cả thân?

Hoàng Anh 25/02/2021 13:06 GMT+7
Tận dụng điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng vùng núi cao, thời gian qua, nhiều nông dân xã Ngọc Sơn (huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình) đưa cây dược liệu như cây xạ đen, cây hương nhu…vào trồng thử nghiệm. Cây xạ đen, cây hương nhu được các nhà thuốc Đông y đặt mua cả thân và lá.
Hộ anh Bùi Văn Dực, xóm Bói là 1 trong những hộ đầu tiên trồng cây xạ đen, cây hương nhu đem lại hiệu quả kinh tế cao ở xã Ngọc Sơn (huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình).

Nhiều năm trước, hộ anh Bùi Văn Dực, xóm Bói chỉ biết gắn bó với cây ngô, sắn, năng suất, hiệu quả kinh tế thấp do đặc thù khí hậu khắc nghiệt của địa phương. 

Đã tính chuyển sang các loại cây khác để nâng cao thu nhập nhưng không đem lại hiệu quả, đời sống bấp bênh.

Hòa Bình: Nông dân vùng này trồng 2 loài cây gì mà các nhà thuốc Đông y tới tấp đặt mua cả lá cả thân? - Ảnh 1.

Vườn cây dược liệu, trong đó có trồng cây xạ đen, cây hương nhu của anh Bùi Văn Dực, xóm Bói, xã Ngọc Sơn (huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình) cho thu nhập mỗi đợt thu hoạch trên 10 triệu đồng.

Được tư vấn của cán bộ khuyến nông huyện, có cơ hội thăm quan mô hình trong và ngoài tỉnh, tìm hiểu kỹ thuật trồng cây dược liệu, chăm sóc qua sách báo, mạng internet, anh Dực đã trồng thử nghiệm cây xạ đen, hương nhu.

Anh Dực nhận thấy cây xạ đen, cây hương nhu là những loại cây chịu hạn, chịu được thời tiết lạnh giá khắc nghiệt tại địa phương, sinh trưởng mạnh, hứa hẹn đem lại tiềm năng phát triển kinh tế.

Từ những hiệu quả kinh tế bước đầu, một số hộ dân xóm Bói đã đề xuất, thành lập HTX Minh Dực vào tháng 7/2019 gồm 8 thành viên, do anh Bùi Văn Dực làm chủ nhiệm chuyên sản, trồng cây dược liệu, trong đó có trồng cây xạ đen, cây hương nhu với diện tích trên 10 ha.

Anh Dực chia sẻ: "Vườn nhà tôi trồng 2.000 m2 các loại cây dược liệu gần 2 năm nay, đã cho thu hoạch 3 đợt, sản lượng một đợt thu hoạch trên 5 tạ (tươi), phơi khô còn 3 tạ. Các loại cây dược liệu dễ trồng, đặc tính dược học cao nên ít gặp sâu bệnh...".

Theo anh Dực, như cây xạ đen hầu như không phải tốn công chăm sóc, tưới nước, tỉa cành, chỉ cần bón phân vào các gốc cây.

Có thể tận dụng trồng cây xạ đen ở những diện tích đất khó trồng cấy. Nhiều nhà thuốc Đông y trong và ngoài địa bàn hỏi mua lá, thân cây xạ đen, cây hương nhu.

Anh Dực bán lá, thân cây xạ đen, cây hương nhu với 2.000 - 5.000 đồng/kg tươi, 35.000 - 40.000 đồng/kg khô. 

Sau khi trừ chi phí, thu, anh Dực về hơn 10 triệu đồng/đợt, hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với các loại cây trồng khác. 

Hiện, toàn xã Ngọc Sơn có trên 15 ha trồng cây xạ đen, 4,1 ha trồng hương nhu. Trồng nhiều cây xạ đen, cây hương nhu nhất là ở xóm Bói (gần 30 hộ). 

Cây xạ đen, cây hương nhu với khả năng thích ứng tốt trong điều kiện thời tiết khô hạn, dễ trồng, thời gian thu hoạch ngắn.

Trồng 2 loài cây dược liệu này không đòi hỏi kỹ thuật cao, tốn ít công chăm sóc, có nhiều công dụng quý trong y học.

Vì vậy, nhiều hộ nông dân xóm Bói đã chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả, những thửa đất cằn, khó canh tác sang trồng cây dược liệu, trong đó có trồng cây xạ đen, trồng cây hương nhu.

Đầu ra các loại cây dược liệu, nhất là cây xạ đen tương đối ổn định, nhiều hộ được nhà thuốc Đông y đặt tiền cọc trước, mua cả vườn, đem lại nguồn thu nhập thêm đáng kể. 

Ngoài cây xạ đen và cây hương nhu, HTX Minh Dực đang trồng thử nghiệm hơn 70 loại cây dược liệu khác như hoàng đằng, khôi nhung, tam thất, sâm cau…trên diện tích trên 7.000 m2.

HTX Minh Dực tiếp tục đánh giá tiềm năng, đa dạng sản phẩm cây dược liệu, góp phần bảo tồn các giống cây dược liệu quý, chủ động được nguồn cây dược liệu giống, giảm chi phí sản xuất.

Đồng chí Bùi Văn Trúc, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Sơn (huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình) cho biết: "Thời gian qua, Đảng ủy, chính quyền xã tập trung chỉ đạo người dân đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả, sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như cây dược liệu, phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương....".

Theo ông Trúc, bên cạnh cây xạ đen, cây hương nhu được trồng tại xóm Bói, nếu tiếp tục có hiệu quả, xã sẽ nhân rộng triển khai trên nhiều xóm khác từ 40-50 ha.

Xã hỗ trợ vốn vay trồng cây dược liệu, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, mời cán bộ khuyến nông, người có kinh nghiệm trồng cây dược liệu trực tiếp hướng dẫn người dân để mô hình đem lại hiệu quả cao nhất...

Theo đánh giá, Ngọc Sơn có điều kiện thuận lợi để phát triển trồng cây dược liệu, trong đó có cây xạ đen, cây hương nhu ở quy mô lớn, biến những khó khăn về nước tưới, khí hậu lạnh, thổ hưỡng kém màu mỡ thành lợi thế.

Việc phát triển cây dược liệu vừa góp phần nâng cao thu nhập, mở lối thoát nghèo cho người dân, vừa bảo vệ môi trường, hạn chế các loại thuốc bảo vệ thực vật, góp phần bảo tồn các giống cây dược liệu quý trong tự nhiên.