Dịch Covid -19 kéo dài khiến tình hình kinh tế trở nên khó khăn, số lượng việc làm bị thu hẹp, người lao động thất nghiệp nhiều. Chính vì vậy, lao động cần nắm được thông tin điều kiện, cũng như cách tính bảo hiểm thất nghiệp để đảm bảo quyền lợi của bản thân.
Khoản 1, Điều 50 Luật Việc làm quy định: Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp. Tuy nhiên, mức hưởng tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, hoặc không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng đóng bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
Khoản 2, điều 8, Nghị định 115/2015 quy định: Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm được tính như sau:
1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014.
2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ sau năm 2014.
Trường hợp thời gian đóng BHXH chưa đủ một năm thì mức hưởng BHXH bằng số tiền đã đóng, mức tối đa bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
"Theo con số của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), cả nước hiện có gần 13,3 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, bằng 27,5% lực lượng lao động trong độ tuổi. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, số người đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp trong năm 2020 lên tới gần 1,1 triệu người, tăng 32,3% so với năm 2019.
Ngoài được hưởng quyền lợi như: Nhận tiền trợ cấp thất nghiệp hàng tháng, lao động còn được tư vấn việc làm, hỗ trợ học nghề. Tuy nhiên số lao động học nghề còn quá thấp chỉ chiếm hơn 1% tổng số người được hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Nguyên nhân là bởi mức hỗ trợ học nghề thấp, số nghề được hỗ trợ chưa đa dạng, mới tập trung dạy sơ cấp. Hiện tại Bộ LĐTBXH đang dự thảo tờ trình gửi Chính phủ để nâng mức tiền hỗ trợ học nghề cho lao động thất nghiệp".
Lãnh đạo Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH)
Như vậy, tiền lương để tính hưởng trợ cấp thất nghiệp là bình quân 6 tháng cuối cùng trước khi nghỉ việc, mức tiền lương tính bảo hiểm xã hội một lần là bình quân cả quá trình đóng BHXH.
Nhưng tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương, do Nhà nước quy định hoặc không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương, do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.
Theo đó, công thức tính mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng như sau:
Mức hưởng trợ cấp hàng tháng = 60% x Mức bình quân tiền lương của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp.
Với lao động và công chức, viên chức, người lao động khu vực Nhà nước, mức hưởng bảo hiểm thất nghiệp được tính như sau:
Mức lương cơ sở năm 2021 là 1,49 triệu đồng/tháng theo quy định tại Nghị định số 38 năm 2019 của Chính phủ nên mức trợ cấp thất nghiệp tối đa là 5,0 x 1,49 triệu đồng/tháng = 7,45 triệu đồng/tháng.
Với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định (doanh nghiệp), mức hưởng không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng.
Trong đó, căn cứ phương án đã trình Chính phủ xem xét, quyết định có nhiều khả năng lương tối thiểu vùng năm 2021 vẫn giữ nguyên như năm 2020 và thực hiện theo quy định tại Nghị định 90/2019/NĐ-CP.
Vậy, mức lương tối thiểu vùng năm 2021 tương ứng với số tiền bảo hiểm thất nghiệp được nhận như sau:
Vùng I: Mức lương tối thiểu là 4,42 triệu đồng/tháng. Mức trợ cấp thất nghiệp tối đa là 22,1 triệu đồng/tháng.
Vùng II: Mức lương tối thiểu là 3,92 triệu đồng/tháng. Mức trợ cấp thất nghiệp tối đa là 19,6 triệu đồng/tháng.
Vùng III: Mức lương tối thiểu là 3,43 triệu đồng/tháng. Mức trợ cấp thất nghiệp tối đa là 17,15 triệu đồng/tháng.
Vùng IV: 3,07 triệu đồng/tháng. Mức trợ cấp thất nghiệp tối đa là 15,35 triệu đồng/tháng.
Như vậy, người lao động đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp có thể được nhận tiền trợ cấp tối đa lên đến hơn 22 triệu đồng/tháng vào năm 2021.