Cách đây khoảng 2 tháng, đoàn công tác của lãnh đạo tỉnh Bình Phước có buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ tại Hà Nội. Trong buổi làm việc này, lãnh đạo tỉnh Bình Phước đã có kiến nghị đến Chính phủ cho phép nâng cấp đường ĐT 753, xây dựng lại cầu Mã Đà, nhằm nối kết tỉnh Bình Phước gần hơn Cảng hàng không quốc tế Long Thành, tỉnh Đồng Nai trong tương lai.
Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương trên và giao Bộ Giao thông – Vận tải phổi hợp cùng địa phương xem xét, xây dựng kế hoạch, phương án… Thông tin này đã được công luận đưa tin rộng rãi. Lập tức, mỗi ngày đã xuất hiện hàng trăm ô tô từ khắp nơi đổ về khu vực ấp Thạch Màng, xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước – nơi có tuyến đường ĐT 753 và cầu Mã Đà.
Nhiều người đã hỏi thăm mua đất dọc 2 ven đường ĐT 753, khiến đất đai ấp Thạch Màng tăng giá vùn vụt, gấp 2 -5 lần. Suốt nửa tháng, sốt đất xôn xao cả vùng quê Thạch Màng, Suối Nhung, Mã Đà… vốn rất bình yên.
Không rõ có bao nhiêu người được hưởng lợi thật sự nhờ cú sốt giá đất bất thường trên; nhưng trên thực tế, đã có trường hợp anh T.V.T bị nhóm "lướt ván, lướt song" đe kiện ra tòa.
Có 1.000 m2 đất mặt tiền đường ĐT 753. Trong cơn sốt đất vì sân bay Long Thành, anh T. nhận đặt cọc 100 triệu đồng để bán lô đất trên, với giá bán là 1,1 tỷ đồng cho một nhà đầu tư là bà L.T.Thủy (trú thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương).
Sau 2 tháng vẫn không thấy bà Thủy lên tiếp tục trả tiền mua đất; trong khi đó, xuất hiện một nhà đầu tư khác, cũng từ Bình Dương lên hỏi mua đất là ông N.V.H. Ông H. trả giá lô đất của ông T. là 1,8 tỷ đồng.
Thấy giá bán cho ông H. hơn giá bán cho bà T. tới 700 triệu đồng, trong khi bà Thủy không thấy tăm hơi đâu, anh T. liền bán lô đất cho ông H. và nhận cọc 300 triệu đồng.
Vài ngày sau, anh T. đã bị bà Thủy kiện ra Tòa án nhân dân huyện Đồng Phú, với hành vi "1 lô đất bán cho 2 người". Đồng thời, anh T. cũng bị ông H. đòi phạt tiền cọc gấp đôi, do quá thời hạn không tiếp tục thực hiện thủ tục chuyển nhượng đất như đã cam kết (thực tế là do đơn kiện của bà Thủy, anh t. không thể làm thủ tục chuyển nhượng cho ông H.). Mức phạt gấp đôi tiền đặt cọc là 600 triệu đồng…
Có người cho rằng, anh T. đã bị chính các "cò" đất, nhà đầu tư "lướt ván" từ nơi khác về, cho vô bẫy, không đường thoát. Bà Thủy và ông H. đều cùng nhóm với nhau, thổi giá, tạo ra kịch bản mua - bán, kẻ mua trước, người mua sau, đưa anh T. sập bẫy để nhằm trục lợi hàng trăm triệu đồng.
Những ngày gần đây, hiện tượng bất bình thường trên lại tái diễn ở xã An Khương, huyện Hớn Quản; sau khi có tin Chính phủ giao Bộ Giao thông – Vận tải chủ trì, phối hợp với bộ Quốc phòng, các bộ ngành liên quan và UBND tỉnh Bình Phước khảo sát, trình Chính phủ xem xét đưa vào quy hoạch sân bay Technic (cũ), thành sân bay lưỡng dụng.
Trong 3 ngày qua (24, 25 và 26/2/2021), hàng trăm ô tổ mang biển kiểm soát Bình Dương, TP.HCM… đổ về huyện Hớn Quản như đi trẩy hội. Mỗi ngày, có hàng trăm người hỏi mua đất, cò đất đông như quân Nguyên… Lập tức, giá đất ở 2 xã An Khương và Tân Lợi - khu vực gần sân bay Technic tăng giá hàng chục lần. Sốt đất hiện đang náo loạn cả vùng quê 2 xã An Khương và Tân Lợi.
Thế nhưng, một cán bộ ngành tài nguyên – môi trường huyện Hớn Quản cho biết: Sốt đất chủ yếu do "cò đất" thổi giá thông qua hình thức "đặt cọc", sang tay nhanh. Chẳng có ai mua đất để nhằm sinh sống lâu dài ở đây cả.
Thí dụ: Ông A bán mảnh đất cho người B giá 5 tỷ đồng. Người B đặt cọc cho ông A 1 tỷ đồng. Sau đó có người C vào hỏi ông A mảnh đất trên và mua với giá 10 tỷ (cao hơn 5 tỷ) và yêu cầu ông A "bẻ cọc" đối với người B, người C sẽ tạm ứng cho ông A 200 triệu đồng.
Hẹn vài ngày, một tháng sẽ đặt cọc thêm và làm thủ tục. Như vậy, nếu ông A "bẻ cọc" sẽ phải bồi thường cho người B gấp đôi; thậm chí gấp ba số tiền cọc, là 2 tỷ đến 3 tỷ đồng. Người C sau khi tạm ứng, viết giấy hẹn nhưng sẽ không quay lại, vì người C là người thân, "đồng bọn" với người B.
Ông A tự nhiên mất 800 triệu đến 1,8 tỷ đồng bồi thường tiền "bẻ cọc" cho người A. Trong tình huống này, thậm chí có thêm một, hai người nữa vào hỏi mua và trả giá mảnh đất của ông A cao hơn 10 tỷ đồng nhằm tạo lòng tin cho ông A.
Sau khi lấy được tiền "bẻ cọc" từ ông A, cả người B, C đều đi mất và không liên lạc được. Thủ đoạn này là khá phổ biến của dân "cò đất" hiện nay. Vì vậy, có ai đó ví von rằng "Mua đất sân bay Téc-ních, coi chừng chủ đất bị … téc (lủng) túi tiền, vì "bẻ cọc".
Ngày 25/2, Chủ tịch UBND huyện Hớn Quản Phan Thị Kim Oanh đã ra văn bản chỉ đạo "tăng cường công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng" trên địa bàn huyện Hớn Quản.
UBND huyện Hớn Quản đề nghị các xã, thị trấn tăng cường công tác quản lý về đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn quản lý; thường xuyên kiểm tra, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai, trật tự xây dựng.
Thường xuyên cập nhật, thông tin tuyên truyền cho người dân về chủ trương quy hoạch sân bay Technic, theo đúng tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh để người dân biết, không bị các đối tượng cơ hội đất đai lợi dụng đưa thông tin sai lệch nhằm trục lợi.
Kiểm tra và xử lý nghiêm hành vi tụ tập đông người không có tổ chức, trái phép gây mất trật tự an ninh; tuyên truyền, khuyến cáo người dân không để các đối tượng cơ hội đất lôi kéo, xúi dục bán đất dẫn đến không còn đất sản xuất nông nghiệp, tiềm ẩn nguy cơ đói, nghèo.
Sân bay Technic mới được khảo sát để đưa vào quy hoạch. Còn cụ thể việc quy hoạch, tiến độ, lộ trình thực hiện các bước để tiến tới thi công còn lâu. Những người đầu tư chẳng may mua trúng khu vực không được phép xây dựng hoặc hạn chế xây dựng, là rủi ro rất lớn.
Dự án dù ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xung quanh toàn đất nông nghiệp; nhưng để hút khách, nhiều môi giới, "cò đất" đã vẽ nên viễn cảnh tươi sáng, nào là vị trí đắc địa, ngay cổng sân bay, nào là dịch vụ sau này… như trung tâm thương mại.
Chiêu trò này khiến người mua bị "mờ mắt" mà quên đi một thực tế, là còn rất lâu, viễn cảnh tươi sáng kia mới trở thành hiện thực.