Thành lập 5 vùng sản xuất tập trung
Năm 2020, tổng diện tích gieo trồng toàn huyện Thiệu Hóa (tỉnh Thanh Hóa) đạt 20.355 ha và đã chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác có giá trị đạt 180,77 ha.
Huyện Thiệu Hóa đã hình thành được 5 vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, trong đó có vùng trồng lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao; vùng trồng rau an toàn tập trung, vùng trồng khoay tây, vùng trồng ớt liên kết tập trung và vùng trồng ngô.
Ngoài ra, trong chăn nuôi, huyện Thiệu Hóa cũng có sự chuyển biến rõ nét từ chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, đa dạng hóa các con nuôi, nhất là con nuôi đặc sản có giá trị kinh tế, hạn chế ô nhiễm môi trường.
Qua thống kê, toàn huyện có 37 trang trại đạt chuẩn theo quy định. Các hộ làm trang trại đã xây dựng được 4.850 hầm biogas, 85 công trình đệm lót sinh học xử lý chất thải trong chăn nuôi, cải tạo được tầm vóc đàn bò bằng tinh bò Zebu, bò BBB; thành lập được 2 HTX nuôi trồng thủy sản tạo chuỗi liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm thủy sản của người dân.
Nhiều mô hình thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha/năm
Từ việc khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân chuyển đổi hơn 643 ha đất trồng lúa kém hiệu quả kinh tế sang nuôi, trồng các loại cây, con cho thu nhập cao hơn, như: Dưa chuột, nghệ, bí xanh, bí đỏ, rau, cây dược liệu, cây ăn quả... và xây dựng trang trại tổng hợp lúa - cá, sen - ốc.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, ông Lê Văn Dung (tiểu khu 5, thị trấn Vạn Hà) cho biết: "Gia đình đã chuyển đổi 1.300 m2 đất để lắp đặt hệ thống nhà mạng trồng cây dưa kim hoàng hậu, sau 60-70 ngày là cho thu hoạch dưa. Trừ mọi chi phí, tôi cũng thu lời khoảng 100 triệu đồng/vụ, hiệu quả tăng gấp 5 lần so với trồng cây truyền thống trước kia".
Thiệu Hóa còn chú trọng phát triển sản xuất các cây trồng có giá trị theo hướng tập trung, quy mô lớn, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, cơ giới hóa đồng bộ..., từ đó mang lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất và an toàn cho người tiêu dùng...
Cụ thể, toàn huyện Thiệu Hóa phát triển được 10 mô hình trồng rau an toàn tập trung, với tổng diện tích 30 ha và 43.000m2 mô hình trồng rau trong nhà lưới ở các xã Thiệu Tân, Thiệu Phúc, Thiệu Toán...
Riêng thị trấn Vạn Hà đã xây dựng hơn 25 ha rau an toàn, trong đó 16,7 ha diện tích đã được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGap.
Nếu theo sản xuất truyền thống thì 1ha rau màu tổng thu 300 triệu đồng/năm. Nhưng giờ áp dụng khoa học kỹ thuật (KHKT), trồng rau an toàn thu về 400 triệu đồng/năm...
Ông Phùng Văn Quyết (trú tại tiểu khu 6, thị trấn Vạn Hà) vui mừng nói: "Gia đình tôi làm 3 sào rau màu đã nhiều năm nay nhưng chưa bao giờ đạt tổng doanh thu gần 100 triệu đồng/năm. Lý do các sản phẩm làm ra không tìm được thị trường, việc quảng bá sản phẩm còn hạn chế. Đồng thời, với diện tích nhỏ, chỉ làm manh mún hoạt động riêng lẻ, kỹ thuật áp dụng còn thiếu nên gặp nhiều khó khăn trong canh tác. Giờ con số gần 100 triệu đồng/năm gia đình tôi đã đạt, nhờ tham gia vào HTX rau an toàn Vạn Hà, trồng rau tập trung theo cánh đồng mẫu lớn, mọi người cùng hỗ trợ nhau về kiến thức qua đó bước đầu sản xuất thấy rất hiệu quả".
Để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, UBND huyệnThiệu Hóa đã khuyến khích, tạo điều kiện, hỗ trợ người dân đầu tư xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất. Trong đó phải kể đến mô hình nuôi con "siêu đẻ" bán đắt tiền của ông Vũ Đình Trường xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa (tỉnh Thanh Hóa).
Theo đó, ông Trường đã mạnh dạn thầu 5 ha đất trồng lúa kém hiệu quả để nuôi ốc nhồi. Đối với ốc nhồi thương phẩm hiện gia đình ông đang bán giá từ 80.000-100.000 đồng/kg, trừ chi phí cũng lãi hơn 100 triệu đồng.
Ngoài ra, còn nhiều mô hình đang cho hiệu quả kinh tế cao khác, như mô hình trồng cây ăn quả tập trung, lợi nhuận từ 130 triệu đồng/ha/năm; chăn nuôi thỏ - sản xuất nấm mộc nhĩ - trồng măng tây tập trung của trang trại Trường Thành, lợi nhuận 200 triệu đồng/ha/năm; trồng ngô sinh khối tập trung, lợi nhuận 100 triệu đồng/ha/năm...
Dự án nuôi cá nước ngọt thâm canh theo hướng công nghiệp tại đồng Vước, xã Thiệu Long được thực hiện năm 2019, với diện tích 6 ha chủ yếu nuôi cá chép lai. Nhờ việc áp dụng đúng khoa học kỹ thuật, nuôi cá thâm canh theo hướng công nghiệp, đảm bảo năng suất 10 tấn/ha/năm, thu nhập đạt trên 100-150 triệu đồng/ha/năm.
Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, anh Lê Văn Đức - Giám đốc HTX nông nghiệp và thủy sản Minh Long cho biết: "Mục đích của dự án là giúp các hộ nuôi cá tiếp cận được với các kỹ thuật, hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong phát triển sản xuất, nhằm xây dựng chuỗi cung ứng thủy sản an toàn, và tạo thị trường ổn định".
"Những năm tiếp theo, UBND huyện tiếp tục đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai, tạo điều kiện thuận lợi để hình thành các hình thức liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa người dân với HTX và doanh nghiệp. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến gắn với các vùng nguyên liệu sản xuất các sản phẩm lợi thế, như lúa giống, lúa chất lượng cao, rau an toàn; các sản phẩm chăn nuôi bò, lợn, gia cầm, cá, con nuôi đặc sản...", ông Nguyễn Thế Anh-Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa trao đổi với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN.