Dân Việt

Bí thư Hà Nội Vương Đình Huệ: Tập trung giải quyết 6 vụ phức tạp, không để "cái sảy nảy cái ung"

Thành An 05/03/2021 21:23 GMT+7
Làm việc với Huyện ủy Gia Lâm, ông Vương Đình Huệ - Bí thư thành ủy Hà Nội đặt ra nhiều vấn đề trọng tâm cần tập trung giải quyết.

Xã thành phường thì "ruột" không thể là kinh tế nông thôn

Tại buổi làm việc với Huyện ủy Gia Lâm về kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2020; phương hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 và giải pháp giai đoạn 2021-2025, ngày 5/3, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho rằng hiện nay huyện có tăng trưởng kinh tế cao, thu ngân sách tăng vượt bậc, tốc độ đô thị hóa cao... "Với đà này thì đến năm 2023 Gia Lâm có thể lên quận được", ông Vương Đình Huệ đánh giá.

Bí thư Hà Nội: Tập trung giải quyết 6 vụ phức tạp, không để "cái sảy nảy cái ung" - Ảnh 1.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận buổi làm việc.

Nhắc đến việc Gia Lâm còn thiếu 3 tiêu chí để trở thành quận, Bí thư Hà Nội nhấn mạnh: "Tôi đề nghị các đồng chí cố gắng lên quận một cách đàng hoàng, không được nợ tiêu chí. Đi sau các quận, Gia Lâm sẽ có điều kiện đi thẳng vào phát triển đô thị theo các tiêu chí: Xanh, thông minh, hiện đại, giàu đẹp", ông Vương Đình Huệ nói.     

Để làm theo hướng đó, Bí thư Hà Nội lưu ý, huyện Gia Lâm phải chú trọng giải quyết hài hòa lợi ích, nhất là bài toán sinh kế cho người dân, coi đây là nhiệm vụ chính trị, cần bàn tay của Nhà nước, cần sự lãnh đạo của Đảng.

Trước mắt, huyện Gia Lâm phải rà soát ngay quy hoạch các xã để tính toán lâu dài, gắn với thực hiện các tiêu chí của đô thị; đưa vào cả quy hoạch khai thác không gian ngầm và tránh việc xây dựng hạ tầng manh mún, ngắn hạn, sau khi trở thành quận rồi lại phải "đập đi xây lại".

Đối với nông nghiệp, huyện phải phát triển theo hướng công nghệ cao, giá trị cao; tính toán quy hoạch các vùng sản xuất; kết hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam xây dựng đường hướng phát triển nông nghiệp đô thị cho tương lai.

Theo ông Vương Đình Huệ, quá trình đô thị hóa phải gắn với kinh tế đô thị, ngay từ bây giờ huyện phải tính đến bài toán chợ đêm, trung tâm thương mại, các ngành nghề áp dụng công nghệ 4.0, Fintech (Tài chính - công nghệ).… để phát triển kinh tế đô thị.

"Nếu đô thị hóa nhanh hơn công nghiệp hóa, chuyển đổi nghề nghiệp thì sẽ có những tòa nhà không ai ở. Nhưng nếu đô thị hóa chậm hơn công nghiệp hóa thì xảy ra bất cập về hạ tầng. Tôi đề nghị các đồng chí phải tập trung quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch để khi xã đã thành phường thì cái "ruột" không thể là kinh tế nông thôn nữa. Đừng để xây dựng Gia Lâm thành một quận mới, sau này lại phải đi giải quyết những bài toán trầm kha như phố cổ, phố cũ hiện nay", Bí thư Hà Nội nhấn mạnh.

Huyện lên quận thì cán bộ phải thay đổi tư duy, tầm nhìn

Người đứng đầu Đảng bộ Hà Nội cũng gợi mở huyện Gia Lâm cần lấy văn hóa làm động lực, nền tảng phát triển bền vững. Cùng với đó, chú trọng phát triển du lịch sinh thái gắn với làng nghề, nông nghiệp sinh thái.

Đặc biệt, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ chỉ đạo huyện phải hết sức coi trọng công tác xây dựng Đảng, quản lý đảng viên; trước mắt tập trung, quyết tâm giải quyết dứt điểm 6 vụ việc phức tạp còn lại, không để "cái sảy nảy cái ung"; đồng thời không để phát sinh thêm vụ việc mới.

Ông Vương Đình Huệ yêu cầu huyện tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Huyện trở thành quận thì cán bộ cũng phải thay đổi từ tư duy, hành động đến tầm nhìn.

Trước đó, báo cáo tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Gia Lâm Nguyễn Tiến Việt cho biết, đối với tiêu chuẩn thành quận, huyện Gia Lâm đã đạt 24/27 tiêu chí, còn 3 tiêu chí chưa đạt, gồm: Cân đối thu ngân sách, cơ sở y tế cấp đô thị, mật độ đường giao thông đô thị.

Để phấn đấu hết năm 2023 huyện đáp ứng đủ tiêu chuẩn thành lập quận, huyện Gia Lâm kiến nghị Thành ủy quan tâm, chỉ đạo 4 lĩnh vực: Quy hoạch; đầu tư; quản lý đô thị và phân cấp.

Đáng chú ý, huyện Gia Lâm kiến nghị TP chỉ đạo rà soát, điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô trên địa bàn huyện; phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch, lập, thẩm định và phê duyệt đồ án quy hoạch vùng của huyện; đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đáp ứng tiêu chí thành lập quận, phường giai đoạn 2021-2025.