Xâm nhập mặn mùa khô 2020-2021 ở vùng đồng bằng sông Cửu Long đã diễn ra ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng thấp hơn so với cùng kỳ các năm xâm nhập mặn lịch sử 2015-2016 và 2019-2020.
Mùa khô năm 2020-2021, xâm nhập mặn đã xuất hiện sớm từ ngày 24/1/2021 tại một số cửa sông ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, sớm hơn gần 1 tháng so với trung bình nhiều năm, tương đương so với mùa khô năm 2015-2016, muộn hơn 1,5 tháng so với mùa khô năm 2019- 2020.
Mức độ xâm nhập mặn nhìn chung cao hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ nhưng thấp hơn so với các năm 2016 và 2020, đã xảy ra các đợt xâm nhập mặn sâu, xuất hiện từ ngày 10-14/1/2021, 24-30/1/2021, 12-16/2 và 24/2-2/3/2021.
Theo thông tin từ Ủy hội sông Mê Công quốc tế, hồ chứa thủy điện Cảnh Hồng (Trung Quốc) thực hiện giảm xả nước xuống hạ du từ ngày 5/1/2021 đến ngày 24/1/2021 với lưu lượng giảm khoảng gần 50% so với thời gian trước (còn khoảng 1.000 m3/s).
Tuy nhiên, thực tế mức giảm xả nước đã diễn ra liên lục từ ngày 5/1 cho đến nay. Việc giảm lượng xả thủy điện ở thượng nguồn làm gia tăng xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long.
Dự báo, lưu lượng nước từ thượng nguồn về đồng bằng sông Cửu Long thấp đến giữa tháng 3/2021, sau đó khả năng gia tăng do điều tiết tăng cường từ các hồ chứa thượng lưu (tương tự như một số năm gần đây).
Lưu lượng dòng chảy về bình quân 3 trong tháng 3/2021 qua trạm Kratie đạt khoảng 2.400 m3/s, thấp hơn gần 5% so với tháng 2/2021 (khoảng 2.510 m3/s).
Từ đầu đến giữa tháng 4, ở vùng cửa sông Cửu Long, xâm nhập mặn bắt đầu giảm dần, phạm vi cách biển từ 30-45 km, có nước ngọt khi triều thấp, chân triều; vùng sông Vàm Cỏ và sông Cái Lớn, xâm nhập mặn tiếp tục duy trì ở mức như trong tháng 3.
Từ nửa cuối tháng 4 đến đầu tháng 5, xâm nhập mặn trên sông Vàm Cỏ và sông Cái Lớn bắt đầu giảm; ở vùng các cửa sông Cửu Long, xâm nhập mặn khả năng sẽ giảm nhanh, nguồn nước ngọt xuất hiện khá dồi dào, các vùng 25-30 km trở vào có thể có nước ngọt.
Theo Cục Trồng trọt, tổng diện tích lúa Đông Xuân 2020-2021 là trên 1,5 triệu ha, đến nay đã thu hoạch được 400.000 ha; còn lại các trà lúa trong giai đoạn chín là 490.000 ha; giai đoạn đòng trỗ 524.000 ha; giai đoạn đẻ nhánh 103.000 ha.
So với các năm nguồn nước thuận lợi, thời gian sản xuất vụ Đông Xuân đã được đẩy sớm hơn khoảng 10 ngày.
Trong các đợt xâm nhập mặn đã xảy ra từ đầu năm, một số thời điểm đã ảnh hưởng đến việc lấy nước của các công trình thủy lợi.
Tuy nhiên, do xuất hiện các đợt mưa trái vụ diện rộng ở đồng bằng trong tháng 1 với tổng lượng từ 30-70 mm (từ ngày 5-6/1 và ngày 23-26/1) và trong tháng 2 với tổng lượng từ 10-47 mm (ngày 8-9/2 và 11-12/2).
Bên cạnh đó, các địa phương đã chủ động tích trữ nước cho vườn cây ăn trái: tỉnh Bến Tre đã đào gần 500 ao với dung tích 500 m3 nước/ao, tỉnh Tiền Giang, tại huyện Cai Lậy, nông dân đã đầu tư 1.200 dụng cụ tích nước tưới, trong đó đào 109 ao với dung tích 2.000 m3 nước/ao; các 4 tỉnh Long An, Sóc Trăng, Trà Vinh đã tích nước trong hệ thống kênh, rạch.
Tổng cục Thủy lợi nhận định, đến nay xâm nhập mặn chưa ảnh hưởng đến sản xuất và dân sinh.
Tuy nhiên, với mức độ xâm nhập mặn như dự báo trong tháng 3, tháng 4, cần đề phòng khả năng ảnh hưởng tới 40.000 ha cây ăn trái (Tiền Giang 19.000 ha, Bến Tre 15.000 ha, Vĩnh Long 1.800 ha và Sóc Trăng 3.400 ha) và khoảng 5.000 ha lúa của tỉnh Trà Vinh.
Để ứng phó với xâm nhập mặn, Tổng cục Thủy lợi tiếp tục tổ chức thực hiện việc giám sát, dự báo xâm nhập mặn, nguồn nước cung cấp cho các hệ thống công trình thủy lợi thuộc các lưu vực sông liên tỉnh, chất lượng nước trong các hệ thống công trình thủy lợi để cung cấp thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành cấp nước cho sản xuất nông nghiệp.
Trong thời kỳ triều thấp, khi độ mặn cho phép, các địa phương chủ động vận hành các công trình thuỷ lợi để lấy, tích trữ nước ngọt tối đa vào hệ thống kênh mương, ao đầm, khu trũng phục vụ sản xuất, dân sinh, đặc biệt là tại các vùng cây ăn trái.
Chủ động xuống giống vụ Hè Thu 2021 ở những khu vực chủ động về nguồn nước, các khu vực không chủ động về nguồn nước cần đợi mùa mưa chính vụ để xuống giống.
Xâm nhập mặn sẽ xuất hiện sâu vào các kỳ triều cường 11/3-15/3 và 27/3-31/3.
Ranh mặn 4 g/l được dự báo như sau:
- Sông Vàm Cỏ, phạm vi ảnh hưởng từ 80-85 km, so với năm 2016 thấp hơn từ 3-5 km, so với năm 2020 thấp hơn 5-12 km;
- Sông Cửa Đại, Cửa Tiểu, phạm vi ảnh hưởng từ 50-55 km, sâu hơn năm 2016 từ 2-5 km, thấp hơn năm 2020 từ 6-10 km;
- Sông Hàm Luông, phạm vi ảnh hưởng từ 65-70 km, sâu hơn cùng kỳ năm 2016 từ 3-8 km, thấp hơn năm 2020 từ 8-13 km;
- Sông Cổ Chiên, phạm vi ảnh hưởng từ 50-55 km, thấp hơn năm 2016 từ 3-5km, thấp hơn so với năm 2020 từ 1-3 km;
- Sông Hậu, phạm vi ảnh hưởng từ 51-54 km, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2016 từ 4-6 km, thấp hơn so với năm 2020 từ 1-2 km;
- Sông Cái Lớn, phạm vi ảnh hưởng từ 50-55 km, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2016 từ 10-12 km, thấp hơn so với năm 2020 từ 4-6 km.