Giá lúa gạo đứng ở mức cao, Cục Trồng trọt khẳng định, vụ đông xuân ở ĐBSCL lập kỷ lục
Giá lúa gạo đứng ở mức cao, Cục Trồng trọt khẳng định, vụ đông xuân ở ĐBSCL lập kỷ lục
Anh Thơ (thực hiện)
Thứ năm, ngày 04/03/2021 10:38 AM (GMT+7)
Theo ông Lê Thanh Tùng – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp linh hoạt thích ứng với hạn mặn, vụ đông xuân 2020 – 2021 ở Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục được mùa, giá lúa gạo cao, lợi nhuận lập kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây.
Hiện, các địa phương trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang thu hoạch lúa đông xuân. Theo đánh giá, vụ đông xuân 2020 – 2021 tiếp tục được mùa, giá lúa gạo cũng tương đối cao. Đây là thành tích ấn tượng trong bối cảnh xâm nhập mặn vẫn diễn biến phức tạp. Ông có thể đánh giá sơ bộ về kết quả vụ đông xuân 2020 - 2021?
- Hiện, các địa phương vùng ĐBSCL đã và đang thu hoạch vụ lúa đông xuân 2020 – 2021, ước tính đã được khoảng 1/3 diện tích.
Theo đánh giá ban đầu năng suất, chất lượng lúa vụ đông xuân năm 2020 – 2021 cao hơn hẳn so với vụ trước nhờ chúng ta đã rút ra được những bài học kinh nghiệm trong công tác ứng phó với xâm nhập mặn từ vụ đông xuân 2019 – 2020.
Ước tính, năng suất lúa vụ đông xuân 2020 - 2021 đạt khoảng 6,92 tấn/ha, cao hơn 1 tạ/ha so với vụ trước.
Điều đáng phấn khởi là, giá lúa gạo đông xuân đang được thu mua ở mức cao, từ 6.000 – 6.500 đồng/kg, riêng lúa thơm nhiều loại có giá từ 6.800 – 7.000 đồng/kg, cao hơn 1.500 – 2.000 đồng/kg so với vụ đông xuân 2019 – 2020.
Nhờ đẩy mạnh cơ giới hóa, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật nên chi phí sản xuất vụ này khá thấp. Theo đánh giá của những nông dân đã thu hoạch lúa, vụ này, bà con đạt lợi nhuận cao kỷ lục, 40 – 50 triệu đồng/ha.
Theo ông, trong bối cảnh xâm nhập mặn vẫn diễn ra gay gắt, đâu là nguyên nhân giúp các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục có được một vụ đông xuân thắng lợi?
- Từ những kết quả ấn tượng của vụ lúa đông xuân 2019 – 2020 diễn ra trong bối cảnh xâm nhập mặn cao kỷ lục, dựa trên những dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn cũng như Tổng cục Thủy lợi, Chính phủ, Bộ NNPTNT đã có những chỉ đạo quyết liệt, sát sao ngay từ rất sớm.
Dựa trên dự báo tình hình xâm nhập mặn vụ đông xuân 2020 – 2021 có thể cao hơn năm 2015 – 2016 nhưng thấp hơn vụ đông xuân 2019 – 2020, Bộ NNPTNT, các địa phương đã xây dựng kịch bản rất chi tiết về kế hoạch sản xuất lúa sao cho phù hợp, thích ứng với hạn mặn, dựa trên kinh nghiệm ứng phó từ vụ trước.
Theo đó, phương châm đẩy sớm thời gian xuống giống để né hạn mặn được các địa phương tiếp tục áp dụng, thực hiện nghiêm túc, tránh được những thiệt hại do mặn xâm nhập vào sâu trong nội đồng.
Xuất khẩu gạo 2 tháng đầu năm 2021 ước đạt 608.768 tấn, tương đương 336,18 triệu USD. So với tháng 2/2020 giảm 34,45% về khối lượng và giảm 21,9% về kim ngạch. Giá xuất khẩu gạo tháng 1/2021 đạt trung bình 551,7 USD/tấn, tăng 3,4% so với tháng 12/2020 và tăng 15,4% so với tháng 1/2020.
Có một nét mới trong vụ đông xuân 2020 – 2021 là sự vận hành rất kịp thời và linh hoạt của hệ thống thủy lợi, ví dụ như đưa một phần dự án cống Cái Lớn – Cái Bé vào hoạt động. Ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa của các công trình này?
-Để ứng phó với xâm nhập mặn và tác động của biến đổi khí hậu đối với các tỉnh ĐBSCL, các giải pháp công trình được đặc biệt coi trọng.
Theo đó, hệ thống các công trình thủy lợi được đẩy nhanh tiến độ, phát huy tác dụng bảo vệ những vùng có nguy cơ bị xâm nhập mặn.
Ví dụ như từ đầu tháng 2/2021, UBND tỉnh Kiên Giang đã có văn bản đề nghị Bộ NNPTNT cho vận hành sớm cống Cái Bé để phục vụ ngăn mặn, giữ ngọt trong mùa khô năm 2021.
Thời gian bắt đầu vận hành tạm thời cống Cái Bé bắt đầu từ ngày 4/2 cho đến hết mùa khô năm 2021. Bởi theo dự báo của các cơ quan chuyên môn, mực nước các trạm nội đồng Kiên Giang có xu thế xuống nhanh trong tháng 2 và tháng 3/2021.
Khả năng độ mặn cao nhất năm xuất hiện vào đợt triều cường cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 4/2021, độ mặn cao nhất ở mức tương đương mùa khô năm 2015 – 2016.
Ngoài việc phát huy vai trò của các công trình thủy lợi, các địa phương cũng kết hợp với các biện pháp phi công trình là đẩy thời vụ sớm hơn, sử dụng các giống lúa ngắn ngày kết hợp với các biện pháp kỹ thuật đồng bộ để bảo vệ vườn cây ăn trái; áp dụng giải pháp ủ ẩm để hạn chế thất thoát, tăng tính chống chịu của cây lúa.
Điều quan trọng là, qua mấy mùa hạn mặn, người dân đã có kinh nghiệm chủ động tích nước trong cộng đồng nên dù hạn mặn vẫn khốc liệt nhưng thiệt hại đã giảm đáng kể, thậm chí năng suất, chất lượng lúa còn tăng.
Gạo chất lượng cao lên ngôi
Ngoài các thị trường truyền thống, gạo thơm chất lượng cao đang được ưa chuộng ở nhiều thị trường khó tính như EU, Anh, Hàn Quốc. Kế hoạch sản xuất lúa thơm, lúa chất lượng cao ở ĐBSCL để tiếp tục đáp ứng được nhu cầu của các thị trường, thưa ông?
-Theo dự báo, xuất khẩu gạo năm 2021 vẫn tương đương năm 2020, bởi dự báo của nhiều cơ quan cho thấy, nhu cầu tiêu thụ gạo của thế giới không thay đổi, tổng số lượng cũng không có biến động lớn.
Có một xu hướng mới trong năm nay là nhiều loại gạo thơm, gạo chất lượng cao của Việt Nam tìm được nhiều cơ hội ở các thị trường khó tính như Anh, EU, Hàn Quốc.
Trong chiến lược phát triển lúa gạo của Việt Nam đã xác định, đẩy mạnh sản xuất lúa thơm, lúa chất lượng cao, từng bước chiếm ưu thế trong cơ cấu các giống lúa ở Việt Nam. Hiện, tỷ lệ lúa thơm, lúa chất lượng cao cũng đã chiếm trên 80%.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, nguồn nước về ĐBSCL không theo quy luật, vấn đề sử dụng nước thông minh cần phải được đặt ra. Với ngành trồng trọt, sử dụng nước thông minh được áp dụng như thế nào, thưa ông?
- Hiện, đã có nhiều giải pháp kỹ thuật được đưa ra để thích ứng với vấn đề nguồn nước về ĐBSCL không còn theo quy luật như trước.
Nghị quyết 120 về phát triển bền vững vùng ĐBSCL cũng xác định rõ, cần áp dụng các biện pháp canh tác thích ứng với biến đổi khí hậu.
Cụ thể, bố trí thời vụ hợp lý, đưa các giống cây trồng – vật nuôi có khả năng ứng phó với hạn mặn vào sản xuất; chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi ở những vùng khan hiểm nguồn nước.
Cho đến thời điểm này, nhờ áp dụng đồng bộ các biện pháp, những tác động của xâm nhập mặn dù có nhưng không ảnh hưởng quá lớn đến việc sản xuất của nông dân ĐBSCL.
Xin cảm ơn ông!
Giá lúa gạo hôm nay 4/3 tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có chiều hướng giảm do đang rộ vụ thu hoạch. Tuy nhiên, so với các vụ trước, giá lúa gạo vụ đông xuân 2020 - 2021 vẫn đang ở mức cao.
Tại An Giang, giá lúa tươi IR 50404 dao động từ 6.900 - 7.000; OM 5451 là 7.000 - 7.200 đồng/kg; OM 9577, OM 9582 có giá 7.000 đồng/kg; Đài thơm 8 dao động từ 7.200 - 7.500 đồng/kg; nàng Hoa 9 7.500 - 7.600 đồng/kg; giá nếp vỏ khô 7.600 - 7.900 đồng/kg.
Giá lúa gạo hôm nay tại tỉnh Hậu Giang, Vĩnh Long... dao động từ 6.000-6.500 đồng/kg trở lên. Riêng nhiều loại lúa thơm có giá từ 6.800-7.000 đồng/kg trở lên.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.