Theo đó, UBND tỉnh Quảng Trị có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT, đề nghị xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Hình thức đầu tư này được UBND tỉnh Quảng Trị cho rằng, để đảm bảo cơ sở pháp lý và thuận lợi trong quá trình thực hiện công tác cắm mốc quy hoạch sử dụng đất, giải phóng mặt bằng, triển khai thực hiện dự án; tận dụng các nguồn lực sẵn có của địa phương như quỹ đất sạch, hạ tầng kết nối... và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư sớm hoàn thiện thủ tục đầu tư.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Quảng Trị đề nghị được giao làm Cơ quan nhà nước có thẩm quyền để triển khai thực hiện dự án. Nếu được chấp thuận, UBND tỉnh Quảng Trị cam kết triển khai thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo chất lượng và tiến độ.
Phía tỉnh Quảng Trị phân tích, Quảng Trị là nằm ở trung điểm của đất nước, là điểm đầu trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây về phía Việt Nam, cầu nối thuận lợi trong liên kết hội nhập, hợp tác kinh tế với các nước trong khu vực và quốc tế; có vị trí chiến lược trong việc đảm bảo quốc phòng an ninh.
Hiện nay, du khách đến Quảng Trị tăng đều qua các năm, đạt hơn 2 triệu trong năm 2019. Đặc biệt là du khách đến tham quan, thăm viếng, du lịch tâm linh tại các Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn, đường 9, Thành Cổ Quảng Trị, di tích đôi bờ Hiền Lương Bến Hải, Thánh địa La Vang...
Được biết, sân bay Quảng Trị được Thủ tướng Chính phủ xác định trong Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 236. Bộ GTVT cũng đã phê duyệt Cảng hàng không Quảng Trị là sân bay không nội địa, sân bay dùng chung dân dụng và quân sự.
Quy mô sân bay dân dụng cấp 4C và quân sự cấp II, sân bay Quảng Trị được quy hoạch công suất 1 triệu hành khách/năm và 3.100 tấn hàng hóa/năm, vị trí tại các xã Gio Quang, Gio Mai, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị.
Đến nay, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang lấy ý kiến tham gia của các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan về Quy hoạch Cảng hàng không (sân bay). Trong đó, có đề xuất của các tỉnh góp ý quy hoạch các sân bay tại những địa phương này.
Thông tin về việc quy hoạch mạng lưới sân bay, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết: "Việt Nam đang có 22 cảng hàng không (9 cảng hàng không quốc tế và 13 cảng hàng không nội địa), chưa có cảng hàng không đầu mối lớn trung chuyển mang tầm khu vực thế giới. Tuy nhiên, sân bay Tân Sơn Nhất đang khai thác vượt công suất, nhiều hạng mục chưa được đầu tư nâng cấp, công suất các cảng hàng không cần được cân đối cho sự phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Vì vậy, Bộ GTVT cần lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia, đánh giá về việc xác định các hạng mục đầu tư các cảng hàng không giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2050; Cơ chế vốn đầu tư, con số dự báo, đề xuất của các tỉnh về việc bổ sung các cảng hàng không, các tiêu chí đánh giá thiết lập cảng hàng không mới, chính sách phát triển cho cảng hàng không
Hiện nay, đơn vị thực hiện quy hoạch là Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI), đơn vị này đã tính toán từ hiệu quả kinh tế, kinh nghiệm quốc tế để đưa ra đưa ra 6 tiêu chí chính về sự cần thiết và mức độ khả thi làm sân bay mới bao gồm nhu cầu sản lượng; kinh tế xã hội (tăng GDP, việc làm, thúc đẩy du lịch); an ninh quốc phòng (chiến lược, dự phòng chiến lược); khẩn nguy cứu trợ; điều kiện tự nhiên (vùng trời, tĩnh không, thời tiết, đất đai) và cự ly bố trí (cự ly tới đô thị trung tâm, cự ly tới sân bay lân cận).