Dân Việt

Kiên Giang: Trái xoài đặc sản trồng ở vùng đất này mất giá chưa từng có, nông dân chỉ lo bán tháo

Nguyên Anh-Hương Nguyễn 08/03/2021 19:01 GMT+7
Giá xoài đặc sản hiện tại giảm mạnh gấp 3 lần so với thời điểm trước Tết nguyên đán khiến nhiều nông dân trồng xoài cát Hòa Lộc trên địa bàn huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang phải lao đao vì lỗ nặng.

Bán tháo xoài cát Hòa Lộc cũng lỗ

Thời điểm trước tết Nguyên đán cho đến nay là thời gian nông dân trồng xoài trên địa bàn huyện Hòn Đất tỉnh Kiên Giang bước vào mùa thu hoạch. 

Những tưởng sẽ có vụ xoài bội thu trúng giá như các năm trước thì năm nay nông dân phải lao đao vì giá xoài rớt thê thảm.

Kiên Giang: Sang tháng Giêng nhiều loại trái cây tăng giá, vì sao giá xoài đặc sản ở đây rớt giá chưa từng thấy? - Ảnh 1.

Giá xoài thấp kỉ lục so với những năm trước đây nhưng vẫn không có thương lái thu mua khiến người trồng xoài ở huyện Hòn Đất, Kiên Giang gặp khó. Ảnh: PV

Đến thăm các hộ trồng xoài ở xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất, vào thời điểm này hộ nào cũng đang chất đống xoài sau thu hoạch và đang cố bán nhanh bán tháo để mong kiếm lại chút vốn. 

Hiện xoài cát Hoà Lộc bao trái có giá dao động từ 18.000 – 20.000 đồng/kg đối với xoài xô; xoài nhất loại 750 gram đến 1kg/ trái, có giá từ 38.000 - 40.000 đồng/kg. Theo nhiều hộ dân cho biết, mức giá này giảm 3 lần so với thời điểm trước Tết nguyên đán.

Anh Nguyễn Thành Thái, nông dân xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất cho biết nguyên nhân khiến giá xoài giảm mạnh là do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 kéo dài. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là cung ứng cho các chợ đầu mối hay các siêu thị nhưng sức mua không nhiều, dẫn đến cung vượt cầu.

Anh Thái buồn bã chia sẻ: “Với giá xoài hiện nay thì cũng không đủ để chi phí cho phân thuốc, thuê nhân công bao trái, hái xoài… chứ đừng nói huề vốn. Nhưng giá thấp thì cũng phải bán vì nếu không bán còn lỗ nặng hơn rất nhiều”.

Gia đình anh Nguyễn Văn Thuận cũng rơi vào cảnh tương tự khi 200 gốc xoài cát Hòa Lộc theo tiêu chuẩn VietGAP đang vào mùa thu hoạch nhưng đầu ra rất bấp bênh do thương lái ép giá. 

Kiên Giang: Sang tháng Giêng nhiều loại trái cây tăng giá, vì sao giá xoài đặc sản ở đây rớt giá chưa từng thấy? - Ảnh 3.

Nhiều hộ trồng xoài ở huyện Hòn Đất (Kiên Giang) nhanh chóng bán tháo để mong lấy lại chút vốn. Ảnh: PV

Anh Thuận cho biết để tăng năng suất cũng như sản lượng xoài gia đình anh đã tích cực chăm sóc, cắt cành để xoài đạt theo mong muốn. 

Tuy nhiên, đến thời điểm thu hoạch, giá xoài sụt giảm mạnh, thương lái ép giá, gia đình anh cũng như nhiều nông dân trồng xoài trên địa bàn xã phải thuê xe vận chuyển đến chợ đầu mối An Hữu, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang để tiêu thụ.

Anh Thuận cho biết thêm: “Lúc đầu vụ thì mình đầu tư nhiều, công rồi vốn bỏ ra khá lớn mà giờ thu hoạch thì gặp cảnh này. Năm nay trúng mùa xoài, trái xoài đẹp mà giá rẻ bèo như vậy nông dân cũng không biết tính sao”.

Nông dân cần giải pháp

Xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất là địa phương có diện tích trồng cây ăn trái lớn, trong đó cây xoài được xem là cây chủ lực và là nguồn thu nhập chính của nhiều nông hộ. 

Toàn xã hiện có hơn 400 ha xoài các loại, năng suất bình quân xoài cát Hòa Lộc khoảng từ 3 tấn đến 4 tấn/ha/vụ; bình quân 2 vụ/năm.

Xoài trồng theo tiêu chuẩn VietGAP đạt chất lượng cao, trái được đánh giá ngọt, thơm ngon thế nhưng lại chưa có nguồn ra lớn và giải pháp khi không bán được giá. 

Sự ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 khiến đầu ra trái xoài khó khăn, việc thông thương hàng hóa có phần hạn chế nên dẫn đến giá xoài thấp kỉ lục so với những năm trước đây nhưng vẫn không có thương lái thu mua.

Kiên Giang: Sang tháng Giêng nhiều loại trái cây tăng giá, vì sao giá xoài đặc sản ở đây rớt giá chưa từng thấy? - Ảnh 5.

Xoài cát Hòa Lộc trồng ở xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) trồng theo tiêu chuẩn VietGap, được đánh giá chất lượng cao. Ảnh: PV

Hộ anh Thái, anh Thuận hay nhiều hộ nông dân trồng xoài khác vô cùng mong mỏi các ngành chức năng có giải pháp giúp cho bà con trồng xoài giảm bớt khó khăn trước mắt. Về lâu dài các hộ dân cũng mong rằng sẽ có hướng giải quyết cho các tình huống khách quan gặp phải để nông dân không phải ngồi chờ thời như thế này.

Anh Thuận trăn trở: “Nếu không may gặp dịch bệnh làm ảnh hưởng thì mình có thể chuyển hướng từ bán xoài tươi sang làm xoài khô, xoài dẻo hoặc có nguồn thu mua chế biến bánh, kẹo, nước uống gì đó biết đâu sẽ giúp cho chúng tôi không rơi vào cảnh thua lỗ. Khó khăn là tình hình chung nhưng có giải pháp giúp dân lấy lại vốn thì cũng đỡ hơn”.