Vì sao một ông nông dân tỉnh An Giang 59 tuổi đời mà có 51 năm tuổi nghề nuôi con suốt ngày "đòi" đi tắm?

Lê Kiều (TTKN Quốc gia) Chủ nhật, ngày 07/03/2021 19:10 PM (GMT+7)
59 tuổi nhưng ông Lê Văn Bầu ngụ ấp 5, xã Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang đã có 51 năm gắn bó với nghề nuôi trâu, nhiều lúc sở hữu đàn trâu lên gần 30 con, thời gian rong ruổi trên những cánh đồng nhiều hơn ở nhà.
Bình luận 0

Gần một đời người chỉ theo nghề chăn nuôi trâu, gắn bó với đàn trâu, con trâu đã giúp gia đình ông Lê Văn Bầu ngụ ấp 5, xã Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang ngày càng khấm khá.

Ông Bầu kể do hoàn cảnh gia đình khó khăn, không được đến trường như bạn bè cùng trang lứa từ nhỏ, ông đã giúp gia đình giữ trâu, đi chăn trâu thả hết cánh đồng này đến cánh đồng khác, đến chiều lại dắt trâu về chuồng. 

Vì sao một ông nông dân tỉnh An Giang 59 tuổi đời mà có 51 năm tuổi nghề nuôi con suốt ngày "đòi" đi tắm? - Ảnh 1.

Đàn trâu nhà ông Bầu đang cho tắm sông.

Ngày xưa, nhà nào cũng có một con trâu để cày bừa, làm sức kéo nên con trâu quan trọng lắm, nó như tài sản quý trong gia đình. 

Sau này, ông Bầy lập gia đình ra riêng, cha mẹ cũng cho con trâu để làm tài sản và nhờ con trâu mà ông có được cuộc sống khá giả ngày hôm nay.

Khoa học công nghệ ngày càng phát triển,máy móc được đưa xuống đồng ruộng để giảm công lao động cho con người . 

Vì vậy, nghề nuôi trâu hiện nay chủ yếu là nuôi trâu sinh sản và nuôi trâu để lấy thịt phục vụ nhu cầu thực phẩm của người dân. 

Hiện nay, lợi nhuận kinh tế từ nuôi trâu không còn được như trước, một số hộ đã chuyển sang vật nuôi khác đáp ứng nhu cầu thị trường thì đâu đó vẫn còn một số hộ lưu giữ nghề nuôi trâu từ ông bà xưa bởi tình thương giành cho con vật này.

Ông Bầu cho biết: "Nuôi trâu thấy vậy chứ không cực như người ta nghĩ mà trái lại còn khỏe hơn nuôi những con vật khác. Vì trâu rất dễ tính, thức ăn chính của con trâu là cỏ, chỉ cần cung cấp đủ lượng cỏ cần thiết, còn lại hầu như không phải tốn công chăm sóc gì nhiều".

Hàng ngày, cứ mỗi khi trời vừa hừng sáng, ông Bầu tranh thủ ra đồng cắt cỏ về cho trâu ăn. Sức ăn một con trâu rất khỏe, trung bình mỗi ngày con trâu trưởng thành ăn trên 100 kg cỏ. 

Để có cỏ cho trâu ăn, đỡ đi kiếm vất vả ở các cánh đồng khác, ông Bầu tận dụng đất làm vườn của gia đình trồng cỏ xen với cây ăn trái nên đàn trâu của ông lúc nào cũng có nguồn cỏ tươi dồi dào.

Do là loài da sét, trâu rất thích ngâm mình dưới nước nên mỗi ngày ông Bầu đều cho trâu đi tắm sông, tắm ao 3 lần/ngày. 

Dù hiện nay khoa học kỹ thuật phát triển nhưng chú vẫn áp dụng phương thức chăn thả tự nhiên để tăng sức cơ cho trâu.  

Nuôi trâu lâu đã nhiều năm, với ông Bầu, trâu không chỉ đơn thuần là con vật nuôi mà như những đứa con trong gia đình.

Ông Bầu đặt tên cho từng con trâu để dễ nhận biết. Cái tên được đặt theo đặc điểm của trâu như cái xe, cái tơ, hay cái què, cái già…Ông hiểu tính tình từng con trâu mình nuôi. Thế mới hiểu hết tâm tình của người nông dân giành niềm đam mê cho con vật nuôi thân thuộc này.

Vì sao một ông nông dân tỉnh An Giang 59 tuổi đời mà có 51 năm tuổi nghề nuôi con suốt ngày "đòi" đi tắm? - Ảnh 4.

Ông Hai Bầu, xã Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang với niềm đam mê nuôi trâu

Ông Bầu chia sẻ, để chọn trâu cày kéo, trâu làm giống nên chọn con vạm vỡ, chân cao, đầu to vừa phải và hơi dài; mặt trâu gân guốc, cổ mập và ngắn; tai trâu rộng, mắt ốc nhồi, hàm răng trắng đều; u vai trâu phát triển mạnh, ngực và vai nở nang, bụng tròn phát triển cân đối.

Bên cạnh ngoại hình như trên, cần chọn những con trâu hiền lành, dễ điều khiển và có khả năng làm việc tốt dựa vào xoáy trên thân trâu và xoáy đóng chính.

Đối với việc chọn trâu nuôi sinh sản, nên chọn những con trâu cái do con mẹ và con bố giống tốt đẻ ra. Trâu cái phải có thân hình cân đối, bốn chân chắc khoẻ, hình dáng nở đều, hiền lành. Chuồng trại cho trâu ở phải ở nơi cao ráo, thoáng mát. Một con trâu trưởng thành nuôi sau 4 năm có thể sinh sản, mỗi năm trâu đẻ 1 con trâu nghé.

Ông Bầu cho biết thêm, nuôi trâu ít tốn thời gian, tiêm ngừa vắc-xin phòng bệnh đầy đủ thì trâu phát triển rất tốt, không bệnh tật.

Đàn trâu của ông Bầu luôn duy trì 8 con giống để sinh sản, hằng năm sinh sản 4-5 con nghé, lợi nhuận cả năm khoảng 100 triệu đồng.

Nhờ nuôi trâu mà gia đình chú Bầu từng bước khấm khá, mua thêm được đất ruộng sản xuất; đến nay, gia đình chú đã có hơn 20 công đất.

Ở vùng biên giới này, nhắc đến tên ông Bầu là ai ai cũng nhớ ra và gọi chú với cái tên thân mật là "chú Hai Bầu nuôi trâu". 

Không chỉ riêng ông Bầu mà cả anh, em của ông đều nối nghiệp ông bà xưa nuôi trâu, người trẻ nhất cũng gắn bó với con trâu trên 20 năm. Nuôi trâu không chỉ vì kinh tế mà còn vì đam mê, lưu giữ nghề truyền thống của gia đình.

Ông Bầu mong đời con cháu mình vẫn lưu giữ nghề nuôi này bởi dù ngày nay máy móc hiện đại đã thay thế cho con trâu nhưng trâu vẫn là con vật gần gũi với người nông dân, là bạn của nhà nông.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem