Không dám kiện Trịnh Xuân Thanh để đòi tiền
Phiên xét xử liên quan dự án Ethanol Phú Thọ hôm nay đã bước sang ngày làm việc thứ 2.
Là người được xét hỏi hôm nay, Đỗ Văn Hồng – Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây lắp Dầu khí Kinh Bắc (PVC Kinh Bắc) khai, không dám kiện hoặc áp dụng biện pháp dân sự khác để đòi nợ vì vị trí của Trịnh Xuân Thanh – cựu Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) quá cao.
Cáo trạng thể hiện, năm 2009 PVC góp 2,5 tỷ đồng (tức 5%) để thành lập PVC Kinh Bắc, ký hợp đồng số 173 cho PVC Kinh Bắc thi công một số hạng mục tại nhà máy Polyester Đình Vũ với giá trị hơn 132 tỷ đồng.
Trịnh Xuân Thanh đã bàn bạc với Đỗ Văn Hồng việc tìm mua đất xây dựng khu nghỉ dưỡng. Hồng giới thiệu khu đất 3.400m2 tại thị trấn Tam Đảo (Vĩnh Phúc) đang được rao bán với giá 23,8 tỷ đồng.
Trịnh Xuân Thanh đồng ý, thống nhất dùng chức vụ của mình để PVC cho PVC Kinh Bắc tạm ứng 25 tỷ đồng theo hợp đồng số 173, nhằm có tiền mua đất.
Đến năm 2010, các bị cáo Thanh, Hồng bàn bạc việc tăng vốn điều lệ của PVC Kinh Bắc từ 50 tỷ lên 150 tỷ đồng. Do các cổ đông khác góp được 129 tỷ đồng, bị cáo Hồng gửi văn bản đề nghị PVC góp 21 tỷ đồng còn lại cho đủ số 150 tỷ đồng.
Thanh sau đó lợi dụng việc này để hợp thức hóa 25 tỷ đồng dùng để mua đất Tam Đảo. Trịnh Xuân Thanh còn lập Công ty Mai Phương, nhờ bố đẻ đứng tên, dùng doanh nghiệp này mua lại khu đất 3.400m2 trên của PVC Kinh Bắc với giá đúng 23,8 tỷ đồng nhưng nợ lại 3 tỷ đồng, đến nay chưa thanh toán.
Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cho rằng, Trịnh Xuân Thanh đã lợi dụng tiền góp vốn của PVC vào PVC Kinh Bắc để mua khu đất tại Tam Đảo.
Đến năm 2020, các cơ quan giám định kết luận phần vốn trị giá 21 tỷ đồng của PVC tại PVC Kinh Bắc chỉ còn giá trị hơn 7,7 tỷ đồng, việc ông Thanh mua đất khiến PVC thua lỗ hơn 13,2 tỷ đồng.
Khai trước tòa hôm nay, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc PVC Kinh Bắc thừa nhận đã giúp Trịnh Xuân Thanh mua khu đất tại Tam Đảo, đến nay Thanh vẫn nợ 3 tỷ đồng.
Khi được hỏi sao không đòi số tiền đó, Đỗ Văn Hồng nói có đòi bố đẻ Trịnh Xuân Thanh và được ông này hứa trả làm 2 lần.
The lời khai của Đỗ Văn Hồng tại giai đoạn điều tra, Hồng từng khai không dám đòi tiền Trịnh Xuân Thanh vì vị trí của người này quá cao. Theo bị cáo này, khi đó, điều tra viên hỏi sao không kiện đòi tiền hoặc áp dụng các biện pháp dân sự khác, tôi trả lời vị trí của ông Thanh cao nên tôi không kiện.
Đỗ Văn Hồng cũng trình bày có đòi tiền bố đẻ Trịnh Xuân Thanh, nhưng không nghĩ đến việc đi kiện.
Giúp đòi nợ chứ không gian dối
Theo cáo trạng nêu, Trịnh Xuân Thanh có xuống kiểm tra công trình xây dựng ở Đình Vũ, có ý kiến kết luận ngay ở công trường, chỉ đạo PVC phải tạm ứng tiếp cho PVC Kinh Bắc 25 tỷ đồng để triển khai thực hiện hợp đồng 173.
Trước thông tin này, Trịnh Xuân Thanh khẳng định không bao giờ chốt tiền là bao nhiêu tỷ.
"Là Chủ tịch HĐQT tôi không thể nói là bao nhiêu tỷ, tôi chỉ yêu cầu phải tạm ứng tiền theo đúng hợp đồng, còn đâu nếu quá thì trên cơ sở Tổng Giám đốc và các đơn vị thi công phối hợp với chủ đầu tư…" – Thanh nói.
Về vấn đề chuyển 21 tỷ trong số tiền tạm ứng mà PVC Kinh Bắc đã nhận chuyển thành tiền vốn góp của PVC vào PVC Kinh Bắc, Trịnh Xuân Thanh lý giải, PVC góp vốn vào rất nhiều công ty, PVC Kinh Bắc là công ty liên kết.
Theo bị cáo này, lúc đó mua vốn 2,5 tỷ của Công ty Kinh Bắc bằng thương hiệu. "Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến không được góp vốn bằng thương hiệu mà phải bằng tiền, chúng tôi bắt buộc phải chuyển góp vốn thương hiệu 10% đó sang thành tiền.
Và PVC Kinh Bắc họ tăng vốn lên là 150 tỷ, tương đương chúng tôi tăng lên là 15 tỷ" – Trịnh Xuân Thanh khai.
Cũng theo bị cáo này, chủ trương góp vốn vào các công ty con của Tổng công ty, và thoái vốn là chủ trương đã được phê duyệt, nằm trong quyền HĐQT nếu không quá tiền quy định mà không phải xin ý kiến tập đoàn.
"Khi PVC Kinh Bắc có đề nghị chúng tôi góp vốn, tôi đồng ý chủ trương… Khi tôi quyết định đồng ý chủ trương góp vốn, nếu muốn ký quyết định góp thì tôi phải xin ý kiến HĐQT, phải có Nghị quyết.
Sau đó dựa vào kết luận như thế của tôi thì tôi không biết tại sao anh Tiến - Phó Tổng Giám đốc anh lại ra một quyết định góp vốn, quyết định đó hoàn toàn sai về luật" – Trịnh Xuân Thanh nói.
Và cũng theo bị cáo này, thực ra Trịnh Xuân Thanh giúp công ty đòi nợ về chứ không phải "cái gì gọi là gian dối cả".
"Việc gì phải nợ tiền"
Liên quan đến việc mua đất ở Tam Đảo, theo trình bày của Trịnh Xuân Thanh, năm 2010, Đỗ Văn Hồng có nói chuyện định đầu tư resort ở Tam Đảo để bán, kinh doanh.
"Tôi có nói bọn mày đầu tư đi anh mua một căn. Sau đó ông Hồng làm chứ không có liên quan gì đến tôi cả, tại vì không phải xin ý kiến tôi.
Trong quá trình làm, không biết tại sao lại bảo tôi chỉ đạo mồm cho ai ứng tiền là hoàn toàn không có chuyện đấy. Cần thì tôi đối chất ngay với ông Hồng tại đây. Ông Hồng mua, tôi nghĩ việc ông Hồng mua không có gì sai cả" - cựu Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc PVC trình bày.
Theo Trịnh Xuân Thanh, sau đó khi nghe thông tin chỗ Đỗ Văn Hồng có việc nợ nần ở trên Tam Đảo, Đỗ Văn Hồng cũng nói với Trịnh Xuân Thanh muốn bán đất, Thanh đã về nói chuyện với vợ.
Đáng chú ý, Trịnh Xuân Thanh cũng khai trước tòa, những người sau đó góp tiền là Trịnh Xuân Tuấn (em ruột Thanh), vợ Thanh và 2 người khác.
"Tôi không quan tâm vào chuyện đấy, từ đấy đến tận bây giờ… Với vị trí của tôi, tôi có lấy tiền của ông Hồng thì việc gì phải nợ. Bảo mày đưa tao 5 tỷ không ai biết" – Trịnh Xuân Thanh nói về cáo buộc nợ tiền.
Về việc thành lập Công ty Mai Phương, Trịnh Xuân Thanh khai vợ Thanh lập, bố đẻ Thanh đứng tên. Bị cáo này cũng nói không biết Công ty Mai Phương nhận chuyển nhượng khu đất 3.400m2 từ PVC Kinh Bắc bao nhiêu tiền.
"Tôi không biết, mua bán thì vợ tôi và anh Hồng, tôi chỉ biết không có nợ nần gì" – Trịnh Xuân Thanh khẳng định ở tòa.