Vũ Đức Thuận có vai trò thế nào ở vụ Trịnh Xuân Thanh mua đất Tam Đảo?

Nguyễn Hoà Thứ sáu, ngày 20/11/2020 14:59 PM (GMT+7)
Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) Tối cao xác định, Vũ Đức Thuận – nguyên Tổng Giám đốc PVC (Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam) đã có 1 bút phê liên quan đến sự việc.
Bình luận 0

Cụ thể, cáo trạng mà VKSND Tối cao truy tố ông Đinh La Thăng – nguyên Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), ông Trịnh Xuân Thanh – nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc PVC và nhiều đồng phạm khác nêu rõ, Trịnh Xuân Thanh đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để mua đất tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc).

Theo đó, đủ cơ sở xác định bị can Trịnh Xuân Thanh đã lợi dụng là Chủ tịch HĐQT PVC có tỷ lệ góp vốn tại PVC Kinh Bắc (Công ty CP Đầu tư và Xây lắp Dầu khí Kinh Bắc).

Với mục đích mua 3.400m2 đất tại thị trấn Tam Đảo (Tam Đảo, Vĩnh Phúc), đồng thời để có nguồn tiền mua bán, chuyển nhượng thông qua phương thức cho PVC Kinh Bắc tạm ứng số tiền 25 tỷ đồng trái quy định, nhằm sử dụng 23,8 tỷ thanh toán việc mua 3.400m2 ở Tam Đảo, dưới pháp nhân là Công ty Mai Phương (Trịnh Xuân Thanh nhờ bố đẻ đứng tên công ty này).

Tuy nhiên, Trịnh Xuân Thanh chỉ thanh toán 20,8 tỷ đồng, còn lại số tiền 3 tỷ đồng không thanh toán theo thỏa thuận.

Bị can Đỗ Văn Hồng biết rõ động cơ, mục đích của bị can Trịnh Xuân Thanh nên đã có hành vi giúp sức trong việc làm thủ tục tạm ứng, góp vốn điều lệ trái quy định.

Vũ Đức Thuận có vai trò thế nào ở vụ Trịnh Xuân Thanh mua đất Tam Đảo? - Ảnh 1.

Bị can Trịnh Xuân Thanh được xác định đã nhờ bố đẻ đứng tên công ty rồi sau đó chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở Tam Đảo. Vũ Đức Thuận – nguyên Tổng Giám đốc PVC cũng được xác định có liên quan đến sự việc.

Bằng thủ đoạn này, các bị can Trịnh Xuân Thanh, Đỗ Văn Hồng đã gây thiệt hại cho PVC hơn 13,2 tỷ đồng, cá nhân Trịnh Xuân Thanh hưởng lợi 3 tỷ đồng.

Trong vụ án này, VKSND Tối cao xác định, còn một số cá nhân có liên quan đến hành vi phạm tội của các bị can.

Cụ thể, có Vũ Đức Thuận, đang làm phạm nhân thi hành án phạt tù tại một trại giam của Bộ Công an. Thuận được xác định đã có bút phê đồng ý cho PVC Kinh Bắc tạm ứng 25 tỷ đồng.

Ngoài Thuận còn có Nguyễn Huy Hòa – nguyên Phó Tổng Giám đốc PVC, Hòa được xác định ký ủy nhiệm chi cho PVC Kinh Bắc tạm ứng 25 tỷ đồng.

Nguyên Phó Tổng Giám đốc PVC Nguyễn Mạnh Tiến cũng là người có liên quan. Tiến ký quyết định của PVC góp 21 tỷ đồng vốn điều lệ vào PVC Kinh Bắc theo hình thức gán trừ công nợ tiền tạm ứng. Tiến hiện đang là phạm nhân thi hành án phạt tù tại Trạm giam Quảng Ninh (Bộ Công an).

Vũ Đức Thuận có vai trò thế nào ở vụ Trịnh Xuân Thanh mua đất Tam Đảo? - Ảnh 2.

Vũ Đức Thuận đã có bút phê đồng ý cho PVC Kinh Bắc tạm ứng 25 tỷ đồng, việc này Thuận được xác định không biết việc tạm ứng này để Trịnh Xuân Thanh lấy tiền mua đất.

Với nguyên Trưởng Ban Tài chính Kế toán PVC Nguyễn Thanh Sơn, ông này cũng bị cáo buộc làm thủ tục cho tạm ứng 25 tỷ đồng và góp 21 tỷ đồng vốn điều lệ vào PVC Kinh Bắc.

VKSND Tối cao nhận thấy, những cá nhân trên biết việc cho tạm ứng 25 tỷ đồng là vượt quá 10% giá trị hợp đồng theo quy định, nhưng họ không biết mục đích của Trịnh Xuân Thanh và Đỗ Văn Hồng tạm ứng để lấy tiền mua đất ở Tam Đảo.

Những người này cũng không biết việc góp vốn 21 tỷ đồng là quyết định của cá nhân bị can Trịnh Xuân Thanh để hợp thức cho khoản tạm ứng 25 tỷ đồng, nên họ không đồng phạm với bị can Trịnh Xuân Thanh và Đỗ Văn Hồng về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Xét tính chất, hành vi vi phạm có mức độ, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an không xem xét trách nhiệm hình sự là phù hợp, nhưng VKNSD Tối cao nhận định phải xử lý hành chính nghiêm khắc.

Nói về PVC Kinh Bắc, công ty này thành lập năm 2009, với vốn điều lệ là 50 tỷ đồng, PVC góp 2,5 tỷ đồng, Công ty xây dựng Đào Viên 38,5 tỷ đồng, 4 cổ đông khác góp 9 tỷ đồng, Đỗ Văn Hồng (Giám đốc Công ty Đào Viên) làm Tổng Giám đốc PVC Kinh Bắc.

Với mục đích sở hữu khu đất 3.400m2 được Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên PVC Kinh Bắc, tháng 6/2011, Trịnh Xuân Thanh đề nghị Đỗ Văn Hồng chuyển nhượng lại cho Thanh với giá 23,8 tỷ đồng, Hồng đồng ý.

Để thực hiện, Trịnh Xuân Thanh thành lập Công ty TNHH Đầu tư Mai Phương, nhờ bố đẻ là ông Trịnh Xuân Giới đứng tên chủ sở hữu, người đại diện theo pháp luật.

Ngày 23/5/2011, HĐQT PVC Kinh Bắc có nghị quyết về việc phê duyệt giá trị chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại Tam Đảo là 23,8 tỷ.

Ngày 10/6/2011, Hồng đại diện PVC Kinh Bắc và bố đẻ Trịnh Xuân Thanh ký hợp đồng chuyển nhượng thửa đất diện tích 3.400m2 trên, giá trị chuyển nhượng là 23,8 tỷ.

Như đã nói ở trên, Trịnh Xuân Thanh đã lợi dụng chức vụ, ngày 18/12/2012, chỉ trả cho PVC 20,8 tỷ, còn 3 tỷ không trả, đến nay trên hệ thống sổ sách, kế toán của PVC Kinh Bắc vẫn hạch toán số tiền 3 tỷ đồng là khoản phải thu của Công ty Mai Phương.

Sau khi hoàn tất thủ tục chuyển nhượng, ngày 31/8/2011, Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc cấp giấy chứng nhận diện tích đất trên cho Công ty Mai Phương.

Tới ngày 26/8/2015, ông Giới làm thủ tục chuyển nhượng Công ty Mai Phương cho vợ của Trịnh Xuân Thanh. Ngày 24/6/2016, vợ Trịnh Xuân Thanh chuyển nhượng công ty cho ông Kiều Đào Lâm (TP.Vĩnh Yên) với giá 45 tỷ, trong đó có diện tích 3.400m2 ở thị trấn Tam Đảo.

Ngày 24/12/2019, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định tạm giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng 3.400m2 đất Tam Đảo đứng tên sở hữu của Công ty Mai Phương, chuyển theo hồ sơ vụ án.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem