Để chuẩn bị cho mùa vụ mới, nông dân Cà Mau thường phải diệt hết cá tạp trong vuông tôm quảng canh. Và họ dùng dây thuốc cá, một loại cây chuyên dùng để làm chết cá trong vuông mà không gây ảnh hưởng đến tôm hay sức khỏe của con người. Mỗi dịp thuốc cá nông dân có thể thu hàng trăm kg cá.
Theo người dân tại Cà Mau, chất trong rễ cây thuốc cá sẽ giết những loài thủy sản máu đỏ. Tùy vào khả năng chịu đựng của các loài cá mà chúng sẽ chết trước hay sau; còn những con máu trắng như cua, tôm thì không bị ảnh hưởng.
Theo nhiều nông dân địa phương, mỗi năm trước khi bước vào vụ tôm mới phải thuốc cá trước để tránh nhiều loài cá ăn tôm con.
Chị Ngô Kim Cúc (ngụ xã Tạ An Khương, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau), chia sẻ: "Thuốc cá trong vuông là hoạt động thường xuyên của người dân nuôi tôm. Thời điểm thích hợp để thuốc cá là trong con nước kém, bởi lúc này nước ngoài sông cạn thì mới xả nước trong vuông ra được. Sau khi xay sẵn thuốc cá, xả cạn nước trong vuông, đến khoảng 5 giờ sáng thì bắt đầu rải thuốc cá để kịp vớt cá bán vào lúc 8-9 giờ sáng".
Theo chị Cúc, sau khi rải dây thuốc cá xuống vuông khoảng 30 phút thì cá bắt đầu ngấm thuốc và bắt đầu chết dần, rồi nổi lên mặt nước. Lúc này nông dân sẽ dùng vợt vớt những con cá một cách nhàn nhạ. Thông thường với những vuông tôm lớn, số lượng cá nhiều người dân phải dùng xuồng, thau để đựng cá.
Sản lượng cá nhiều hay ít dựa vào diện tích vuông tôm lớn hay nhỏ vì đa số đều là cá tự nhiên từ sông vào sinh sống. Trong vuông tôm ở Cà Mau thường có các loại cá nhỏ như cá rô phi, cá đối, cá ngát, cá nâu, đến các loại cá lớn như cá chẽm, cá ngát…
Hiện nay, cá rô phi được bán với giá từ 12-15 ngàn đồng; cá ngát có giá từ 40-70 ngàn đồng/kg, còn cá chẽm có giá từ 50-70 ngàn đồng/kg tùy loại;…Ngoài việc diệt hết các loại cá tạp thể thả vụ tôm mới, nông dân còn có một khoảng thu nhập đáng kể từ việc bắt hàng trăm kg cá khi thuốc cá.