Dân Việt

Cá biển có cả trăm loài, vậy tỉnh Quảng Trị đang muốn xây dựng thương hiệu cho loài cá nào?

Tú Linh 13/03/2021 19:07 GMT+7
Mỗi chuyến khai thác biển xa, ngư dân ở thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh (tỉnh Quảng Trị) ưu tiên nhất là đánh bắt cá thu vì cho hiệu quả kinh tế cao hơn các loại cá khác. Bởi vậy, từ mùa thu năm trước đến đầu mùa hè năm sau, ngư dân Cửa Việt thường tập trung khai thác, đánh bắt loài cá thu này.

Ngày 28 tết Nguyên đán Tân Sửu, tàu cá của anh Bùi Tấn ở Khu phố 5, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh (tỉnh Quảng Trị) mới cập cảng cá Cửa Việt chuyến cuối của năm để bán sản phẩm cá thu rồi nghỉ Tết. Chuyến đó, tàu của anh Tấn đánh bắt được hơn 2 tấn cá thu, trong đó phần lớn là cá thu loại một. 

Cá biển có cả trăm loài, vậy tỉnh Quảng Trị đang muốn xây dựng thương hiệu cho loài cá nào? - Ảnh 1.

Cá thu loại một được ngư dân thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) khai thác luôn đắt hàng - Ảnh: TÚ LINH

Nhờ cá tươi, chất lượng thịt tốt, được nhiều người ưa thích nên anh Tuấn bán giá cá thu là 290.000 đồng/kg vẫn không đủ cung ứng. 

Anh Tấn có hai chiếc tàu xa bờ, mỗi chiếc có công suất hơn 700 CV. Mỗi chuyến ra biển đánh cá tàu của anh Tấn đi trong khoảng thời gian từ 10 đến 14 ngày, nếu gặp cá thu nhiều thì vào bờ sớm hơn. 

Hàng chục năm nay anh thường tập trung khai thác cá thu, chuyến trúng đậm nhất đến 6, 7 tấn cá thu, chuyến ít nhất cũng được 2 tấn. 

Mỗi tàu đánh bắt cá thu của anh Tấn sử dụng ít nhất 7 lao động, trừ mọi chi phí, mỗi lao động mỗi tháng được nhận trung bình 10 triệu đồng tiền công.

Nổi tiếng trong nghề khai thác, đánh bắt cá thu ở Khu phố 5, thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) phải kể đến ba anh em ruột: Nguyễn Trọng - chủ tàu vỏ thép, Nguyễn Ngọc và Nguyễn Sơn - chủ tàu vỏ gỗ. 

Vừa mới nghỉ Tết được mấy hôm, ba anh em ông Trọng lại tiếp tục ra biển khai thác cá thu. Mỗi chuyến đi đánh bắt cá thu thường kéo dài từ 17- 18 ngày. Thông thường trước Tết, để tránh gió Đông Bắc và một phần do tập quán cá thu tập trung nhiều ở phía Nam nên các tàu thuyền khi khai thác về thường vào bán sản phẩm cá thu ở cảng cá Cửa Việt. 

Từ đầu năm đến đầu mùa hè, các tàu tập trung khai thác, đánh bắt cá thu nhiều ở vùng biển phía Bắc nên thường bán sản phẩm cá thu ở các cảng cá ở tỉnh Nghệ An.

Ông Nguyễn Trọng cho biết, bây giờ phương tiện đánh bắt hiện đại, có máy dò bụng biển, sử dụng lưới bùng nhùng nên đánh bắt cá thu dễ hơn. 

Cá thu chất lượng phải đảm bảo hai yếu tố tươi và kích cỡ lớn, trọng lượng cá thu từ 5 kg/con trở lên. Vì vậy giá bán cá thu cũng có đến ba phân khúc, cá thu loại một, cá thu loại hai và cá thu loại ba. Cá thu loại một dịp sát tết Nguyên đán bán 290.000 đồng/ kg, thời điểm này cá thu loại một bán giá chỉ còn 150.000 đồng/ kg; còn cá loại hai và ba thì rẻ hơn.

Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cửa Việt Mai Văn Minh cho biết, lực lượng tàu khai thác xa bờ ở Khu phố 5 có hơn 30 chiếc, chiếm đến 1/3 tổng số tàu đánh bắt xa bờ của thị trấn. 

Còn huyện Gio Linh (tỉnh Quảng Trị) hiện có 15 đội tàu với gần 170 tàu xa bờ. Không chỉ khai thác cá ở vùng biển Quảng Trị, những đội tàu này còn khai thác ở các ngư trường Vịnh Bắc Bộ, Hoàng Sa, Trường Sa…

Trong quá trình đó, ngư dân không chỉ khai thác cá thu nhưng so với cùng thời gian đi biển và khai thác các loại cá khác thì cá thu bán được giá cao hơn nên ai cũng ưu tiên khai thác.

Theo ông Mai Văn Minh, nhiều ngư dân cho biết, cá thu Quảng Trị chất lượng thịt ngon hơn các nơi khác. Tuy nhiên, địa phương chưa tạo ra được chuỗi sản phẩm từ khai thác đến chế biến và thị trường tiêu thụ; chưa xây dựng được thương hiệu nên giá bán cá thu ra thấp hơn, nhiều khi đầu ra thiếu ổn định. 

Vì vậy, ngư dân rất mong muốn được các cơ quan chức năng giúp đỡ sớm xây dựng thương hiệu cho cá thu Cửa Việt cũng như chế biến cá thu thành nhiều sản phẩm để ngư dân bán được giá cao hơn, từ đó góp phần nâng cao thu nhập cho ngư dân. 

Một khó khăn thứ hai là lực lượng lao động đi biển ngày càng khan hiếm vì các thanh niên địa phương có xu hướng muốn tìm kiếm việc làm khác thay cho nghề khai thác biển nhọc nhằn, nên lao động trên tàu khai thác cá thu ngày càng ít dần, không đáp ứng được nhu cầu.

Để góp phần tháo gỡ vướng mắc này, ông Nguyễn Văn Huân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị cho biết, ngành nông nghiệp xác định mục tiêu phải phát triển lĩnh vực thuỷ sản của tỉnh trở thành ngành hàng xuất khẩu.

Trong đó, ngư dân tỉnh Quảng Trị tập trung nhất là khai thác các đặc sản như cá thu, mực… để sản xuất hàng hóa có thương hiệu, có khả năng cạnh tranh cao với thị trường trên cơ sở đẩy mạnh khai thác những tiềm năng, lợi thế từng vùng, từng địa phương. 

Sở NNPTNT tỉnh Quảng Trị tham mưu cho UBND tỉnh cần có chính sách phù hợp giúp ngư dân khắc phục những khó khăn về vốn đầu tư, lực lượng lao động nghề cá để phát triển bền vững ngành thủy sản, giải quyết việc làm và nâng cao đời sống ngư dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Để nghề khai thác cá thu được phát triển mạnh hơn nữa, ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Trị sẽ cố gắng đẩy mạnh chuyển giao, hỗ trợ ngư dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào khai thác, chế biến, bảo quản để nâng cao chất lượng, hiệu quả sản phẩm, sớm hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho cá thu Cửa Việt.