Dân Việt

Giá tiêu tăng vù vù, cặp vợ chồng cầm chắc tiền tỷ nhờ đánh liều giữ 5ha tiêu thời "bão giá"

Trần Hiền 14/03/2021 19:00 GMT+7
Quyết giữ vườn tiêu 5ha trong lúc giá hồ tiêu lao dốc, vợ chồng chị Nguyễn Thị Thu (thôn 3, xã Nam Yang, huyện Đăk Đoa, Gia Lai) đã cầm chắc tiền tỷ trong tay khi giá tiêu tăng từng ngày. Với tình hình giá tiêu tăng vù vù như hiện nay, chị Thu rất phấn khởi khi tưởng mình "đánh liều" vậy mà lại lãi lớn.

Từ giữa tháng 2 đến nay, giá tiêu liên tục tăng mạnh khiến người trồng tiêu vô cùng phấn khởi, đặc biệt khi bà con mới bắt đầu bước vào vụ thu hoạch chính. 

Quyết giữ 5ha khi tiêu lao dốc, đôi vợ chồng cầm chắc tiền tỷ với giá tiêu hiện tại - Ảnh 1.

3 ha tiêu hữu cơ của gia đình chị Thu phát triển xanh tốt, năng suất cao đều hàng năm

Theo đó, giá tiêu hôm nay tại Gia Lai hiện khoảng 67.000 - 69.000 đồng/kg đầu giá. Thậm chí một số nơi, bà con đã bán tiêu với giá 70.000 đồng/kg, chưa tính cộng thưởng chất lượng hạt tiêu. 

Quyết giữ vườn tiêu trong thảm cảnh "vàng đen" lao dốc

Những ngày này, PV Dân Việt không quá khó để bắt gặp không khí nhộn nhịp, hào hứng thu hoạch tiêu của nông dân Tây Nguyên. Thời điểm này bà con đang bước vào vụ thu hoạch chính, nhất là ở các vùng trồng tiêu trọng điểm như Đăk Nông, Gia Lai.

Giai đoạn 2018-2019, trước thảm cảnh giá tiêu lao dốc vì cung vượt cầu và dịch bệnh, nhiều nông dân ở Tây Nguyên lâm cảnh nợ nần, không đủ sức giữ lại vườn tiêu của mình, nhiều hộ phải bán vườn để trả nợ. 

Nhiều hộ khác do không đủ chi phí để phục hồi, chăm sóc vườn tiêu nên đành ngậm ngùi chặt bỏ, hoặc giảm dần diện tích trồng xen cà phê, các loại cây ăn quả khác..

Ấy vậy mà vợ chồng chị Nguyễn Thị Thu ở thôn 3, xã Nam Yang vẫn quyết tâm giữ lại vườn tiêu 5ha bằng mọi cách. Nhiều người cho rằng vợ chồng chị liều quá, khi mà hồ tiêu lâm thảm cảnh rớt giá, dịch bệnh không biết bao giờ mới vực dậy được. 

Tuy nhiên, vợ chồng chị luôn cho rằng, hồ tiêu là cây trồng chủ lực của bà con Tây Nguyên nói chung và gia đình chị nói riêng. Vùng đất này, trồng hồ tiêu cũng hợp nhất. Có được cơ ngơi như lúc đó, vợ chồng chị cũng nhờ cả vào cây tiêu.

Quyết giữ 5ha khi tiêu lao dốc, đôi vợ chồng cầm chắc tiền tỷ với giá tiêu hiện tại - Ảnh 2.

Quyết giữ vườn tiêu trong thảm cảnh "vàng đen" lao dốc, gia đình chị Thu cuối cùng cũng vượt qua bão giá, bây giờ đang nắm chắc tiền tỷ trong tay khi giá tiêu tăng "nóng" từ đầu tháng 3//2021.

Tâm sự với PV Dân Việt, người phụ nữ chân đất này bộc bạch: "Không phải hiện tại giá tiêu lên mà tôi nói như vậy. Ngay cả khi giá tiêu không may giảm trở lại thì gia đình tôi vẫn quyết tâm giữ vườn, giữ loại cây đã gắn bó với hai vợ chồng từ lúc khốn khó đến khi giàu sang. 

Có thời gian, giá tiêu xuống chỉ còn hơn 30.000 đồng/kg, hai vợ chồng cũng chật vật lắm. Riêng việc xoay sở tiền nhân công, chi phí chăm sóc đã chiếm rất lớn, vườn tiêu rộng đến 5ha luôn cần rất nhiều công cán...".

Xác định hồ tiêu là cây trồng chủ lực, cây dài ngày nên khi trồng tiêu, vợ chồng chị Thu đã trồng thêm các loại cây khác như cây ăn quả, đậu, bắp… để lấy ngắn nuôi dài. Chị Thu cho rằng, làm nông nghiệp muốn hạn chế rủi ro thì phải trồng nhiều loại cây, khi cây này được giá thì bù qua cây khác mất mùa, mất giá. 

"Nhiều lúc cây cà phê rớt giá thì mình lấy tiêu bù qua, tiêu rớt giá thì mình lấy cây ăn quả bù lại. Nói chung làm nông nghiệp là vậy!" - chị Thu vui vẻ nói.

Quyết giữ 5ha khi tiêu lao dốc, đôi vợ chồng cầm chắc tiền tỷ với giá tiêu hiện tại - Ảnh 3.

Hiện giá tiêu ngày một tăng nên người dân đang trữ hàng, vì vậy các đại lý thu mua hồ tiêu trở nên ế ẩm.

Thời điểm năm 2017, 2018, chị Thu cho biết đây là khoảng thời gian dịch bệnh xuất hiện nhiều trên cây tiêu, khiến nhiều trụ tiêu của gia đình bị chết. Chị không tránh khỏi tâm trạng lo lắng, hoang mang, trong khi những hộ cũng có tiêu bị chết khác thì rầm rộ bán trụ, chuyển sang trồng cà phê, sầu riêng, chanh dây... Đến năm 2019, khi dịch bệnh được kiểm soát thì giá tiêu vẫn liên tục giảm mạnh, chỉ còn hơn 30.000 đồng/kg. 

Lúc này gia đình chị Thu cũng trồng thêm những loại cây như người khác. Nhưng thay vì bỏ hẳn hồ tiêu để trồng cây ăn quả thì chị lại phát triển song song, vừa chăm sóc hồ tiêu, vừa xen canh, trồng thêm các loại cây ăn quả khác như sầu riêng, bơ, ổi… để có thu nhập tiếp tục nuôi vườn tiêu. 

Quyết giữ 5ha khi tiêu lao dốc, đôi vợ chồng cầm chắc tiền tỷ với giá tiêu hiện tại - Ảnh 4.

Để kịp thu hoạch, phơi khô và trữ hàng chờ giá, gia đình chị Thu phải thuê 1 ngày đến 30 nhân công thu hoạch tiêu

Không chỉ lấy ngắn nuôi dài, mà sau thời gian tiêu liên tục chết vì dịch bệnh, vợ chồng chị Thu nhận thấy phải thay đổi phương pháp chăm sóc cây tiêu. Theo đó, từ 3 năm nay, vợ chồng chị quyết định đi theo hướng hữu cơ, khó hơn nhưng cây tiêu sẽ khoẻ, cho thu hoạch bền bỉ. 

Hiện tổng diện tích vườn tiêu của gia đình chị là 5 ha, trong đó 2 ha tiêu trồng như bình thường và 3 ha trồng theo quy trình hữu cơ. Chỉ quan sát bằng mắt thường, ai cũng nhận ra vườn tiêu hữu cơ của chị rất xanh tốt và cho năng suất cao hơn 2 ha tiêu còn lại.

Trồng tiêu theo hướng hữu cơ, chậm mà chắc

"Để làm nông nghiệp bền vững, gia đình xác định đi theo hướng hữu cơ đối với cây hồ tiêu. Bởi lẽ, những năm gần đây biến đổi khí hậu quá khắc nghiệt, thêm vào đó, việc lạm dụng phân bón, thuốc trừ sâu bệnh trước đó cũng làm cho cây tiêu yếu đi, tuổi thọ cây giảm, dễ nhiễm bệnh hơn, nhất là bệnh chết nhanh, chết chậm. 

Mình là người đi sau, đi muộn nên xác định phải đi theo hướng nông nghiệp hữu cơ, như vậy sẽ bảo vệ sức khỏe cho gia đình rồi người làm cho mình. Bên cạnh đó, tuổi thọ của cây tiêu cũng được kéo dài hơn, tăng sức chống chọi với bệnh dịch, khí hậu, môi trường diễn biến phức tạp hiện nay", chị Thu chia sẻ.

Quyết giữ 5ha khi tiêu lao dốc, đôi vợ chồng cầm chắc tiền tỷ với giá tiêu hiện tại - Ảnh 5.

Quyết giữ 5ha khi tiêu lao dốc, đôi vợ chồng cầm chắc tiền tỷ với giá tiêu hiện tại - Ảnh 6.

Chính việc phát triển hồ tiêu theo hướng hữu cơ, giúp vườn tiêu của gia đình chị Thu phát triển xanh tốt, không bị bệnh chết nhanh, chết chậm.

Tuy nhiên, khi nói về sản lượng của hồ tiêu chăm sóc theo quy trình hữu cơ, chị Thu cũng cho biết sản lượng thấp hơn so với trước kia. Tuy nhiên, vườn tiêu lại cho trái ổn định, năm nào cũng như vậy. Nhìn thì cây rất sai quả, xanh tốt nhưng khi thu hoạch thực tế thì 1 cây trung bình chỉ được khoảng 2kg hạt.

Quyết giữ 5ha khi tiêu lao dốc, đôi vợ chồng cầm chắc tiền tỷ với giá tiêu hiện tại - Ảnh 7.

Quyết giữ 5ha khi tiêu lao dốc, đôi vợ chồng cầm chắc tiền tỷ với giá tiêu hiện tại - Ảnh 8.

Theo chị Thu, việc đầu tư trải lưới phía dưới gốc cây tiêu sẽ giúp chủ vườn thu lại được lượng tiêu sọ, rụng trước khi chín đồng loạt. Loại tiêu sọ này có giá bán gấp đôi tiêu thường.

Chị Thu ước tính, với 3 ha tiêu hữu cơ, vụ này sẽ thu hoạch được khoảng 9-10 tấn, còn 2 ha tiêu thường sẽ đạt từ 13-14 tấn. 

Song song với việc phát triển cây hồ tiêu theo hướng hữu cơ, gia đình chị Thu còn trồng xen canh hơn 1.000 cây sầu riêng, một số loại hoa quả ngắn ngày khác. 

Quyết giữ 5ha khi tiêu lao dốc, đôi vợ chồng cầm chắc tiền tỷ với giá tiêu hiện tại - Ảnh 9.

Song song với việc phát triển tiêu, vợ chồng cô Thu còn trồng thêm hoa quả, các cây ngắn ngày

Chia sẻ kỹ thuật chăm sóc hồ tiêu theo hướng hữu cơ, chị Thu cho biết, phải chú trọng đến đầu vào dinh dưỡng cho cây. 

"Thứ nhất, không được dùng thuốc bảo vệ thực vật, thứ hai không dùng phân bón hóa học. Đặc biệt, nền đất nơi cung cấp dinh dưỡng cho cây phải dùng phân bò đã ủ để tạo chất mùn hữu cơ tốt nhất cho đất. Trước khi vô vụ mới phải ủ rất nhiều phân bò, với mục đích bón lót cho cây, tuyệt đối không sử dụng phân bón hóa học", chị Thu phân tích.

Tính đến thời điểm hiện tại, vườn tiêu của gia đình chị Thu đã thu hoạch được khoảng 60%.