Cụ thể, báo cáo tài chính của Masan cho biết: trong tháng 6 và tháng 8/2020, Masan đã mua thêm 14,8% vốn chủ sở hữu của CrownX từ bên thứ ba (Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng) với tổng số tiền là 23.692 tỷ đồng.
Sau khi mua lại, lợi ích kinh tế của Masan trong CrownX tăng từ 70% lên 84,8%. Tuy nhiên, giá trị ghi sổ tương ứng của phần tài sản thuần mua lại này chỉ là 1.672 tỷ đồng.
Theo khoản 10 Điều 10 thuộc Thông tư 202 hướng dẫn phương pháp lập và trình bày BCTC hợp nhất, quy định: "Sau khi đã kiểm soát công ty con, nếu công ty mẹ tiếp tục đầu tư vào công ty con để tăng tỷ lệ lợi ích nắm giữ, phần chênh lệch giữa giá phí khoản đầu tư thêm và giá trị ghi sổ của tài sản thuần của công ty con mua thêm phải được ghi nhận trực tiếp vào lợi nhuận sau thuế chưa phân phối và được coi là các giao dịch vốn chủ sở hữu (không ghi nhận như lợi thế thương mại hoặc lãi từ giao dịch mua giá rẻ)".
Do đó, khoản chênh lệch giữa phí đầu tư thêm và giá trị ghi sổ của tài sản thuần trong các thương vụ tăng cổ phần tại công ty con của Masan đều được khi vào khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối thay vì ghi nhận vào kết quả kinh doanh.
Vì vậy, Masan phải ghi nhận giảm vào lợi nhuận sau thuế chưa phân phối phần chênh lệch giữa giá mua và giá trị tài sản thuần hơn 22.020 tỷ đồng trong thương vụ mua thêm 14,8% cổ phần tại CrownX.
Được biết, The CrownX chính là công ty được Masan và Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng thành lập để nắm giữ vốn tại VinCommerce (chủ sở hữu VinMart, VinMart+) và Masan Consumer Holdings. Năm 2020, The CrownX đạt doanh thu thuần 54.277 tỷ đồng, tăng trưởng 18,1% so với năm trước và biên EBITDA tăng 280 điểm cơ bản lên mức 8,3%.
Như đã đề cập ở trên, khoản "trao tay" có giá trị 1 tỷ USD với Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, nhằm nâng sở hữu của tại CrownX đã khiến cho Masan phải ghi nhận giảm vào lợi nhuận sau thuế chưa phân phối phần chênh lệch giữa giá mua và giá trị tài sản thuần hơn 22.020 tỷ đồng.
Chưa hết, trong năm 2020, khoản "hụt két" lớn thứ 2 của Masan được ghi nhận khi phát sinh giao dịch mua thêm 9,1% cổ phần của VCM thông qua Công ty Sherpa. Theo đó, sao giao dich lợi ích kinh tế của Công ty trong VCM tăng từ 58,6% lên 80,1%. Động thái này khiến cho lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Masan giảm thêm gần 4.700 tỷ đồng.
Ngoài ra, một loạt giao dịch với cổ đông không kiểm soát tại các công ty thành viên cũng làm thay đổi số lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Masan đến cuối năm 2020. Đơn cử như MCH mua 0,32% vốn chủ sở hữu trong MSC với chênh lệch ghi giảm vào lợi nhuận sau thuế chưa phân phối 139 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV Masan Beverage mua 0,3% vốn chủ sở hữu của Công ty CP VinaCafé Biên Hòa (VCF) giảm gần 7 tỷ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối; MH mua 1,2% vốn chủ sở hữu trong Công ty CP Masan MEATLife (MML) giảm 229 tỷ đồng lơi nhuận sau thuế chưa phân phối;…
Các thương vụ kể trên đã kéo lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Masan năm 2020 âm tới 25.200 tỷ đồng, bất chấp việc công ty này lãi ròng 1.200 tỷ đồng năm vừa qua. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại thời điểm đầu năm 2020 của Masan lên tới gần 28.600 tỷ đồng, và chỉ còn hơn 2.100 tỷ đến cuối năm 2020.
Vốn chủ sở hữu cũng vì thế bốc hơi hơn 1 tỷ USD. Cụ thể, vốn chủ sở hữu tại thời điểm 1/1/2020 của Masan đạt 51.888 tỷ đồng, cao gấp hơn 2 lần so với con số cuối năm 2020 (tại ngày 31/12/2020, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp 25.030 tỷ đồng).