Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng vừa gây sốc khi công bố thông tin hoán đổi cổ phần VinCommerce và VinEco với tập đoàn Masan của tỷ phú USD Nguyễn Đăng Quang. Hiện hai bên đang tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết để tiến tới việc ký hợp đồng chính thức.
Thương vụ “chọn mặt gửi vàng” của VinGroup
Lý do của quyết định này, theo ông Nguyễn Việt Quang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Vingroup, là Vingroup thay đổi chiến lược phát triển với định hướng tập trung vào Công nghệ - Công nghiệp. “Chúng tôi đã khởi tạo hai doanh nghiệp quy mô lớn là VinFast và VinSmart với khát vọng toàn cầu. Do vậy, VinGroup phải tối ưu hoá mọi nguồn lực nhằm đưa VinFast và VinSmart thành các doanh nghiệp mạnh, có tầm vóc quốc tế”, ông Quang nhấn mạnh.
Khi được hỏi vì sao VinGroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng lại lựa chọn Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang để thực hiện thương vụ “bom tấn” này, ông Quang cho hay “đây là câu chuyện chọn mặt gửi vàng”.
Ông Quang nói, “Trước hết, phải khẳng định là ngay từ đầu VinGroup đã quyết chỉ chọn doanh nghiệp Việt Nam nhằm giữ thị trường bán lẻ cho người Việt, đảm bảo sân chơi công bằng cho các nhà sản xuất trong nước.
Yếu tố quan trọng thứ hai là doanh nghiệp được chọn phải có năng lực và nền tảng tốt để tiếp quản và phát triển VinCommerce và VinEco lên một tầm cao mới.
Masan với vị thế, tầm nhìn và 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tiêu dùng chính là lựa phù hợp nhất để tiếp tục dẫn dắt sự phát triển của ngành hàng tiêu dùng – bán lẻ Việt Nam vươn ra thế giới như định hướng ban đầu của chúng tôi.
Đặc biệt, sau sáp nhập, với các giá trị cộng hưởng rất lớn - Việt Nam sẽ thêm một doanh nghiệp tầm cỡ khu vực trong lĩnh vực bán lẻ và tiêu dùng, góp phần thêm sức mạnh và vị thế cho nền kinh tế”.
Giá trị chuyển nhượng “khủng” cỡ nào?
Theo nội dung thỏa thuận giữa VinGroup và Masan, Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại Tổng hợp VinCommerce của Vingroup (bán lẻ), Công ty VinEco (nông nghiệp), Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan - Masan Consumer Holding (tiêu dùng) sẽ sáp nhập để thành lập Tập đoàn Hàng tiêu dùng - Bán lẻ hàng đầu Việt Nam.
Theo đó Vingroup sẽ hoán đổi toàn bộ cổ phần trong VinCommerce thành cổ phần của Công ty mới sau sáp nhập. Masan Group sẽ nắm quyền kiểm soát hoạt động, Vingroup là cổ đông. Tuy nhiên, giá trị thương hiệu là bao nhiêu thì đến nay vẫn chưa được VinGroup và Masan tiết lộ.
Tuy nhiên, có thể phần nào đoán ra được số tiền mà tỷ phú Nguyễn Đăng Quang phải chi ra để mua lại thương hiệu này là không hề nhỏ. Hiện VinCommerce có vốn điều lệ 6.436 tỉ đồng, sở hữu chuỗi Vinmart và Vinmart+. Trong đó, Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng nắm 99,99% tỉ lệ biểu quyết nhưng sở hữu 64,3% tỉ lệ lợi ích thông qua Công ty CP Phát triển thương mại dịch vụ VCM (công ty mẹ trực tiếp của VinCommerce).
Báo cáo tài chính quý III/2019 của Vingroup cũng cho biết tập đoàn đang sở hữu 64,3% vốn tại Công ty VCM với tổng giá trị đầu tư tại đây là 4.573 tỉ đồng, lớn thứ 4 trong các khoản đầu tư vào công ty con sau Vinhomes, VinFast, và Vinpearl.
Nói về kết quả kinh doanh của mảng bán lẻ bao gồm cả Vincommerce và một số công ty hiện đã tách khỏi Vincommerce như VinPro hay Adayroi), đến trước thời điểm công bố sáp nhập hai chuỗi bán lẻ này vào Masan, VinCommerce (công ty vận hành Vinmart và Vinmart+) đang quản lý 115 siêu thị Vinmart cùng gần 2.500 cửa hàng Vinmart+.
Nhờ số điểm bán lớn, 9 tháng từ đầu năm, tổng doanh thu thuần bộ phận bán lẻ đóng góp 23.571 tỉ đồng vào tổng doanh thu hợp nhất của Vingroup, cao hơn 11% so với doanh.
Ghi nhận hàng chục nghìn tỉ doanh thu trong những năm trước đó, nhưng bán lẻ của Vingroup đều thua lỗ hàng nghìn tỉ đồng mỗi năm do mở rộng đầu tư. Riêng năm 2018, lỗ trước thuế theo bộ phận của bán lẻ là hơn 5.000 tỉ, số lỗ trong năm 2017 cũng là gần 3.800 tỉ đồng.
Đến cuối tháng 9, tổng giá trị tài sản của mảng bán lẻ tại Vingroup đạt 15.845 tỉ đồng với nợ phải trả là 3.981 tỉ đồng.
Tuy nhiên, theo số liệu từ báo cáo tài chính của VinCommerce, doanh nghiệp này có lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 8.200 tỉ và 7.600 tỉ đồng trong năm 2018. Kết quả này đã đưa Vincommerce đứng trong top những doanh nghiệp có lợi nhuận lớn nhất cả nước cũng như bù được hết lỗ lũy kế của các năm trước.
Trong năm 2018, Vincommerce đã nộp 363 tỉ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp và đứng thứ 47 trong Top 1000 doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất theo danh công bố của Tổng Cục thuế, tương đương với số thuế đã nộp của Home Credit, Shinhan Bank hay Lọc dầu Dung Quất.
Đây cũng là thông tin được đại diện VinGroup cung cấp trong buổi chia sẻ xung quanh thương vụ hoán đổi giữa Masan Và VinGroup ngày hôm qua.
Sở dĩ có sự khác giữa lợi nhuận thực tế của Vincommerce với lợi nhuận của mảng bán lẻ là do các giao dịch tài chính của Vincommerce như khoản thu nhập tài chính ròng (đã trừ chi phí) lên đến 12.000 tỉ đồng năm 2018 hay hơn 1.000 tỉ đồng vào năm 2016 đã không được tính vào kết quả kinh doanh của mảng bán lẻ trên báo tài chính hợp nhất của Vingroup.
Với tình hình tài chính được cải thiện cùng với quy mô hệ thống được mở rộng nhanh chóng chính vì vậy mà mới đây Vincommerce đã được quỹ GIC của chính phủ Singapore rót 500 triệu USD và định giá lên đến 3 tỉ USD chỉ sau 5 năm hiện diện trên thị trường. Trước thời điểm GIC rót vốn vào Vincommerce, chuỗi bán lẻ VinMart, VinMart+ được định giá khoảng 2,58 tỉ USD
Với VinEco, công ty có vốn điều lệ 2.000 tỉ đồng, trong đó Vingroup sở hữu 100% tỉ lệ biểu quyết nhưng tỉ lệ lợi ích được hưởng là 64,3%. VinEco là công ty nông nghiệp áp dụng công nghệ vào sản xuất với sở hữu 15 nông trường trên cả nước với quỹ đất 3.000ha.
Trong báo cáo tài chính của Vingroup, mảng nông nghiệp được hạch toán vào bộ phận kinh doanh khác với tổng doanh thu thuần năm 2018 đạt 7.824 tỉ đồng và lãi trước thuế bộ phận 190 tỉ. 9 tháng từ đầu năm nay, nông nghiệp cùng các hoạt động kinh doanh khác của Vingroup ghi nhận 3.176 tỉ doanh thu và lỗ trước thuế theo bộ phận 627 tỉ đồng.
Như vậy, để nắm quyền chi phối trong công ty mới sau hoán đổi, Masan của tỉ phú Nguyễn Đăng Quang có lẽ cũng đã phải chi hàng tỉ USD trong thương vụ “bom tấn” này? Một số nhà phân tích tài chính nhìn nhận, thương vụ này có giá trị khoảng 3 tỉ USD - tương đương với mức định giá của Vincommerce khi được quỹ GIC của chính phủ Singapore rót vốn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.