Hạt thanh long xuất khẩu-Sản phẩm mới
Tại một điểm trưng bày các sản phẩm đạt chất lượng OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) tỉnh Bình Thuận diễn ra vừa qua, tôi thật sự ấn tượng với các sản phẩm chế biến từ thanh long, đạt tiêu chuẩn 4 sao, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.
Lần này, trước mắt tôi là sản phẩm hạt thanh long trắng, hạt thanh long đỏ được đóng gói với trọng lượng 100 gam, hút chân không, với mẫu mã, bao bì bắt mắt.
Theo thông tin của nhà sản xuất, sản phẩm mới này được làm từ 100% hạt thanh long, sử dụng làm nguyên liệu ngành mỹ phẩm và ngành y tế.
Ông Trần Văn Liêm- Giám đốc điều hành Công ty TNHH Nước ép Phúc Hà (Công ty Phúc Hà, xã Hải Ninh, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận), chia sẻ về sản phẩm chế biến mới và ra mắt thị trường trong năm vừa qua.
Ông Liêm cho biết, là doanh nghiệp chuyên sản xuất nước ép thanh long, rượu thanh long; nhận thấy lâu nay, thanh long sau khi ép lấy nước, sẽ còn lại xác trái và hạt thanh long không sử dụng đến. Trong năm 2020, công ty đã thử nghiệm và đầu tư máy móc, dây chuyền công nghệ của nước ngoài để tách hạt thanh long.
Theo đó, hạt thanh long sau khi tách sẽ được phơi tự nhiên trong khoảng 1 tuần mới đóng gói. Hiện nay, sản phẩm hạt thanh long xuất khẩu này đã được xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc với giá 250 USD/kg.
Tuy nhiên, để có được số lượng lớn hạt thanh long không dễ, bởi sẽ cần đến 250 tấn trái thanh long mới làm ra 1 tấn hạt thanh long.
Riêng với doanh nghiệp này, thanh long ruột đỏ sẽ được sử dụng làm nước ép, rượu thanh long, sau đó tận dụng tách hạt thanh long xuất khẩu nên mang lại hiệu quả kinh tế…
Cần đẩy mạnh chế biến sâu trái thanh long
Việc tỉnh Bình Thuận có thêm sản phẩm mới chế biến từ thanh long, nhất là sản phẩm hạt thanh long sẽ mang đến hy vọng về thị trường tiêu thụ sản phẩm trái thanh long tươi, qua đó hạn chế tình trạng giá thanh long bấp bênh hiện nay.
Ông Liêm chia sẻ thêm, về nguồn nguyên liệu trái thanh long, doanh nghiệp đang thu mua cho nông dân trên địa bàn huyện Bắc Bình. Qua đó, phần nào giúp bà con trồng thanh long có đầu ra cho sản phẩm, nhất là các sản phẩm không đạt hình thức để xuất khẩu.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, hiện toàn tỉnh có 6 cơ sở chế biến thanh long, với tổng năng lực chế biến vào khoảng 182.000 tấn, chiếm khoảng 29,26% tổng sản lượng.
Tuy nhiên, hầu hết các sản phẩm thanh long chế biến đang tiêu thụ nội địa. Do gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ nên lượng thanh long đưa vào chế biến hàng năm chỉ đạt rất thấp so với tổng năng lực chế biến.
Trong khi đó, những năm gần đây, thị trường tiêu thụ sản phẩm thanh long tươi của tỉnh Bình Thuận thường biến động trồi sụt theo chiều hướng “được mùa mất giá, được giá mất mùa” khiến đa số nông dân đều rơi vào hoàn cảnh thua lỗ, ít có động lực đầu tư tái sản xuất.
Do đó, một trong những giải pháp phát triển thanh long bền vững được các đơn vị chuyên môn đưa ra là khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp lớn đầu tư kho bảo quản dự trữ thanh long. Mục đích, nhằm điều tiết sản lượng thanh long cung cấp ra thị trường, đặc biệt là đầu tư chế biến quy mô công nghiệp, đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm thanh long.
Những năm qua, UBND tỉnh Bình Thuận đã có Quyết định số 16/2017 về hỗ trợ đổi mới công nghệ, thiết bị đối với các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm lợi thế tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2016-2020, trong đó có hỗ trợ lãi suất vốn vay cho các doanh nghiệp sản xuất và chế biến trái thanh long.
Ngoài ra, Nghị quyết số 86/2019 của HĐND tỉnh Bình Thuận đã phê duyệt chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh… Đây là bước đệm, lấy đà để các doanh nghiệp tiêu thụ, chế biến thanh long trên địa bàn tỉnh mạnh dạn đầu tư, không ngừng phát triển các sản phẩm mới, từng bước nâng giá trị sản phẩm lợi thế của tỉnh.
Ở thời điểm này, việc ra mắt sản phẩm hạt thanh long xuất khẩu dù chưa nhiều, nhưng được coi là hướng đi mới, góp phần đa dạng hóa sản phẩm chế biến từ thanh long, đưa sản phẩm lợi thế đến với người tiêu dùng…