Nạn sâu đầu đen phá dừa Bến Tre, đi tới đâu dừa trụi lá tới đó, ăn cả quả dừa
Bến Tre: Đáng lo, loài "giặc đầu đen" bất trị này lan nhanh, gặp gió chướng là "đu đưa" ăn sạch lá dừa
Chủ nhật, ngày 14/03/2021 06:35 AM (GMT+7)
Đến nay, có 6/9 huyện, thành phố trong tỉnh Bến Tre bị sâu đầu đen phá hại, với tổng diện tích dừa bị sâu đầu đen phá hại 146,7ha. Gió chướng làm cho sâu đầu đen lan nhanh vì chúng treo tơ theo gió đu sang các cây dừa lân cận.
Mức độ thiệt hại, đốn bỏ cây dừa ở tỉnh Bến Tre đang nhân lên từng ngày ở các "ổ dịch" có sâu đầu đen.
Sâu đầu đen có tốc độ lây lan nhanh
Ông Lê Văn Tùng, ngụ Tổ 1, ấp An Nhơn 1, xã Đa Phước Hội, huyện Mỏ Cày Nam (tỉnh Bến Tre) lắc đầu ngao ngán trước sự bất trị của sâu đầu đen.
Vườn dừa của ông Tùng vẫn còn nặng mùi thuốc trừ sâu sau mấy ngày phun xịt. Ông Tùng cho biết: “Đến lần thứ ba phun thuốc, tôi phải thuê người ở xã Hương Mỹ. Ông ấy có máy phun rất mạnh, phun ướt hết tán lá nên tiền công từ 5.000 đồng lên 7.000 đồng/cây dừa. Lượng thuốc phun xịt hao hơn, nhưng vẫn chưa diệt hết sâu đầu đen. Nếu bỏ ra 100.000 đồng/cây dừa để phun thuốc diệt hết sâu đầu đen thì tôi cũng sẵn sàng nhưng không ai dám nhận”.
Loại sâu đầu đen làm kén trú ngụ dưới lá dừa nên phun xịt rất khó khăn. Sâu ăn hết biểu bì màu xanh làm lá còn mỏng lét và khô đi, ăn hết lá già đến lá non, rồi đến trái; kể cả những cây dừa con mới nhô khỏi mặt đất vài ba tấc cũng ăn rụi hết.
Chủ tịch UBND xã Đa Phước Hội Nguyễn Văn Nhân cho biết: Trước khi có sâu đầu đen xuất hiện, lãnh đạo UBND xã tổ chức tập huấn cách nhận biết, phòng trị sâu đầu đen; phát hàng trăm tờ bướm tuyên truyền “Biện pháp quản lý tạm thời sâu đầu đen hại dừa” đến từng tổ nhân dân tự quản.
Ngay khi có sâu đầu đen xuất hiện, xã đã phối hợp với Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Mỏ Cày Nam (tỉnh Bến Tre) đến từng hộ khảo sát, tổ chức ngay 2 cuộc hướng dẫn nhân dân cách phòng trị.
Vận động người dân phun xịt thuốc trên diện rộng, kể cả gia đình chỉ có 1, 2 cây dừa. Thế nhưng, sâu đầu đen vẫn tấn công và phá hại khoảng 2ha (tính đến ngày 28-2-2021), trong đó 50% diện tích dừa bị hư hỏng, người dân phải đốn bỏ hàng loạt cây dừa đang cho trái.
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, tháng 7-2020, trên địa bàn tỉnh xuất hiện một đối tượng sâu mới gây hại trên dừa có tên gọi là sâu đầu đen Opisina Arenosella Walker. Diện tích nhiễm 2,4ha, tại ấp Giồng Tre, xã Phú Long, huyện Bình Đại. Đây là loài sâu hại nghiêm trọng, có nguồn gốc từ miền Nam Ấn Độ và Sri Lanka.
Kết quả điều tra của Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật các huyện cho thấy, diện tích sâu đầu đen gây hại trên địa bàn tỉnh 146,78ha, xuất hiện rải rác ở các huyện Bình Đại, Châu Thành, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Chợ Lách và TP. Bến Tre.
Diện tích dừa nông dân tự đốn tiêu hủy 2,7ha ở huyện Châu Thành và TP. Bến Tre (thực tế con số này lớn hơn). Cụ thể, vườn dừa ở “tâm dịch” xã Đa Phước Hội đã đốn hạ hàng loạt.
Thiệt hại gia tăng
Trước nạn sâu đầu đen phá hại vườn dừa, Chủ tịch UBND xã Đa Phước Hội Nguyễn Văn Nhân ý kiến, tỉnh cần công bố dịch để có phương án kiểm soát đồng loạt. Bởi người dân xã Đa Phước Hội và huyện Mỏ Cày Nam thu nhập chủ yếu nhờ cây dừa và chuỗi giá trị dừa chi phối lớn kinh tế người dân.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, sâu đầu đen là đối tượng dịch hại mới xuất hiện ở Việt Nam, chưa có quy trình được công nhận để quản lý sâu đầu đen hại dừa. Đồng thời, chưa có loại thuốc nào tại Việt Nam đăng ký phòng trị. Đặc điểm loại sâu này là có thể ăn toàn bộ cây dừa (từ thân, lá đến trái), mức độ lây lan phát triển rất nhanh.
Thời gian qua, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã biên soạn hoàn tất quy trình quản lý tạm thời sâu đầu đen hại dừa dựa trên các tài liệu và hướng dẫn của Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam và một số ghi nhận thực tế tại Bến Tre.
Chi cục phối hợp với các địa phương tổ chức 10 cuộc tập huấn triển khai “biện pháp quản lý tạm thời sâu đầu đen” tại Bình Đại, Châu Thành, Mỏ Cày Nam và Giồng Trôm.
Để phòng trừ sâu đầu đen, bước đầu chi cục cũng đã phối hợp các ban, ngành và địa phương thực hiện các biện pháp phòng trừ, như: giựt tàu lá bị gây hại nặng đem tiêu hủy và phun thuốc hóa học (Emamectin banezoate) hoặc sinh học (Bacillus thuringiensis); phối hợp các doanh nghiệp thuốc bảo vệ thực vật để hỗ trợ người trồng dừa phun xịt, thực hiện khảo nghiệm nhanh một số loại thuốc bảo vệ thực vật ít độc; phối hợp 7 doanh nghiệp chế biến dừa trong chuỗi dừa để quản lý sâu đầu đen bằng biện pháp sinh học.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.