Theo báo cáo thường niên năm 2020 của CTCP Máy - Thiết bị Dầu khí (PV Machino, UPCoM: PVM) cho biết, năm 2021, PVM đặt kế hoạch 1.000 tỷ đồng doanh thu, tăng hơn 35% so với năm ngoái.
Lợi nhuận sau thuế 2021 xấp xỉ 50 tỷ đồng, tương đương so với năm 2020. Tỷ lệ chi trả cổ tức sẽ tăng từ 10% lên 11%.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng sẽ thực hiện công tác tái cấu trúc thông qua thoái vốn tại hàng loạt đơn vị như CTCP PEC Hà Nội, CTCP Máy – Thiết bị Việt Nam, CTCP Đóng mới và Sửa chữa Tàu dầu khí Nhơn Trạch Shipyard, CTCP Máy – Thiết bị Dầu khí miền Bắc Việt Nam, CTCP Thực phẩm Nghệ An do hoạt động yếu kém, có đơn vị gián đoạn hoạt động nên chưa đủ điều kiện thoái vốn. Do vậy công ty tiếp tục nghiên cứu thị trường để thực hiện khi đủ điều kiện và không lỗ.
PVM đang thực hiện tái cơ cấu tại Công ty TNHH MTV Máy – TBDK Sài Gòn và thoái vốn hoàn toàn khỏi CTCP Máy – TBDK Đà Nẵng trong giai đoạn 2021-2025.
Trong năm 2021, PV Machino cũng đặt ra một số nhiệm vụ trọng tâm như cung cấp vật tư, thiết bị cho các nhà máy của Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (HOSE: POW) và các đơn vị thành viên; tập trung công tác thu hồi công nợ; thực hiện công tác quản lý, đầu tư, khai thác hiệu quả các cơ sở vật chất, tài sản; đầu tư và hợp tác đầu tư các dự án có tính bền vững trong tương lai; hoàn thành công tác tái cấu trúc.
Đáng chú ý, báo cáo thường niên năm 2020 của PVM thông tin thêm, thời gian tới, doanh nghiệp cũng sẽ tập trung vào công tác đầu tư, khai thác cơ sở vật chất sẵn có và các cơ hội đầu tư.
Cụ thể, đối với lô đất tại số 8 Tràng Thi, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), PVM dự kiến sẽ sửa chữa và cải tạo năm nay. Hiện lô đất số 8 Tràng Thi đang được PVM sử dụng làm văn phòng và kinh doanh nhượng quyền.
Với khu đất tại Đông Anh (Hà Nội), PVM thông tin đã chấm dứt hợp tác dự án và tiếp tục cho thuê tài sản có sẵn tại đây.
Khu đất tại phường Khương Đình, quận Thanh Xuân (Hà Nội) 137,4 m2 và khu đất tại phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân (Hải Phòng) 92,4 m2 , PVM cho biết đã dừng đầu tư xây dựng tại Khương Đình và đang nghiên cứu lập phương án chuyển nhượng vào thích hợp hai khu đất này.
Còn phần vốn góp tại dự án Nam An Khánh, Hà Nội (công ty nắm 10% quyền tham gia dự án HH3 Nam An Khánh), doanh nghiệp cho biết sẽ cố gắng hoàn thiện hồ sơ pháp lý, nghiên cứu các phương án triển khai phù hợp.
PVM hiện đang quản lý và sử dụng nhiều bất động sản có giá trị, trong đó hoạt động cho thuê đem lại doanh thu hàng năm khoảng 30 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp khoảng 10 tỷ đồng. Nổi bật là 1.827,69 m2 đất tại số 8 Tràng Thi (Hoàn Kiếm, Hà Nội), được ghi nhận lợi thế vị trí địa lý khi cổ phần hoá là 28,5 tỷ đồng và sẽ bù trừ với tiền thuê đất hàng năm phải trả cho nhà nước;
Lô đất 23.600 m2 tại Đông Anh hiện đang cho thuê trong thời gian chờ đợi triển khai phát triển dự án bất động sản với đối tác. PVM còn liên doanh với Công ty Bách hóa Hà Nội để khai thác lô đất số 7 Đinh Tiên Hoàng (tòa nhà Hàm Cá Mập).
Bên cạnh đó, PVM còn sở hữu 10% vốn góp tại Dự án “Khu chung cư cao cấp, dịch vụ hỗn hợp-KĐT Nam An Khánh” thuộc lô HH3 của dự án Nam An Khánh, huyện Hoài Đức sau khi đối trừ công nợ với CTCP xây lắp dầu khí IMICO với giá trị định giá 81,7 tỷ. Cổ đông lớn nhất tại dự án là PVCombank chiếm tỷ lệ 50%. Giá trị thị trường ước tính của các bất động sản lên tới vài nghìn tỷ đồng, trong khi giá trị sổ sách hiện chỉ là 134 tỷ đồng.
Công ty góp vốn vào 2 công ty con là Công ty TNHH Máy và thiết bị dầu khí Sài Gòn và Công ty cổ phần Máy thiết bị dầu khí Đà Nẵng đang niêm yết trên sàn upcom (mã chứng khoán DAS, vốn điều lệ 42 tỷ).
Trong đó, CTCP Máy thiết bị dầu khí Đà Nẵng (Daesco) là một đại lý lớn của hãng ô tô Mitsubishi tại Việt Nam. Năm 2019 Daesco đạt doanh thu 806 tỷ đồng, tương đương với sản lượng xe bán ra là 1.356 xe.
Daesco đang quản lý sử dụng một số khu đất ở Đà Nẵng như trụ sở 53 Trần Phú có diện tích 218,8m2; 1.806m2 ở 51 Phan Đăng Lưu; 3.241m2 ở 495 Nguyễn Lương Bằng, quận Liên Chiểu; 15.356 m2 ở số 10 Nguyễn Phục (Khu Công nghiệp dịch vụ Thủy sản Đà Nẵng).
Ngoài ra, Daesco còn có một lô đất ở Thừa Thiên Huế đầu tư xây dựng MITSUBISHI DAESCO HUẾ.
Chưa kể, PV Machino còn có 3 công ty liên doanh cơ khí với Nhật, mỗi năm chia cổ tức cho PVM khoảng 70 - 100 tỷ đồng. 3 liên doanh này sản xuất phụ tùng ô tô xe máy cung cấp cho các công ty Nhật tại Việt Nam và xuất khẩu. Lợi nhuận của 3 liên doanh này tương đối ổn định trong nhiều năm, cổ tức chia về cho PVM cũng tương đối ổn định.
Cách đây 25 năm, khi còn là doanh nghiệp nhà nước, công ty Machino nắm 30% trong liên doanh với các đối tác Nhật Bản: Nippon Seiki, Showa, FCC chuyên sàn xuất phụ tùng ô tô, xe máy. Sau khi cổ phần hóa, PVM chỉ còn nắm 10% vốn tại Công ty TNHH FCC Việt Nam, 10% của Công ty TNHH Vietnam Nippon Seiki và 8,45% Công ty TNHH Phụ tùng xe máy, ô tô SHOWA Việt Nam.
Báo cáo tài chính của PV Machino các năm qua cho thấy, thu nhập từ các công ty PVM góp vốn đang là nồi cơm chính của PVM. Cổ tức và lợi nhuận được chia cho PVM năm 2016 hơn 100 tỷ đồng, năm 2017 là gần 84 tỷ đồng và năm 2018 là hơn 80 tỷ đồng, năm 2019 PVM thu được 81,3 tỷ đồng. Năm 2020 PVM ghi nhận gần 51 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tuy nhiên, thu nhập từ cổ tức và lợi nhuận được chia là 83 tỷ đồng.
Một thông tin đáng chú ý gần đây, POW đã ban hành nghị quyết thông qua phương án chuyển nhượng cổ phần tại PVM. Theo kế hoạch, số lượng cổ phần bán chuyển nhượng vốn là 19,93 triệu đơn vị, tương đương toàn bộ lượng cổ phần PV Power sở hữu tại PVM, 51,58%.
Trên thị trường, PVM tăng khá mạnh trước thông tin trên. Chốt phiên 12/3/2021, PVM đạt 26.800 đồng/cp, tăng khoảng 60% thị giá từ đầu năm. Chứng khoán SHS cũng đăng ký bán ra toàn bộ hơn 3,8 triệu cổ phiếu, tương đương 9,9% vốn PVM, giao dịch dự kiến thực hiện qua phương thức thoả thuận và khớp lệnh từ ngày 12/3-9/4/2021.