Trong phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc lại lý do thành lập Tổ công tác. Theo ông, đầu nhiệm kỳ này, chúng ta thấy nhiều vấn đề đặt ra như kỷ luật, kỷ cương hành chính, đặc biệt là chậm xử lý công việc cho người dân, doanh nghiệp. Nhiều cơ chế chính sách chậm đi vào cuộc sống, nhiều tầng, nấc trung gian gây cản trở sự phát triển. Cho nên, niềm tin của người dân, của doanh nghiệp bị ảnh hưởng.
"Khắc phục tình trạng "bắn chỉ thiên", "trên bảo dưới không nghe", "phép vua thua lệ làng" và với tinh thần thắt chặt kỷ cương phép nước, Thủ tướng đã quyết định thành lập Tổ công tác cùng với những biện pháp khác để giải quyết ách tắc, để cởi trói cho sản xuất, không để các cơ quan chậm trễ, không bỏ quên, bỏ sót việc, làm cản trở sự phát triển. Trong đó, có một việc rất khó là cắt bỏ thủ tục bởi việc này liên quan đến cắt bỏ quyền lợi, lợi ích cá nhân, cục bộ. Vì vậy, tại các phiên họp Chính phủ thường kỳ hằng tháng, Chính phủ đều nghe Tổ công tác báo cáo kết quả hoạt động để xem xét, quyết định xử lý các vấn đề đặt ra như sửa các văn bản, cắt bỏ các thủ tục…
Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao kết quả của Tổ công tác, trong 5 năm qua, đã tiến hành 104 cuộc kiểm tra với 22 bộ, cơ quan ngang bộ, 2 cơ quan trực thuộc Chính phủ, 44 địa phương, 12 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. "Nhìn chung, Tổ công tác hoàn thành khá toàn diện cả 6 nhiệm vụ được giao trong Quyết định 1642 và 1289", với tinh thần quyết liệt, không ngại va chạm.
Việc thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao chuyển biến rất tích cực, đặc biệt tình trạng nợ đọng nhiệm vụ được chấn chỉnh. Đến nay, số nhiệm vụ quá hạn chỉ chiếm 1,8%, giảm gần 25% so với thời điểm Tổ công tác thành lập. Cả nhiệm kỳ Chính phủ, số đề án chưa trình chỉ chiếm 0,5%, chỉ bằng 1/4 so với cuối nhiệm kỳ trước. Thủ tướng nhắc lại, tháp tùng Thủ tướng đi công tác, làm việc với các bộ, địa phương, thì trong nội dung đầu tiên khi phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) đều nêu "nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao anh đã làm được đến đâu, còn những tồn tại nào".
Hoạt động của Tổ công tác đã được Hội nghị Trung ương 6 khóa XII đánh giá: "Việc thành lập Tổ công tác của Thủ tướng là cần thiết, Tổ hoạt động quyết liệt, không ngại va chạm đem lại hiệu quả tích cực. Đây là điểm sáng nhất cần phải đánh giá rõ và nhấn mạnh hơn…".
Chính công tác kiểm tra đã góp phần ngày càng hoàn thiện thể chế, chính sách, khắc phục một phần quan trọng tình trạng "tham nhũng chính sách", tư tưởng "cài cắm", tạo rào cản, giấy phép con gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
Điều đáng mừng nữa là tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết được khắc phục. Đến 13/3/2021, chỉ còn nợ đọng 14 văn bản của năm 2020 (trong khi đó, cuối nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII, Chính phủ nợ 58 văn bản; cuối nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, Chính phủ nợ 39 văn bản).
"Chúng tôi đang phấn đấu không còn văn bản quy định chi tiết nợ đọng trước khi khai mạc kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV vào ngày 24/3/2021", Thủ tướng nhấn mạnh. Hoạt động của Tổ công tác đã lan tỏa hiệu ứng tích cực đến nhiều bộ, cơ quan, địa phương khác trong việc thực hiện nhiệm vụ giao.
Thủ tướng cũng chia sẻ, đây là những ngày cuối cùng Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, chúng ta bàn giao những gì tốt đẹp nhất cho những đồng chí nhận nhiệm vụ mới nên việc triển khai cơ chế, chính sách, thể chế là quan trọng, không để chậm ban hành, không để ban hành sai.
Thủ tướng cũng đánh giá cao Tổ công tác đã áp dụng công nghệ trong quá trình xử lý. Ghi nhận thành quả của Tổ công tác sau 5 năm hoạt động, Thủ tướng tặng Tổ công tác "8 chữ" là "Quyết liệt, kịp thời, hiệu quả, thực chất".
Thủ tướng lưu ý, Tổ công tác không phải là cấp trên của các bộ, ngành, địa phương mà chỉ được ủy quyền của Thủ tướng trong việc kiểm tra, đôn đốc, phát hiện. Vì thế, Tổ công tác không làm thay chức năng quản lý nhà nước của các bộ, ngành. Trong quá trình này, cần hợp tác thân thiện, thẳng thắn, cùng phối hợp xử lý công việc chung.
Người đứng đầu Chính phủ đề nghị các bộ, các cơ quan, địa phương không được chủ quan, không được sớm bằng lòng với kết quả đạt được, phải tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao với tinh thần quyết liệt, không để nợ đọng nhiệm vụ.
Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ tiếp tục đề cao vai trò, trách nhiệm, có giải pháp giải quyết dứt điểm tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản pháp luật để không nợ đọng. Không để tình trạng chồng chéo, vướng mắc trong thể chế hiện hành, không để ban hành sai những thể chế kìm hãm sự phát triển.
Tất cả các bộ, cơ quan, địa phương trên cả nước có những giải pháp cụ thể thúc đẩy và nâng cao hoạt động của Tổ công tác của Bộ, cơ quan, địa phương trong đôn đốc, kiểm tra thực hiện nhiệm vụ, tiếp tục đổi mới phương thức.