Nông dân diệt chuột rất giỏi, không cần phải tập huấn
Xung quanh việc UBND TP.Cần Thơ duyệt kế hoạch dự kiến chi 30 tỷ đồng để diệt chuột, trong đó vốn ngân sách chi ra là 22,5 tỉ đồng (trong 5 năm, từ 2021 đến 2025) để mở 1.585 cuộc tập huấn và mua bẫy chuột..., PV Dân Việt đã có trao đổi với nhiều nông dân ở Cà Mau. Đa số nông dân cho rằng nhiều năm sản xuất lúa, họ chủ yếu diệt chuột dựa vào kinh nghiệm và cũng không cần thiết để phải bỏ kinh phí để có các lớp tập huấn.
Chia sẻ với chúng tôi, nông dân Huỳnh Mát (ngụ xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau), cho rằng: "Diệt chuột là phải thực hiện đồng loạt mới hiệu quả. Lúa ở đây khi xuống giống thì cũng làm đồng loạt, nên khi đến thời điểm dọn dẹp bờ, diệt chuột cũng có thể làm cùng lúc".
"Dựa vào kinh nghiệm và nhiều đợt tuyên truyền của địa phương, ngành chức năng thì nông dân nắm rõ cách diệt chuột hiệu quả. Trong quá trình làm lúa, nông dân cũng nắm rõ đặc tính của loài chuột, nên cũng có thể dễ dàng dùng các biện pháp phòng trừ" - ông Mát cho hay.
Trong khi đó, ông Huỳnh Văn Thân (ngụ huyện Trần Văn Thời), chia sẻ: "Từ lúc làm lúa tới nay gần 30 năm, tôi chưa lần nào phải qua một lớp tập huấn để học cách diệt chuột. Và chính quyền cũng không cần thiết phải bỏ kinh phí ra để tập huấn cho dân diệt chuột, có nhiều sinh vật gây hại nguy hiểm hơn cần quan tâm. Chủ yếu dựa vào kinh nghiệm thì nông dân có thể diệt chuột hiệu quả".
Theo ông Thân, thông thường ở đầu vụ nông dân sẽ diệt chuột trước khi xuống giống. Đặc biệt, khi lúa chuẩn bị làm đòng, nông dân tăng cường diệt chuột, tránh gây hại cho cây lúa, làm giảm năng suất khi trổ.
Diệt chuột theo cộng đồng mới hiệu quả
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Trần Thức – Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Cà Mau, cho biết, tỉnh không có kế hoạch diệt chuột hằng năm hoặc giai đoạn. Bởi thực tế vùng Cà Mau không chuột nhiều như các tỉnh An Giang, Đồng Tháp.
"Hằng năm ngành chuyên môn và địa phương chỉ hướng dẫn phòng trừ sinh vật gây hại chung, chứ không có kế hoạch hay kinh phí để làm các chương trình diệt chuột lớn. Bởi chuột là dịch hại thông thường, trong khi nguồn kinh phí có thể được sử dụng cho các chương trình chiến lược khác" - ông Thức nhấn mạnh.
Cũng theo ông Thức, các dịch hại nói chung, thì Bộ NNPTNT sẽ căn cứ tình hình cụ thể hằng năm và sẽ có các văn bản chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ tức thời ở giai đoạn đó. Đối với những sinh vật gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp hoặc an ninh lương thực quốc gia, những dịch bệnh rất khó phòng trị và ảnh hưởng trực tiếp đến toàn vùng, miền, thì mới có những chiến lược lớn.
Cũng theo ông Thức, các sinh vật sống trong tự nhiên đều có quy luật phát triển riêng. Và không thể có quan điểm diệt chuột triệt để được, phải có sự cân bằng sinh học. "Trừ trường hợp con người tác động hoặc các yếu tố tự nhiên tác động thì mới làm cho số lượng chuột tăng đột biến, lúc này mới có khả năng xảy ra dịch.
Những kiến thức diệt chuột nói chung nông dân họ biết hết, cái khó nhất hiện nay là phải diệt chuột cộng đồng. Bởi diệt chuột cộng đồng đòi hỏi phải có lực lượng lao động. Và ai là người đứng ra phát động phong trào diệt chuột theo cộng đồng là vấn đề khó. Nếu các địa phương phối hợp được các lực lượng đoàn thể thành một phong trào cùng ra đồng diệt chuột thì hiệu quả càng cao" - ông Thức nêu quan điểm.
Một số nông dân được PV hỏi cũng ngạc nhiên nói: Không biết mở lớp tập huấn ra rồi, thì ai sẽ tập huấn cho ai, chuyên gia tập huấn cho nông dân hay nông dân tập huấn cho nông dân. Nói chung, đó là một kế hoạch lãng phí, không cần thiết, nên dùng vào việc khác.
Theo tìm hiểu của phóng viên, tại tỉnh Cà Mau, diệt chuột là hoạt động bình thường và thường xuyên của ngành nông nghiệp. Ngay đầu vụ, ngành chức năng luôn tổ chức tuyên truyền chủ động công tác diệt chuột và nắm được thông tin để dự báo cho người dân. Trong trường hợp chuột phát triển nhiều thành dịch thì tỉnh sẽ công bố dịch, ngành chức năng sẽ tham mưu UBND tỉnh có chương trình, xây dựng kế hoạch huy động toàn lực tập trung dập dịch.
Như Dân Việt đã đưa tin, lãnh đạo UBND TP.Cần Thơ vừa ký kế hoạch phòng chống chuột bảo vệ sản xuất trồng trọt giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn thành phố.
Theo đó, tổng số tiền thực hiện kế hoạch diệt chuột trên là gần 30 tỷ đồng. Trong đó, hơn 22,5 tỷ đồng là vốn đề xuất ngân sách thành phố, số còn lại là vốn đối ứng của nông dân.
Kinh phí gần 30 tỷ đồng trên dùng vào việc tập huấn nông dân diệt chuột trong giai đoạn 5 năm (2021-2025). Đối với cây lúa, nông dân được tập huấn 1.500 cuộc, đối với cây ăn trái sẽ có 85 cuộc.
Đối với diện tích cây trồng có nguy cơ bị chuột gây hại, nông dân sẽ được hỗ trợ bẫy chuột với số lượng 22.500 bẫy chuột/năm. Trong 5 năm, sẽ hỗ trợ 112.500 chiếc bẫy chuột trên tổng diện tích 225.142 ha.
Ngoài bẫy chuột, thuốc hỗ trợ sinh học cũng được áp dụng để diệt chuột trên diện tích bị gây hại. Cụ thể, hỗ trợ 1.125 kg/năm, tổng số hỗ trợ 5 năm là 5.625 kg thuốc sinh học.
Bên cạnh đó, trong kế hoạch diệt chuột cũng cho biết, TP.Cần Thơ sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng chống chuột gây hại trên cây trồng trên các phương tiện thông tin đại chúng, in poster, tài liệu, đăng báo và tuyên truyền thông qua các hội nghị, hội thảo.
Hằng năm sẽ tổ chức hội nghị triển khai và tổng kết để đánh giá tình hình thực hiện và đề ra nhiệm vụ năm tiếp theo.
Mục tiêu của kế hoạch là quản lý được chuột gây hại ở Cần Thơ, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do chuột gây ra trên các loại cây trồng, đảm bảo sản xuất thắng lợi.
Lãnh đạo UBND TP.Cần Thơ yêu cầu Sở NNPTNT chủ trì, phối hợp với Sở Tài Chính, Sở Thông tin và truyền thông, Hội Nông dân, UBND các quận, huyện thực hiện kế hoạch trên.