Cần Thơ có 95.000 ha trồng lúa, rau màu, 20.000 ha cây ăn trái. Những năm qua, nông dân phản ánh, cây trồng, hoa trái bị chuột cắn phá rất nhiều, diệt hoài mà không hết!
Không hết, bởi người người chưa chung tay, bởi chuột sinh sản cấp số nhân. Từ 1 cặp chuột sinh sản đầu tiên, sau 1 tháng đã thành 1 gia đình chuột, 1 năm thành dòng họ chuột có đến hơn 10 nghìn con. Chuột có vòng đời 1 năm, sức ăn thì khủng khiếp, lên tới 75% khối lượng cơ thể mỗi ngày. Chuột ăn, chuột phá…đôi khi lớn hơn trận bão, lụt đi qua.
Quản lý chuột gây hại một cách chủ động, đồng loạt đánh, bắt đúng thời điểm, đúng phương pháp, liên tục đảm bảo cho an toàn lúa, màu, vườn cây ăn trái ở tất cả các làng, xã, quận, huyện là một chương trình cần kíp, thiết thực với nhà nông. Vì thế mà Cần Thơ – địa phương đầu tiên trong cả nước chịu chi 30 tỷ đồng cho diệt chuột; trong đó, ngân sách của địa phương chi 22,5 tỷ đồng, nông dân đối ứng 7,5 tỷ đồng.
Kế hoạch sẽ tổ chức tập huấn cho nông dân trồng lúa 1.500 cuộc, nông dân trồng cây ăn trái 85 cuộc. Theo đó là hỗ trợ 22.500 chiếc bẫy chuột và 1.125 kg thuốc sinh học/năm. Hằng năm, tổ chức hội nghị triển khai và tổng kết đánh giá tình hình thực hiện, đề ra nhiệm vụ năm tiếp theo. Khoản dự chi cho hoạt động tuyên truyền, vận động ước sẽ in 2.500 poster, 25.000 tài liệu bướm, thực hiện 20 kỳ đăng báo, bài phóng sự, phản ảnh, tọa đàm… về nội dung quản lý chuột gây hại trên cây trồng. Thời gian thực hiện là 5 năm liền, mô hình bẫy chuột trên diện tích cây trồng tại cộng đồng thực hiện trong 7 năm.
Mừng cho nông dân, nông nghiệp Cần Thơ, tuy nhiên, góc nhìn của người dân vẫn thấy có gì "vương vướng". Ấy là, khoản chi gián tiếp nhiều, lại thuộc quyền định đoạt ở cấp trên. Ví như, khoản chi tập huấn được "bỏ" vào đây khá dễ dàng. Hiệu quả của các cuộc tập huấn đó đến đâu, đo lường sự thay đổi hành vi, kỹ năng sử dụng công cụ bắt, diệt chuột thế nào? Trong khi, người dân Miền Tây rất thành thục việc đánh, bắt chuột bằng những công cụ giản đơn như bẫy tự tạo, bỏ bả, rấp chà, giậm cù, đào hang đổ nước, chĩa đâm, dàn thun bắn...có hiệu quả cao không ngờ.
Nhiều trưởng thôn, thợ săn bắt chuột hiến kế, diệt chuột nhiều mà ít tốn chi phí cho hội thảo, tập huấn, cấp phát bẫy chuột dùng tiền từ ngân sách…mà hàng ngày vẫn thu hàng tấn chuột để chôn lấp, tiêu hủy - hãy giao việc ấy cho Hội Nông dân tuyên truyền, phổ biến nông dân; rồi căng băng rôn, cắm điểm tại các thôn làng để thu mua chuột với giá cao, thanh toán tiền ngay theo lượng giao nộp thì sẽ có người người, xã xã…hăng hái tìm, bắt chuột. "Lợi ích" sẽ tạo nên động lực, phong trào cũng từ đấy mà có, mà lên.
Một nhà báo phụ trách mảng nông nghiệp, người rất dạn dày với cơ sở, cho rằng, tập huấn là cần thiết, nhưng tiền ngân sách chi thuê hội trường, máy chiếu, giảng viên, hỗ trợ đi lại…thì tốn và khá "cồng kềnh"! Có những khi, học viên đến để điểm danh, nhận tiền "chế độ" rồi bỏ ngang – khiếm khuyết ấy có nguyên do từ việc dễ chi, dễ tiêu, dễ quyết toán. Đôi khi lại là cách giải ngân cho việc dễ làm mà khó nghiệm thu kết quả.
Nhiều nông dân miền Tây, như báo Dân Việt đã tìm hỏi, nói rằng họ rất rành cách diệt chuột và chẳng cần phải tập huấn. Họ đã chủ động diệt chuột và không còn sợ chuột gây hại như trước nữa.
Cho nên, trên các diễn đàn, không ít ý kiến không hiểu vì sao mà lại cần dạy người dân miền Tây cách diệt chuột, có người còn bảo, tập huấn rồi đến đó không biết ai dạy ai?
Có được một chương trình hành động, một mức chi không nhỏ cho kế hoạch diệt chuột như ở Cần Thơ mà Hội Nông dân trực tiếp thực hiện là điều "mơ ước" của không ít tỉnh thành. Nhưng ăn ở với đồng tiền là điều rất khó. Để vững tin thì nhà nghèo nhớ khóa cửa trong.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.