Theo báo cáo của Bộ NNPTNT xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ là lĩnh vực có sự tăng trưởng vô cùng ấn tượng.
Cụ thể, thống kê của Bộ NNPTNT cho thấy, giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ tháng 2/2021 ước đạt 1,1 tỷ USD, đưa giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ 2 tháng đầu năm 2021 đạt 2,44 tỷ USD, tăng 51% so với cùng kỳ năm 2020.
Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là bốn thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam trong tháng 1/2021 - chiếm 85,5% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.
Trong số các mặt hàng gỗ xuất khẩu, xuất khẩu đồ nội thất nhà bếp trong tháng 2/2021 đạt 61,4 triệu USD, tăng 66,5% so với tháng 2/2020.
Trong 2 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu đồ nội thất nhà bếp ước đạt 136,3 triệu USD, tăng 92,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ tháng 2/2021 ước đạt 1,1 tỷ USD, đưa giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ 2 tháng đầu năm 2021 đạt 2,44 tỷ USD, tăng 51% so với cùng kỳ năm 2020.
Đáng chú ý, năm 2020, xuất khẩu đồ nội thất nhà bếp không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 do các đợt phong tỏa và giãn cách xã hội khiến người tiêu dùng ưu tiên chi tiêu vào khu vực nhà bếp.
Tiếp nối đà tăng trưởng này, tháng 1/2021, xuất khẩu đồ nội thất nhà bếp tiếp tục ghi nhận tốc độ tăng trưởng mạnh nhất trong các mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ xuất khẩu.
Xã hội ngày càng phát triển thì người tiêu dùng càng quan tâm tới vấn đề môi trường, trong đó có việc sử dụng gỗ hợp pháp.
Ông Võ Quang Hà - Chủ tịch Công ty cổ phần Tân Vĩnh Cửu (TAVICO) nhận định: "Chúng ta cùng nhìn thấy sự thay đổi ở thị trường để đón nhận những cơ hội mới. Các cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp ngành gỗ, bao gồm doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp trong nước, cần đánh giá và xem xét lại cách thức sử dụng gỗ theo một cách mới nhằm thúc đẩy thị trường xuất khẩu và phát triển mạnh mẽ thị trường nội địa".
Ông Võ Quang Hà cho rằng, các làng nghề phải là hạt nhân đầu tiên tuân thủ các hiệp định thương mại, các cam kết mà Việt Nam đã ký về đảm bảo nguồn gốc gỗ hợp pháp. Muốn vậy, cần thay đổi mạnh mẽ thói quen từ làng nghề và xây dựng một môi trường và thị trường nội địa với những sản phẩm gỗ hợp pháp từ nguồn cung trở đi.
Người tiêu dùng thay đổi nhận thức, người sản xuất sẵn sàng thay đổi thói quen, hướng tới việc gắn kết chuỗi giá trị nhiều hơn. Đó là cơ hội để thẩm thấu các chính sách thúc đẩy liên kết trong ngành lâm nghiệp một cách hiệu quả.
TS Phạm Văn Điển - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) cho rằng, để thực sự kết nối các thành phần kinh tế lâm nghiệp, cần có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất gắn với việc phát triển vùng nguyên liệu, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, liên doanh liên kết với người dân trồng rừng, phát triển sản xuất lâm nghiệp.
Cùng với đó cần đẩy mạnh phát triển thị trường, thông tin về thị trường tiêu thụ, kết nối các kênh tiêu thụ sản phẩm; ứng dụng KHCN, đưa các giống lâm nghiệp chất lượng cao vào sản xuất; phát triển công nghệ chế biến gỗ và lâm sản, sản phẩm phụ trợ.
Đồng thời có cơ chế gắn kết các tổ chức nghiên cứu khoa học với doanh nghiệp và người dân trồng rừng; tiếp tục triển khai quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng; phát triển vùng nguyên liệu gỗ lớn; nâng cao giá trị sản phẩm cho người dân trồng rừng.