Quân đội Mỹ hiện nay đã giảm tầm quan trọng của lực lượng pháo binh vì các hệ thống pháo bọc thép rất nặng và khó triển khai cũng như tiếp tế trên toàn cầu một khi chiến sự nổ ra.
Nhưng đối với các quốc gia phải đối mặt với những đối thủ tiềm tàng ở biên giới như Hàn Quốc, pháo binh được xem là có thể phản ứng nhanh hơn, bền vững và rẻ hơn nhiều so với sức mạnh không quân.
Theo National Interest, Hàn Quốc có hơn 1.200 khẩu pháo này được triển khai vào năm 2019, để đối mặt với các mối đe dọa đáng sợ từ Triều Tiên dọc theo các khu phi quân sự địa hình núi ngăn cách hai nước.
K9 sử dụng đạn tiêu chuẩn 155 mm với chiều dài nòng gấp 52 lần cỡ đạn, tầm bắn tối đa 40 km và có thể lên đến 52 km khi sử dụng đạn tăng tầm. Điểm đặc biệt của loại pháo này được thể hiện ở chế độ bắn loạt MRSI, theo loạt ba viên với quỹ đạo khác nhau và cùng tới một mục tiêu trong thời gian 15 giây. Tốc độ bắn của pháo K9 có thể đạt đến 8 phát/phút, giúp nó là một trong những loại pháo tự hành mạnh nhất thế giới.
K9 cũng được đánh giá là một trong những khẩu pháo tự hành hiện đại nhất thế giới.
Ưu điểm của K9 không chỉ nằm ở sức mạnh hỏa lực mà còn thể hiện qua tính cơ động của pháo. Hàn Quốc đã đặc biệt thiết kế K9 để hoạt động trên những ngọn núi hiểm trở của khu phi quân sự với Triều Tiên, và theo đó, đã trang bị cho nó hệ thống treo khí nén tiên tiến để thích nghi với địa hình núi đá.
Sử dụng khung gầm của xe tăng chiến đấu M1 của Mỹ, kết hợp với động cơ MTU MT881 công suất 1.000 mã lực, tổ hợp K9 có thể cơ động với vận tốc tối đa gần 68 km/h sau khi khai hỏa để tránh hỏa lực phản pháo của đối phương. K9 cũng có thể di chuyển quãng đường lên đến hơn 350 km chỉ với một thùng nhiên liệu.
Một khẩu đội 5 người có thể sẵn sàng khai hỏa chỉ sau 30 giây triển khai và mang theo cơ số đạn 48 viên. Pháo có thể nhanh chóng được tiếp đầy đạn bởi xe tiếp đạn K10 trong vòng chưa đầy 18 phút.
Lớp giáp của pháo K9 có thể bảo vệ các thành viên trong khẩu đội trước hỏa lực súng máy 14,5 mm và các mảnh đạn từ pháo 152 mm.