Cán bộ tiếp công dân phải đảm bảo những tiêu chuẩn được quy định rõ tại Luật Tiếp công dân. Ngoài việc đảm bảo về phẩm chất đạo đức sức khỏe, sự nhiệt tình, trách nhiệm với công tác tiếp dân, cán bộ tiếp dân cần phải có năng lực chuyên môn, nắm vững chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, am hiểu thực tế, có khả năng vận động.
Tiếp công dân là việc cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có trách nhiệm tổ chức tiếp công dân của đón tiếp để lắng nghe, tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân; giải thích, hướng dẫn cho công dân về việc thực hiện khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo đúng quy định của pháp luật.
Cơ chế tổ chức thực hiện tiếp công dân tại các cơ quan nhà nước ở mỗi cấp, mỗi đơn vị có sự khác nhau và được quy định cụ thể trong Luật tiếp công dân 2013.
Theo luật sư Trần Thế Anh – Công ty luật XTVN, đoàn luật sư TP Hà Nội cho hay, tiêu chuẩn đối với cán bộ tiếp công dân được quy định tại Khoản 1 Điều 34 Luật tiếp công dân 2013.
Người tiếp công dân phải là người có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực chuyên môn, nắm vững chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, am hiểu thực tế, có khả năng vận động, thuyết phục quần chúng, nhiệt tình, bảo đảm yêu cầu về sức khỏe và có trách nhiệm đối với nhiệm vụ được giao.
Mặc dù không có quy định chi tiết đối với từng điều kiện, nhưng về cơ bản, ngoài các tiêu chuẩn đối với cán bộ, công chức nói chung, cán bộ tiếp công dân cần đáp ứng các tiêu chí sau:
Có phẩm chất đạo đức tốt.
Khi tiếp đón người dân, cán bộ phải luôn có thái độ tôn trọng, tận tụy phục vụ, đảm bảo khách quan, bình đẳng, không phân biệt đối xử, tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho người dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của mình.
Có năng lực chuyên môn để giải quyết các vấn đề có thể phát sinh từ hoạt động của các cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân.
Nắm vững chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để giải đáp, hướng dẫn, tuyên truyền, giúp công dân hiểu để thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của mình.
Có kiến thức xã hội toàn diện, sâu rộng, đặc biệt liên quan đến tình hình địa phương bởi việc áp dụng pháp luật ở mỗi địa phương, đối với mỗi đối tượng có sự khác nhau và phải gắn với thực tiễn đời sống sinh hoạt của các địa phương đó.
Có khả năng vận động, thuyết phục quần chúng.
Bảo đảm yêu cầu về sức khỏe và nhiệt tình, có trách nhiệm đối với nhiệm vụ được giao.
Việc đánh giá các tiêu chí trên và cử người tiếp công dân là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân.
Trưởng Ban Tiếp công dân có trách nhiệm nhận xét, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ của người tiếp công dân của cơ quan, tổ chức tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân.