Chia sẻ tại Tọa đàm trực tuyến: Cơ hội và thách thức cho ngành mía đường do báo Nhân dân điện tử tổ chức chiều 23/3, bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, ngay sau khi Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 477/QĐ-BCT ngày 9/2/2021 về các biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan, giá thu mua mía nguyên liệu cho người trồng tăng từ 50.000 – 100.000 đồng/tấn so với vụ ép trước.
Theo đó, giá thu mua mía đạt khoảng 950.000 đồng đến 1 triệu đồng/tấn. Giá bán đường sản xuất trong nước cũng tăng 1.500 - 2.000 đồng/kg so với thời điểm cuối năm 2020.
Đơn cử như Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn, giá mua mía trước vụ ép là 1 triệu đồng/tấn 10 CCS tại ruộng, cao hơn giá trong vùng 200.000 đồng/tấn và cao hơn so với vụ trước 2019-2020 là 150.000 đồng/tấn.
Bà Lê Thị Quỳnh Trang, Chủ tịch Hợp tác xã Tân Tiến (Gia Lai), một hợp tác xã có hàng trăm hecta mía nguyên liệu cho biết, giá thu mua nguyên liệu của công ty mía đường Thành Công đối với vùng nguyên liệu của hợp tác xã đã tăng khoảng 20%.
"Quyết định áp thuế đối với đường nhập khẩu của các cơ quan chức năng là một quyết định hợp lý và cần thiết, góp phần bảo vệ những người trồng mía như chúng tôi và các doanh nghiệp hoạt động trong ngành mía đường", bà Trang nói.
Đánh giá về biện pháp áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp tạm thời đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan, ông Phạm Hồng Dương, Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT Công ty CP Thành Thành Công - Biên Hòa cho rằng, quyết định này là thực sự cần thiết cho ngành mía đường tại thời điểm này.
Ông Nguyễn Văn Lộc - Quyền Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho rằng, việc áp thuế phòng vệ thương mại là sự can thiệp kịp thời và chẳng khác nào chiếc phao cứu sinh xuất hiện kịp thời trong hoàn cảnh thập tử nhất sinh của ngành đường Việt Nam.
Tuy nhiên, do đã bị thiệt hại quá nặng nề nên việc phục hồi sẽ còn rất nhiều gian truân trở ngại đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của ngành.
Quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp tạm thời đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan được đánh giá tháo gỡ khó khăn trước mắt cho ngành mía đường trước áp lực đường nhập lậu, thúc đẩy giá mía tăng. Tuy nhiên, do thời gian dài chìm trong thua lỗ nên nhiều nông dân đã quay lưng lại với cây mía.
Theo khảo sát của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, niên vụ 2019-2020, diện tích trồng mía tiếp tục bị giảm 15-20%.
Dự báo, niên vụ 2020-2021, tiếp tục sẽ thiếu hụt nguồn cung mía nguyên liệu cho các nhà máy.
Hiện, chỉ còn 29/40 nhà máy đường còn hoạt động, tổng lượng mía Việt Nam chỉ đạt 5.290.000 tấn mía, tương đương 530.000 tấn đường.
Ông Lê Văn Tam, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn đánh giá, ngành mía đường Việt Nam trong những năm qua gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt sau khi Hiệp định ATIGA có hiệu lực.
Giá mía thấp làm cho diện tích vùng nguyên liệu tụt giảm nghiêm trọng, diện tích mía của cả nước từ 300.000 ha, đến nay chỉ còn dưới 160.000 ha.
Từ kinh nghiệm thực tiễn của địa phương, bà Lê Thị Quỳnh Trang cho rằng, để phát triển ổn định vùng nguyên liệu mía, cần khuyến khích bà con tham gia vào hợp tác xã nông nghiệp để mở rộng diện tích và thông qua hợp tác xã nông nghiệp sẽ thu hút chính sách hỗ trợ của nhà nước để hỗ trợ lại cho hộ dân phát triển cây mía.
"Chúng tôi đề xuất thêm chính sách hỗ trợ của nhà nước để các hợp tác xã tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, để giảm chi phí sản xuất, có thêm chính sách hỗ trợ nông dân khi gặp rủi ro trước biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh" - bà Trang nói.
Để đảm bảo nguyên liệu cho vụ ép tới, ông Nguyễn Văn Lộc khuyến cáo các doanh nghiệp mía đường tùy vào hoàn cảnh thực tế tại mỗi địa phương, cần sớm xem xét, điều chỉnh tăng giá mua mía, sao cho người nông dân có thể bù đắp đủ các chi phí, cộng thêm tối thiểu 10% lợi nhuận.
"Vùng mía nguyên liệu chỉ có thể tồn tại bền vững nếu lợi nhuận từ cây mía cao hơn lợi nhuận từ cây trồng cạnh tranh trực tiếp tại địa phương. Có như thế, người nông dân mới có thể yên tâm tiếp tục đồng hành cùng các nhà máy, và mới có thể phục hồi diện tích trồng mía và ngành mía đường", ông Lộc nói.