Sáng nay (24/3), đông đảo nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình, nhà nghiên cứu văn học và người yêu mến văn chương đã có mặt tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (số 5, Trần Thánh Tông, Hà Nội) để tiễn biệt nhà văn Nguyễn Huy Thiệp về nơi an nghỉ cuối cùng.
Tang lễ của ông do Hội Nhà văn Việt Nam và gia đình cùng đứng ra tổ chức. Nhà văn Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam làm Trưởng ban tang lễ. Nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; Nhà văn Nguyễn Bình Phương - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ - Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam; Bà Dương Dương Hảo - Chánh văn phòng Hội Nhà văn Việt Nam; Bà Thân Thị Vân Anh - Phó Ban thường trực Ban Tổ chức Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đồng làm Phó ban và Uỷ viên ban lễ tang.
Trong lễ tang, nhiều bạn văn, bạn thơ, nghệ sĩ và bạn đọc yêu mến văn chương Nguyễn Huy Thiệp đã không cầm được nước mắt khi nhắc nhớ những kỷ niệm với ông. Trong mắt nhiều đồng nghiệp, Nguyễn Huy Thiệp không chỉ là một nhà văn tài năng, khó ai có thể thay thế mà còn là một người sống rất chân chất, giản dị và hiền hòa.
Nhà văn Bảo Ninh – tác giả của "Nỗi buồn chiến tranh" bộc bạch: "Nguyễn Huy Thiệp đứng một mình một góc trên văn đàn bởi không ai có thể đứng chung được với ông. Nay ông mất đi, ngày mai sẽ có người khác, nhưng vươn tới tầm cao như ông thì chắc chắn không thể có được. Tôi cho rằng, nên chọn lọc một số tác phẩm của ông đưa vào giảng dạy trong trường bởi nó chứa đựng quá nhiều giá trị vượt ngoài giới hạn của văn chương".
Nhà thơ Trần Đăng Khoa – Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ: "Nguyễn Huy Thiệp ra đi là một tổn thất lớn cho văn đàn Việt Nam. Anh xuất hiện từ những năm 80 của thế kỷ trước, khi công cuộc đổi mới của chúng ta bắt đầu. Và có thể nói, Nguyễn Huy Thiệp ngay từ khi bắt đầu xuất hiện đã rất đặc biệt. Tôi cho rằng, sự đóng góp của Nguyễn Huy Thiệp là giọng điệu riêng biệt của anh mà không lẫn với ai cả.
Phong cách và giọng điệu trong văn chương là vô cùng quan trọng, đó là cách để người ta phân biệt giữa nhà văn này với nhà văn khác. Nếu không có giọng điệu, không có phong cách thì không thành được nhà văn.
Nguyễn Huy Thiệp có một phong cách và giọng điệu rất đặc biệt. Dù bịt tên anh lại thì người ta vẫn nhận ra. Điều đó chỉ có ở một vài người thôi, không nhiều đâu, nhất là những nhà văn có tài.
Cái đóng góp của Nguyễn Huy Thiệp chính là ở cách nhìn rất mới về cuộc sống đương đại hiện nay. Văn xuôi của anh rất gần với thơ dù về mặt ngôn ngữ thì khác biệt hoàn toàn.
Mọi người chọn những con chữ trau chuốt thì Nguyễn Huy Thiệp bê nguyên mọi mặt của đời sống đặt lên giấy. Chữ của đời sống bỗ bã, bụi bặm, trần trụi... nhưng đằng sau đó là những ngữ nghĩa đầy sắc sảo. Câu chữ đó có sức gợi và nhờ có sức gợi đó mà người ta nghĩ nó rất gần với thơ. Nhiều người khác không có được nhưng Nguyễn Huy Thiệp lại có được sự thú vị này.
Nguyễn Huy Thiệp là một cây bút đa dạng vì anh viết nhiều thể loại: văn xuôi, kịch, tiểu luận... nhưng mạnh nhất của anh vẫn là truyện ngắn. Tiếc là anh mất sớm quá. 72 tuổi nhưng nếu không bị bệnh thì anh vẫn còn sức để cống hiến".
Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên kể: "Tôi với anh Nguyễn Huy Thiệp có thể nói là chỗ anh em thân thiết. Tôi tiếp xúc với anh ấy hơn 30 năm rồi. Tôi được anh ấy quý mến, tin cậy và mỗi lần gặp nhau là rất hay thổ lộ về văn chương – cuộc sống.
Khi anh mới bắt đầu xuất hiện, tôi đã được anh tặng tập truyện ngắn "Tướng về hưu", xuất bản năm 1988 của Nhà xuất bản Trẻ. Cuốn này bây giờ hiếm lắm. Sau này họ in đi, in lại nhiều truyện, thêm những truyện mới viết.
Năm 2001, tôi làm một cuốn sách tập hợp những bài viết phê bình, tranh luận về văn Nguyễn Huy Thiệp với tên gọi "Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp" thì anh thêm quý nữa. Cho đến khi chúng tôi làm Hội Nhà văn Hà Nội, trao được cho anh giải thưởng với cuốn tiểu luận phê – phê bình "Giăng lưới bắt chim" năm 2006 thì anh rất cảm kích.
Cho đến bây giờ, giải thưởng đó là giải thưởng duy nhất Nguyễn Huy Thiệp được các hội đoàn văn nghệ trao cho. Đáng lẽ, anh rất xứng đáng với một giải thưởng về truyện ngắn thì lại chưa được trao.
Mồng 4 Tết năm ngoái, tôi đến thăm anh tại nhà, lúc đó anh Thiệp đã yếu. Dẫu vậy, anh vẫn vẽ tặng tôi hai bức chân dung trên đĩa gốm. Lúc đầu, anh vẽ tôi với râu tóc xồm xoàm. Nhưng anh không ưng bức đó vì chưa ra được hình ảnh của Phạm Xuân Nguyên. Sau đó, anh vẽ lược nét hơn, gọn ghẽ hơn thì rõ nét hơn về chân dung của tôi.
Lúc nằm ở khoa Thần kinh – Bệnh viện Bạch Mai, anh đã bảo con trai mời tôi đến để trao tận tay tôi món quà này. Đó cũng là kỷ niệm của tôi với anh Nguyễn Huy Thiệp sau mấy chục năm chơi với nhau.
Anh Thiệp ở bên ngoài là một con người rất bình thường, đơn giản... như một người nông dân vậy. Nhưng đọc văn chương của anh thì anh ấy có phẩm chất của một nhà tư tưởng, một nhà văn lớn. Những cái đó để thấy được là giữa văn và người rất giống nhau".
Trong lễ truy điệu, nhà văn Nguyễn Quang Thiều đã đại diện BTC lễ tang đọc điếu văn. Điếu văn nhấn mạnh đến tầm ảnh hưởng cũng như những đóng góp của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đối với nền văn học nước nhà.
Điếu văn có đoạn viết: "Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đến với văn chương khá muộn. Nhưng khi "Những ngọn gió Hua Tát" và những truyện ngắn khác của ông xuất hiện thì cũng là lúc cơn bão mang tên Nguyễn Huy Thiệp trỗi dậy, thổi qua cánh rừng đời sống văn chương Việt và nó làm tất cả rung lên. Kể từ năm 1975 cho tới lúc này, chưa có nhà văn nào có khả năng làm thay đổi một cách sâu sắc thi pháp và tinh thần văn xuôi Việt Nam như ông. Và cho tới lúc này, ông vẫn là người trị vì ngai vàng trong thế giới truyện ngắn Việt Nam đương đại".
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đánh giá bút pháp của cố nhà văn "trần trụi đến nghiệt ngã, nhưng đó là sự trần trụi của một người dám nhìn thẳng sự thật và gọi đúng tên sự thật", "văn của ông là sự nổi giận tựa cơn hỏa hoạn, nhưng đó là sự nổi giận của lương tâm trước sự suy đồi và giả dối của con người", "văn của ông là sự đau đớn đến kinh hoàng, nhưng đó là sự đau đớn của tình yêu thương con người".
Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, những tác phẩm của ông mang vẻ đẹp của một lưỡi dao mổ: chói sáng, chính xác và đau đớn. Con dao ấy đã phẫu thuật những khối u ẩn giấu trong tâm hồn con người. Nó làm con người đau đớn đến mức tưởng không chịu nổi để rồi được bình phục và lớn lên.
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh, trong cuộc sống đời thường, Nguyễn Huy Thiệp sống lặng lẽ, khiêm nhường, im lặng trước mọi khen chê, đố kỵ, khiêu khích. Ông thường ngồi chìm sâu giữa một đám đông, với dáng hình như cố thu nhỏ để không ai nhìn thấy. Nhưng từ nơi chốn ấy, ông có một cái nhìn xuyên qua đời sống để thấu hiểu, giải phẫu nó.
"Với những gì ông đã viết cho cuộc đời, ông được nhận huân chương Văn học Nghệ thuật Pháp (2007), giải thưởng Premio Nonino (Italy, 2008). Nhưng giải thưởng lớn nhất cho những sáng tạo của ông chính là bạn đọc. Họ đã trao huân chương cho ông bằng chính trái tim mình", ông Nguyễn Quang Thiều kết thúc điếu văn.
Giây phút mặc niệm tác giả "Tướng về hưu", giai điệu ca khúc "Một cõi đi về" của Trịnh Công Sơn vang lên qua tiếng saxophone của nghệ sĩ Quyền Văn Minh. Sau lễ viếng, thi hài của nhà văn sẽ được đưa xuống Nhà hoá thân hoàn vũ, Văn Điển, Hà Nội. Tro cốt và di hài ông sẽ được an táng tại nghĩa trang gia đình thôn Tằng My, xã Nam Hồng, Đông Anh, Hà Nội.